Trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh thực hiện chức năng truyền thông và thông tin trong lĩnh vực TDTT

Ngày 11/7/2008 vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh.

Ngày 11/7/2008 vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3027/QĐ-BVHTTDL về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh.

Trường Đại học TDTT II trước kia nay được gọi là trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh. Theo quyết định mới, ngoài chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TDTT trình độ đại học, sau đại học và tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực TDTT như trước đây (theo Quyết định số 97/2004/QĐ-UBTDTT), Nhà trường còn thực hiện chức năng truyền thông và thông tin trong lĩnh vực TDTT. Bên cạnh đó, Nhà trường sẽ không còn thực hiện chức năng đào tạo tài năng thể thao như trước đây.

Cũng như các trường Đại học TDTT nằm trong hệ thống các trường Đại học TDTT của ngành TDTT, trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh không còn là tổ chức của Uỷ ban TDTT mà là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Cơ cấu tổ chức của Nhà trường cũng đã có một số thay đổi nhằm thực hiện nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, Nhà trường sẽ không còn các Hội đồng (Hội đồng Nhà trường và Hội đồng khoa học và đào tạo) như trước đây. Hiện tại, cơ cấu tổ chức của Nhà trường gồm: lãnh đạo Nhà trường; các phòng, ban chức năng; các khoa, các bộ môn; các đơn vị trực thuộc.

Trước kia, Nhà trường có 3 khoa: lý luận cơ sở, lý luận TDTT và Y Sinh, nay Nhà trường có tổng số 7 khoa. Trong đó chỉ có khoa Y Sinh học TDTT được giữ nguyên, còn lại là 6 khoa mới: sau đại học, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, quản lý TDTT, Thể thao giải trí và Thông tin và truyền thông thể thao. Đây được xem là một cải tiến hợp lý, phù hợp với xã hội khi nhu cầu được đào tạo đối với các lĩnh vực trên ngày càng cao và đòi hỏi chuyên nghiệp hơn. Trong đó, trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất của ngành TDTT đào tạo cán bộ TDTT chuyên ngành Thể thao giải trí và Thông tin truyền thông trong thể thao (Được biết, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao hơn, Nhà trường đã hợp tác với một số trường Đại học TDTT của Trung Quốc).

Riêng về các Bộ môn vẫn được giữ nguyên với 11 Bộ môn: Lý luận Mác-Lênin, Ngoại ngữ, Điền kinh, Thể thao dưới nước, Bóng chuyền, Bóng rổ - Bóng ném, Bóng đá - Đá cầu - Cầu mây, Bóng bàn, Cầu lông - Quần vợt, Võ - Vật - Judo, Cờ, Bắn súng - Giáo dục quốc phòng, Thể dục Thể hình.

Bên cạnh sự thay đổi, bổ sung về chức năng, cơ cấu tổ chức, Nhà trường cũng sẽ có sự thay đổi, bổ sung về một số nhiệm vụ và quyền hạn. Theo đó, Nhà trường sẽ thực hiện 17 nhiệm vụ và quyền hạn. Nổi bật nhất là sẽ bổ sung các nhiệm vụ và quyền hạn về các vấn đề như: Thực hiện các dịch vụ đào tạo trong nước và lưu học sinh nước ngoài; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực thể thao; dịch vụ huấn luyện thi đấu thành tích cao; dịch vụ tổ chức các sự kiện thể thao và các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chức năng tổ chức các hoạt động thông tin và tuyền thông trong các lĩnh vực hoạt động TDTT cũng là một trong những điểm mới.

Cùng với những thay đổi, bổ sung về các vấn đề chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Nhà trường có thể nhận thấy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh nói riêng của ngành TDTT nói chung trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là công tác đào tạo cán bộ với chất lượng cao.

 

HX

 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT Tp Hồ Chí Minh thực hiện chức năng truyền thông và thông tin trong lĩnh vực TDTT