Đột phá vào lĩnh vực giáo dục thể chất cho lứa tuổi học sinh để nâng cao tầm vóc và thể trạng của người Việt - đó là một trong những nội dung của chương trình quốc gia do Viện Khoa học thể dục thể thao (Ủy ban TDTT) xây dựng.
Dự kiến, phần lớn kinh phí của chương trình sẽ được đầu tư cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để cải thiện tình hình thể dục thể thao học đường. PV Báo Thanh Niên đã trao đổi với TS Ngũ Duy Anh - Phó vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT (ảnh) xung quanh vấn đề này.
* Ông đánh giá như thế nào về chương trình quốc gia mang tên "Nâng cao tầm vóc và thể trạng của người Việt Nam góp phần phát triển giống nòi và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do Viện Khoa học thể dục thể thao xây dựng, và chọn học sinh phổ thông là đối tượng để đầu tư phát triển thể lực?
- Hiện chương trình nói trên mới được Ủy ban TDTT bàn thảo để trình Chính phủ. Chúng tôi rất ủng hộ vì đây là chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng mà trước đây chúng ta chưa có điều kiện để làm. Chương trình đã đề cập tới nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thể lực của con người như gien, dinh dưỡng, luyện tập và nhiều yếu tố khác, trong đó tập luyện được coi trọng. Điều này hoàn toàn phù hợp với Việt Nam. Thực tế, học sinh ở thành phố có điều kiện dinh dưỡng rất tốt nhưng nếu không có điều kiện để tập luyện thì thể trạng cũng không tốt, thậm chí còn mắc bệnh béo phì.
* Thực trạng việc giáo dục thể chất cho học sinh hiện nay ra sao, thưa ông?
- Môn thể dục đã được đưa vào giờ chính khóa, tuy nhiên thời lượng còn rất hạn chế, từ bậc tiểu học đến trung học phổ
thông chỉ có 2 tiết/tuần. Đội ngũ giáo viên dạy thể dục rất thiếu, đặc biệt ở bậc tiểu học. Hiện chúng ta có khoảng 20.000 trường tiểu học. Nếu mỗi trường chỉ cần 1 giáo viên chuyên trách thì đã thiếu tới 15.000-17.000 giáo viên. Đó là chưa nói tới việc giáo viên chủ nhiệm thường kiêm luôn việc dạy thể dục. Nếu không có chuyên môn, dạy không đúng, học sinh tập sai thì còn phản tác dụng. Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy TDTT rất khó khăn. Nhiều trường không có chỗ tập cho HS, thậm chí còn không có cả nơi cho HS tập trung. Dụng cụ tập luyện cũng thiếu thốn...
* Phải chăng việc giáo dục thể chất cho học sinh đã không được coi trọng?
- Tôi không nói như vậy, bởi Bộ GD - ĐT luôn có chủ trương giáo dục toàn diện cho HS. Nhưng như đã đề cập ở trên, các điều kiện để thực hiện còn rất khó khăn. Ví dụ chương trình chỉ bố trí 2 tiết/tuần nhưng có những trường có 40 - 50 lớp mà chỉ có một sân tập thì bố trí làm sao cho HS học? Tuy nhiên cũng có nhiều trường chưa quan tâm đúng mức. Có những trường học 2 buổi/ngày nhưng chỉ bố trí 1 tiết dạy thể dục trong một tuần là không thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khác xuất phát từ chính gia đình HS. Nhiều bậc phụ huynh chạy
Tại Nhật Bản, ngay ở bậc tiểu học, môn thể dục được coi là 1 trong 3 môn có thời lượng cao nhất. Hằng ngày, học sinh đều được tập luyện trong giờ chính khóa và hoạt động ngoại khóa.
|
theo tâm lý bằng cấp, muốn con học hành đỗ đạt cao mà không quan tâm đến thể lực của các em. Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan khiến cho HS không còn thời gian vui chơi, nói gì đến tập luyện !
* Nếu đề án được Chính phủ phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm như thế nào để cải thiện tình trạng trên?
- Không phải là có đề án thì chúng tôi mới nghĩ đến việc cải thiện. Hiện trong từng năm học, bộ cũng đã cố gắng khắc phục nhưng quả thực là "lực bất tòng tâm". Đơn cử, việc thiếu giáo viên lại phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế của Nhà nước. Như quy định hiện nay một trường có 20 lớp chỉ có 23 giáo viên, trong đó 20 giáo viên phụ trách, còn lại có 3 giáo viên thì lại dành cho nhiều môn khác như ngoại ngữ, nhạc, họa...
Nếu chương trình được triển khai thì là một thuận lợi lớn đối với ngành, tạo điều kiện cho nhiều trường của ngành có được hệ thống nhà tập, sân tập để phục vụ việc giảng chính khóa, ngoại khóa. Đặc biệt, khi đã có chủ trương của Chính phủ về sự thay đổi hình thái của con người Việt Nam thì đó là cơ hội cho các nhà giáo dục Việt Nam nghiên cứu để có thể xây dựng một chương trình giáo dục hoàn thiện hơn.
* Xin cảm ơn ông !
Theo Báo Thanh Niên