Hà Nội (TTXVN) - Ngày 16/7, tại Hà Nội, đông đảo các nhà khoa học đã tham gia buổi thảo luận do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm đóng góp ý kiến cho Chương trình Nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam, góp phần phát triển giống nòi, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải có sự triển khai đồng bộ giữa xã hội, nhà trường và gia đình, hướng dẫn cho các bà mẹ cách nuôi con đủ dinh dưỡng, đưa giáo dục dinh dưỡng vào trường học.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng việc nuôi trẻ đủ dinh dưỡng sẽ tốn nhiều tiền của xã hội vì vậy, muốn đạt hiệu quả cao, cần phải thử nghiệm và tìm ra một số giải pháp chăm sóc tốt, sau đó phổ biến ứng dụng rộng rãi.
Chương trình Chương trình Nâng cao tầm vóc và thể trạng người Việt Nam được thực hiện từ năm 2005-2030, trong đó giai đoạn I từ 2005-2010. Đối tượng được hưởng Chương trình là những gia đình đã thoát nghèo, học sinh ở lứa tuổi học tiểu học, trung học cơ sở và đầu trung học phổ thông.
Theo Chương trình, kết thúc giai đoạn I (đến năm 2010), chiều cao thân thể trung bình của nam thanh niên 18 tuổi sẽ đạt từ 165cm-166cm, nữ đạt 154cm-155cm. Sức bền chung bình và chỉ số công năng tim trong vận động của nam nữ thanh niên Việt Nam (18 tuổi) sẽ đạt loại trung bình so với thanh niên 18 tuổi của Nhật Bản. Đến cuối năm 2030 tố chất thể lực của thanh niên Việt Nam đạt xấp xỉ với các nước trong khu vực.
Theo điều tra của Viện Khoa học Thể dục Thể thao ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Mường Khương (Lào Cai) cho thấy 94,2% gia đình chấp thuận phối hợp thực hiện chương trình, 91% gia đình mong được hướng dẫn về dinh dưỡng, thể dục thể thao, đánh giá sức khỏe định kỳ cho trẻ em, 87% gia đình có điều kiện nuôi con dưới 10.000 đồng/người/ngày. Đại đa số gia đình rất cần được hướng dẫn cách nuôi con để chúng phát triển tốt cả về tầm vóc và thể trạng.