Trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính là một việc làm cấp thiết bởi khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới ( WTO) thì việc sửa đổi, cởi mở thể chế hành chính sẽ mang lại nhiều cơ hội hội nhập vào cộng đồng thương mại quốc tế sâu và rộng hơn.
Mới đây, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 về việc phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010. Quyết định này cũng đã mở ra "nút thắt" cho việc thực hiện giai đoạn 2 Đề án tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112), đồng thời là một trong những biện pháp nhằm tích cực thực hiện cải cách hành chính.
Là 1 trong 7 nội dung cơ bản của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, Đề án 112 giai đoạn 1, theo đánh giá của giới chuyên môn thì chưa thành công và vẫn còn nhiều bất cập. Sau 4 năm thực hiện Đề án 112, một số Bộ, ban, ngành đã xây dựng xong website, thiết lập các Trung tâm tích hợp dữ liệu (TTTHDL), hình thành mạng Intranet của Chính phủ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước khởi điểm ban đầu và để hoàn thành nó còn cả 1 chặng đường dài phía trước. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong quá trình thực hiện, triển khai Đề án 112, trong đó vấn đề cải cách thủ tục, quy trình hành chính cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản. Đơn cử như do quy trình, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp chưa có sự đồng nhất giữa các Bộ, ban, ngành đã khiến cho các chuyên gia CNTT gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các phần mềm dùng chung. Và câu hỏi được đặt ra cho các nhà chuyên môn cũng như Ban điều hành Đề án 112, liệu không xây dựng được phần mềm dùng chung thì có thể tích hợp hệ thống thông tin chung trong phạm vi cả nước và có thể hoàn thành việc xây dựng Chính phủ điện tử hay không?.
Mặt khác, việc không thống nhất về quy trình hành chính cũng khiến cho việc đồng bộ dữ liệu gặp trở ngại dẫn đến việc xây dựng TTTHDL bị ngưng trệ. Hiện tại, nhiều Bộ, ban ngành đã và đang xây dựng TTTHDL, tuy nhiên những dữ liệu trong các Trung tâm này còn ít và chưa có sự quy chuẩn, thống nhất từ trên xuống dưới. Tình trạng này sẽ gây lãng phí rất lớn bởi thành phần nền tảng cơ bản để xây dựng Chính phủ điện tử là hệ thống thông tin điện tử phải thống nhất trong cả nước.
Mặc dù vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường xây dựng Chính phủ điện tử nhưng với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, chắc chắn Đề án 112 cũng như Chính phủ điện tử Việt Nam sẽ sớm hoàn thành. Và mong rằng khi đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới ( WTO), Việt Nam sẽ tìm được các đáp số chung để gắn kết trong lĩnh vực hành chính quốc gia và hành chính có tầm vóc quốc tế trên tiến trình hội nhập.
Quỳnh Trang