Để phát triển công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì Nhà nước cần có sự ưu tiên, quan tâm hỗ trợ và khuyến khích phát triển. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực cùng phát triển, tăng cường năng lực công nghệ quốc gia trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, giữa các doanh nghiệp sẽ có sự cạnh tranh trên một thương trường rộng lớn “không biên giới quốc gia” thì việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin đối với doanh nghiệp Việt Nam đang là một đòi hỏi mang tính tất yếu. Điều này cũng đã được phần lớn các doanh nghiệp thừa nhận vai trò và lợi ích của công nghệ thông tin. Mới đây nhất, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin đã khảo sát 217 DNNN, qua đó cho thấy có tới 86% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao vai trò của công nghệ thông tin. Một vấn đề là hầu hết các doanh nghiệp đều chưa thực sự chú trọng đến nguồn tài chính để đầu tư cho công nghệ thông tin; nếu có đầu tư thì cũng thiếu một chiến lược dài hạn.
Để khắc phục những khó khăn và đưa công nghệ thông tin trở thành một ngành mũi nhọn ở Việt nam, thì phải ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, hình thành, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử để Việt Nam đạt trình độ phát triển ngang bằng với các trong khu vực ASEAN. Phát triển mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong những ngành dịch vụ kinh tế có tính hội nhập cao như viễn thông, ngân hàng, hải quan, hàng không, du lịch, thuế…, đảm bảo năng lực quản lý và chất lượng dịch vụ của các ngành này đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Không những đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh tế mà còn áp dụng trong an ninh quốc phòng phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như từng bước đưa công nghệ thông tin vào đời sống của nông dân, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị. Hình thành các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng giá trị gia tăng, hệ thống quản lý dây truyền cung ứng việc phát triển công nghiệp phần mềm thông tin phải đồng bộ với mở rộng, phát triển mạng truyền thông, xây dựng mô hình đổi mới và tin học hoá các quy trình điều hành, quản lý hành chính của cơ quan quản lý và mô hình dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến;
Nâng cao nhận thức hơn nữa về vai trò, vị trí của công nghệ thông tin trong các ngành kinh tế quốc dân, an ninh, quốc phòng và nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông trên Internet và các phương tiện thông tin đại chúng. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin ở cấp Trung ương và địa phương đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”. Nhanh chóng xây dựng hệ thống quản lý ứng dụng công nghệ thông tin.
Đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông, kiên quyết loại bỏ các chương trình lạc hậu. Biên soạn chương trình đào tạo mới về công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thực hành ở các môn học công nghệ thông tin và truyền thông để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực. Khuyến khích các trường đại học giảng dạy về công nghệ thông tin và truyền thông bằng tiếng Anh, có chính sách thu hút giáo viên nước ngoài trong đào tạo. Đẩy mạnh chương trình dạy đại học bằng tiếng Anh cho sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông theo hướng 1 năm học tiếng Anh và 3 - 4 năm học chuyên môn bằng tiếng Anh.
Lấy công nghệ thông tin làm nòng cốt để Việt Nam chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế - xã hội trở thành một nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thu Hương