Công nghệ thông tin (CNTT) thực sự là "hơi thở" của con người trong xã hội phát triển thời đại kinh tế tri thức. Khó có thể kể kết những tiến bộ của công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực. Từ kinh tế, khoa học, xã hội, cũng như trong lĩnh vực thể thao... Cũng không có cuộc cách mạng kĩ thuật nào có tốc độ phát triển nhanh như cách mạng công nghệ thông tin. Đất nước Việt Nam ta đang đứng trước những vận hội và thách thức của kinh tế tri thức, trong đó CNTT là nòng cốt. Tư chất của người Việt Nam là thông minh, kiên trì, có tư duy tốt, vốn làt những phẩm chất quý báu cho con người thời đại thông tin. Sự nghiệp ứng dụng và phát triển CNTT trong ngành thể dục thể thao (TDTT) là vận hội chung cũng là thách thức.
Từ năm 2002, CNTT ở nước ta đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt là sự chuyển biến nhận thức về vai trò của CNTT từ cấp lãnh đạo cao nhất và đã được cụ thể hóa bằng những Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Cụ thể là Chỉ thị 58/CT-TW ngày 17/10/2002 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ mục tiêu "CNTT được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất của sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng". Pháp lệnh thư viện ngày 28/12/2000 cũng quy định: "Nhà nước đầu tư để thư viện hưởng ngân sách Nhà nước hoạt động, phát triển và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kĩ thuật, điện tử hóa, tự động hóa thư viện", điều này tạo cơ sở pháp lý và nguồn động viên thúc đẩy CNTT Việt Nam.
Vai trò quan trọng của CNTT trong lĩnh vực TDTT Việt nam đã được khẳng định trong thực tiễn. Có thể nói rằng sự có mặt của CNTT đã góp phần quan trọng vào thắng lợi rực rỡ của SEA Games 22 và ASEAN Para Games 2 tổ chức ở nước ta vừa qua. Đảm bảo cho việc tổ chức ngang tầm hiện đại với các sự kiện thể thao lớn của thế giới. Trong năm 2003, cùng với việc ra đời của Khu Liên hợp thể thao quốc gia, Tạp chí thể thao, Trung tâm tin học của UBTDTT đã được thành lập, mở ra triển vọng mới để CNTT phát huy tác dụng đối với mọi lĩnh vực hoạt động của TDTT Việt Nam.
Tại các Viện Khoa học TDTT, các trường Đại học TDTT, các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia, các Sở TDTT, các Tỉnh, Thành lớn việc ứng dụng CNTT đã và đang được đẩy mạnh.
Tuy nhiên vẫn phải thừa nhận rằng sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong thể thao hiện nay đang bị hẫng hụt trước tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Hơn ai hết mỗi cán bộ công chức ngành TDTT sẽ là một ngọn lửa sáng của việc ứng dụng CNTT trong công tác của mình. Đào tạo cán bộ có kiến thức luôn cập nhật về CNTT để ứng dụng nhanh chóng, đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành Thể thao nước nhà trong công tác đào tạo cán bộ, huấn luyện VĐV, tổ chức thi đấu, trang thiết bị thể thao - quản lý ngành, v.v... là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, Trường Đại học TDTT II - Trung tâm HLTT QG II đã tiến hành xây dựng Trung tâm thông tin tư liệu TDTT. Ngày 4/2/2004, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT đã ban hành quyết định số 97/2004/QĐ-UBTDTT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Trường Đại học TDTT II mới, trong đó Trung tâm thông tin tư liệu TDTT (tương đương cấp Phòng) là một bộ phận quan trọng phục vụ cho nhu cầu thu thập, lưu trữ, xử lý, khai thác, phổ biến, cung cấp thông tin trong lĩnh vực TDTT cho mọi đối tượng.
Với sự giúp đỡ của hai chuyên gia Pháp thuộc trung tâm tư liệu INSEP (Học việ TDTT Pháp) và chuyên gia Úc thuộc National Spost Information Centre, Trung tâm thông tin tư liệu TDTT Trường Đại học TDTT II được xây dựng với những đặc điểm sau:
- Xây dựng trung tâm tư liệu TDTT hiện nay không chỉ có sách, tài liệu dưới dạng in ấn, mà phải có những dạng thông tin khác: sách điện tử, tạp chí điện tử, băng Video, đĩa CD, VCD và DVD.
- Lưu trữ, tra cứu nguồn tài liệu, thông tin ngày càng đa dạng và dựa trên công nghệ mạng: CSDL trên CD-ROM trên máy đơn lẻ, trên mạng LAN, mạng WAN trong nước, các CSDL trực tuyến (on-line) đặt tại nước ngoài tra cứu thông quan Internet.
- Thu tập các cơ sở dữ liệu toàn văn (full-text), hiện đã có những tạp chí điện tử toàn văn của hàng nghìn tạp chí nổi tiếng trên thế giới.
- Đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao cả về chất lượng, số lượng và thời gian đáp ứng (nếu trước kia là một vài tháng, thì ngày nay là một vài tuần và một vài ngày và thậm chí chỉ trong chốc tích tắc).
- Khả năng đáp ứng những nguồn tư liệu quý hiến, không có trong nước (dịch vụ cung cấp tài liệu - document delivery sẽ đáp ứng bất kể thời gian và không gian).
Từ các địa điểm trên, nhiệm vụ của Trung tâm là:
1. Xây dựng hệ thống các dữ liệu, nối mạng toàn trường (mạng LAN), nối mạng với các cơ quan trong và ngoài ngành TDTT (mạng WAN).
2. Hình thành thư viện điện tử dựa trên phần mềm LIBOL.
3. Đào tạo nguồn nhân lực: để duy trì hoạt động của Trung tâm, đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ về Thư viện, hiểu biết về tin học, trình độ tiếng Anh có thể hướng dẫn tra cứu cho cán bộ, nhân viên và hỗ trợ bạn đọc, đang được khẩn trương đào tạo, tuyển dụng.
4. Bổ sung nguồn tư liệu:
- Sách và tạp chí khoa học xuất bản trong nước.
- Sách và tạp chí nước ngoài.
- Các băng hình, đĩa quang chuyên môn (có thể được thu trực tiếp từ vệ tinh, đài truyền hình hay được các lưu học sinh, HLV, VĐV,... mang về từ nước ngoài,...)
- Các tài liệu trên mạng Internet (có loại miễn phí, có loại phải mua).
- Tài liệu dịch...
5. Xây dựng trang Wed của Trung tâm thông tin tư liệu TDTT: phối hợp với công ty FPT, chuyên gia Úc các cán bộ phòng KHCNTT xây dựng trang Wed chi tiết cho Trung tâm TTTT-TV.
Theo quan điểm lạc quan của các nhà CNTT ở Việt Nam: khoảng 5 - 10 năm tới với "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta sẽ trở thành một trong những cường quốc về ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy mọi cán bộ công chức trong ngành TDTT sẽ nhất định không để CNTT phát triển chậm và kém chất lượng. Chính vì vậy ngành TDTT trong ngành mỗi chúng ta cần mau chóng trau dồi khả năng làm chủ CNTT, góp phần mau chóng hiện đại hóa ngành TDTT Việt Nam, thiết thực nâng cao sức khỏe nhân dân.
TS. Lâm Quang Thành - Nguyễn Hoàng Minh Thuận
Trường Đại học TDTT II - Trung tâm HLTTQG II