Trường Đại học TDTT III – Đà Nẵng: xưa và nay

Ngày 13/12/1977, trường Trung học TDTT Trung ương III chính thức được thành lập, đến nay sau 30 năm xây dựng và phát triển Nhà trường đã từng bước được nâng cấp trở thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng. Nơi đây thực sự là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng các lớp cán bộ, giáo viên và những nhà quản lý TDTT đồng thời cũng là nơi ươm mầm cho những tài năng thể thao cất cánh.

Trường Đại học TDTT Đà Nẵng (Ảnh: Thu Thanh)
Ngày 13/12/1977, trường Trung học TDTT Trung ương III chính thức được thành lập, đến nay sau 30 năm xây dựng và phát triển Nhà trường đã từng bước được nâng cấp trở thành trường Đại học TDTT III Đà Nẵng. Nơi đây thực sự là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng các lớp cán bộ, giáo viên và những nhà quản lý TDTT đồng thời cũng là nơi ươm mầm cho những tài năng thể thao cất cánh.

Trường Đại học TDTT III – Đà nẵng hôm nay đã hoàn toàn thay đổi, với diện tích 10 ha, được xây dựng khang trang, bề thế xứng tầm với một trường Đại học lớn của khu vực miền Trung. Từ chỗ chỉ có 11 cán bộ, giảng viên, hiện nay, con số đó đã lên đến trên 170 người. Trong đó, trên 60% giảng viên đã và đang được đào tạo sau Đại học; có 02 tiến sĩ, 34 thạc sĩ, 01 giảng viên cao cấp, 14 giảng viên chính, 06 nghiên cứu sinh, 13 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp và 11 trung cấp lý luận chính trị… Cùng với lực lượng cán bộ đông đảo, có trình độ, các công trình phục vụ cho công tác đào tạo (giảng đường, khu hiệu bộ… ) đều được xây dựng kiên cố và trang bị những phương tiện hiện đại đáp ứng cho việc dạy và học của Nhà trường. Nhưng trong ký ức của các thế hệ Thày và trò Nhà trường - những người đặt viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng trường TDTT trung ương III thì hình ảnh mái trường xưa vẫn còn nguyên vẹn.

30 năm về trước, nơi đây là một khu rừng dừa quanh năm bị ngập nước thuỷ triều của dòng sông Phú Lộc, xung quanh toàn là cát trắng, hoang sơ và thưa thớt với mấy mái nhà lợp tôn, tường được xây bằng mấy tấm ván ép. Thày Phan Văn Quyền - nguyên Hiệu trưởng trường TDTT Trung ương III cho biết: “ngày 01/01/1978, 11 anh chị em chúng tôi nhận quyết định của Tổng cục TDTT đi xây dựng trường Thể thao của miền Trung. Buổi đầu bắt tay vào xây dựng trường thật gian khổ, vì đang trong thời bao cấp, hàng hoá khan hiếm: có chỉ tiêu, có tiền nhưng mua được vật liệu xây dựng là rất khó. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức ấy, Ban giám hiệu cùng cán bộ, giảng viên của đã cùng nhau đoàn kết, quyết tâm xây dựng bằng được mái trường thân yêu này. Chỉ sau 9 tháng xây dựng, tháng 10 năm 1978 trường đã tuyển sinh khoá đầu tiên.

Cơ sở vật chất khó khăn thiếu thốn là vậy, lực lượng cán bộ, giáo viên lại quá ít, nhưng với tinh thần tất cả vì miền Trung thân yêu, Thày và trò Nhà trường đã nỗ lực, tận tụy hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cô Phan Thị Kim Xuân - một trong những giáo viên tham gia giảng dạy từ những khoá đầu tiên nhớ lại: “cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho giảng dạy thiếu thốn đủ thứ, Thày và trò không ngại nắng mưa, cùng chung sức đào đất cát làm hố nhảy xa, nhảy cao, sân bóng, bể bơi; tự tạo nên các dụng cụ học tập như: xà nhảy cao, lựu đạn gỗ, dụng cụ học ném lao... “

Những năm tháng đầu gian khó những cũng thật tự hào ấy sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên không chỉ đối với những cán bộ, giáo viên mà cả với các thế hệ sinh viên của Nhà trường. Anh Trần Văn Tự - cựu học sinh khoá trung học đầu tiên của Trường cho biết ngày: “ngày đầu tiên nhập trường, nhìn thấy cảnh trường hoang sơ, cuộc sống thiếu thốn mọi mặt, ăn đói, uống nước giếng phèn, tập nặng nhiều người chỉ muốn bỏ học. Các thế hệ sinh viên ngày ấy vất vả lắm, ngoài việc học chính khoá, tất cả các buổi sáng đều phải thức dậy từ lúc 5 giờ tập thể dục buổi sáng, tập thể lực, kỹ thuật ở các môn thực hành biết bao vất vả và gian truân nhưng cứ nghe câu nói động viên của thầy Hiệu trưởng các em là những hạt giống đỏ của miền Trung chúng tôi lại cố gắng. Ba năm học trôi đi nhanh chóng, rồi chúng tôi cũng đã ra trường nhận công tác”.

Tính đến năm học 2006 - 2007, Nhà trường đã đào tạo được gần 4.300 cán bộ, giáo viên TDTT chính quy và không chính quy có trình độ Trung học, Cao đẳng và Đại học (liên kết với trường Đại học TDTT I). Đa số sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm đúng chuyên môn được đào tạo. Những kết quả đó đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển TDTT của đất nước nói chung và khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng.

Tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên TDTT có chất lượng đáp ứng các yêu cầu của ngành TDTT cũng như sự phát triển của xã hội, Nhà trường đang đầu tư xây dựng cơ sở II tại phường Hoà Khánh Nam, Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với diện tích 40ha, kinh phí đầu tư giai đoạn 1 khoảng 170 tỷ đồng. Với những tiềm năng và thế mạnh của mình, chắc chắn trong tương lai không xa, trường Đại học TDTT III Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển hơn nữa, xứng đáng là một trong 3 trường Đại học TDTT lớn nhất cả nước.

Thu Thanh

 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT III – Đà Nẵng: xưa và nay