Luật công nghệ thông tin một trong những yếu tố quyết định sự phát triển CNTT Việt Nam. (15/08/2005)

Trong thời đại công nghiệp hoá và hiện đại hoá, công nghệ thông tin Việt Nam đang dần phát triển hội nhập cùng các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Rất nhiều dự án trọng điểm trong năm 2005 (Đề án Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2005 (Đề án 112), Dự án tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử, chương trình ‘Phát triển nguồn nhân lực’, dự án ứng dụng CNTT phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn...) đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Trong thời đại công nghiệp hoá và hiện đại hoá, công nghệ thông tin Việt Nam đang dần phát triển hội nhập cùng các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Rất nhiều dự án trọng điểm trong năm 2005 (Đề án Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 – 2005 (Đề án 112), Dự án tổ chức triển khai phát triển thương mại điện tử, chương trình ‘Phát triển nguồn nhân lực’, dự án ứng dụng CNTT phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn...) đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trước sự phát triển khá nhanh của CNTT, đặc biệt là những yêu cầu của xã hội về khung cơ sở pháp lý cho ngành CNTT, Việt Nam cũng đang từng bước xây dựng luật CNTT. Phải nói rằng, luật CNTT là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của CNTT bởi nếu không có Luật cũng tức là không đảm bảo tính pháp lý trên môi trường điện tử, Chính phủ điện tử, thương mại điện tử và trong quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới.

Cũng đã có rất nhiều văn bản dưới luật như Nghị quyết số 07 của Chính phủ về xây dựng và phát triển Công nghệ phần mềm 2000 – 2005 (ban hành năm 2000), Nghị định số 55 về quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.... Những nghị định này phần nào đã giải quyết một số vấn đề trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, điều đó là chưa đủ và CNTT Việt Nam cần phải có một bộ luật rõ ràng.

Chính vì nhu cầu bức thiết đó, luật CNTT đã nhanh chóng được xây dựng và bản dự thảo luật lần thứ nhất được Ban soạn thảo luật CNTT (do Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo Luật, Mai Liêm Trực chủ trì) đưa ra lấy ý kiến tại phiên họp đầu tiên (27/10/2004). Bản dự thảo lần thứ nhất bao gồm 7 chương chủ yếu tập trung vào một số ‘điểm yếu’ về luật mà CNTT Việt Nam đang vấp phải đó là: hành vi tội phạm trên mạng, khung pháp lý về phát triển và ứng dụng CNTT, cơ sở pháp lý của các giao dịch trên không gian mạng và các vấn đề khác có liên quan đến sự phát triển của CNTT.

Với mục tiêu tạo ra một môi trường pháp lý ở mức cao và áp dụng được lâu dài đồng thời cũng có thể thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, cho đến nay, dự thảo luật công nghệ thông tin đã qua 9 lần sửa đổi, bổ sung và lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Và mới đây nhất, dự thảo lần thứ 9 đã được ra thảo luận tại Hội thảo về dự án luật công nghệ thông tin và khung luật ICT do Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức.

So với bản dự thảo đầu tiên, bản dự thảo lần thứ 9 đã được bổ sung khá hoàn thiện với 5 chương, 67 điều chủ yếu tập trung vào hai nội dung lớn là ứng dụng CNTT và công nghiệp CNTT. Dự thảo luật CNTT đã quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ thúc đẩy sự sản xuất các sản phẩm CNTT trọng điểm. Dự thảo cũng quy định đối với trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước, nội dung phải được cập nhật thường xuyên đồng thời phải đảm bảo cho người sử dụng truy cập dễ dàng.

Bản dự thảo lần thứ 9 đưa ra thảo luận đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và đại biểu có mặt trong Hội thảo. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng bản dự thảo lần thứ 9 vẫn chưa đủ “trọng lượng” để có thể đưa ra ban hành. Ban dự thảo còn chung chung, chưa nêu rõ những việc cấm các doanh nghiệp không được làm, một số vấn đề cần thiết (giáo dục điện tử, an ninh trên môi trường mạng, hợp đồng điện tử...) vẫn chưa được đưa vào trong luật. Một số ý kiến cho rằng, luật CNTT phải tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Ngoài ý kiến đóng góp của các chuyên gia CNTT trong nước, bản dự thảo lần thứ 9 còn nhận được ý kiến đóng góp từ một số các chuyên gia nước ngoài. Một chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, việc xây dựng luật CNTT là rất phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay. Về nội dung của luật, Ban soạn thảo luật CNTT cần chi tiết hoá cũng như xem xét kỹ từng nội dung trong từng điều khoản để đưa ra một nội dung phù hợp nhất. Những ý kiến đóng góp này sẽ một phần nào đó giúp cho Ban soạn thảo có cái nhìn toàn diện hơn để nhanh chóng ban hành luật CNTT đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của ngành CNTT Việt Nam.

Theo dự kiến, luật CNTT sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận vào cuối năm nay và dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm tới (2006). Song song với việc xây dựng Luật CNTT, 04 Nghị định hướng dẫn thực hiện luật (Nghị định hướng dẫn về công nghiệp CNTT, hướng dẫn về thương mại điện tử, chính phủ điện tử và xử phạt vi phạm hành chính) cũng đang được xây dựng và sẽ sớm được ban hành.

V.A
 

Ảnh trong bài
  • Luật công nghệ thông tin một trong những yếu tố quyết định sự phát triển CNTT Việt Nam. (15/08/2005)