Đẩy mạnh công tác xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam

Tại buổi Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử với chủ đề "Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính nhà nước”, chỉ số sẵn sàng cho Chính phủ điện tử của Việt Nam đã công bố tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng thế giới, từ vị trí 105 ( 2005) lên 91 (2008). Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực và châu lục như: Hàn Quốc, Singapore thì chỉ số về ứng dụng, tiếp cận dịch vụ hành chính công ở nước ta vẫn kém hơn nhiều.

Theo công bố tại buổi Hội thảo, năm 2008, có 20/22 bộ ngành, 59/63 tỉnh có website ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, nhưng trong đó chỉ có 5 đơn vị đạt tiêu chuẩn. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố, Bộ, cơ quan ngang bộ đều có Website cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công ở mức độ 1-2. Trên 90% cơ quan cấp tỉnh có kết nối Internet trong đó 80% sử dụng kết nối băng thông rộng; 50% cán bộ biết sử dụng máy tính… chỉ có duy nhất Website của Bộ Ngoại giao cung cấp dịch vụ hành chính công ở mức độ 4.

Phần lớn ý kiến tại buổi Hội thảo cho rằng, sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân, điển hình như: vai trò chỉ đạo về Chính phủ điện tử và CNTT Việt Nam còn hạn chế; thiếu gắn kết giữa cải cách hành chính và ứng dụng CNTT; chưa có thể chế về CNTT,....

Đánh giá về tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết: Đảng, Chính phủ Việt Nam chủ trương triển khai đẩy mạnh tin học hóa cải cách hành chính Nhà nước theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực và bền vững. Nhiều cuộc giao ban, hội nghị của Chính phủ và các Bộ, ngành đã được thực hiện qua hình thức trực tuyến. Những năm gần đây, nhiều dự án liên quan đến Chính phủ điện tử đã được triển khai, bước đầu đạt kết quả khả quan. Việc thúc đẩy quá trình tin học hóa trong cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đã góp phần nhất định tạo chuyển biến trong cơ quan hành chính, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc với cơ quan hành chính thuận tiện, hiệu quả, tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đi nhanh và bền vững nhằm có một Chính phủ điện tử  là một thách thức trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật CNTT còn bất cập, cơ chế quản lý đầu tư liên quan đến các dự án CNTT chưa hoàn thiện. 

Trong 2 năm tới (2009 - 2010), Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch phát triển CNTT, trong đó đầu tư xây dựng nền tảng cho Chính phủ điện tử, môi trường pháp lý, hệ thống bảo đảm an toàn thông tin, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính (đạt 60% thông tin điều hành trên mạng, 80% cổng thông tin điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp).

 Quỳnh Trang


Ảnh trong bài
  • Đẩy mạnh công tác xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam