Trường Đại học TDTT I: Cái nôi của thể thao Việt Nam

Hiện trường đang tiếp tục mở rộng các hạng mục công trình (khu nhà tập đa năng) nhằm đáp ứng cho việc đào tạo VĐV cấp cao cung cấp cho quốc gia. Chúng tôi đến thăm trường vào những ngày thầy và trò trường Đại học TDTT I đang hăng say tập luyện (màn đồng diễn) cho lễ kỷ niệm 45 năm thành lập trường.
Thầy giáo Trần Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT I đã kể cho chúng tôi nghe quá trình hình thành và phát triển của Trường. Ban đầu mới thành lập, trường mang tên Trung cấp TDTT, được thành lập vào ngày 25 tháng 9 năm 1959. Hai năm sau ( ngày 14 tháng 12 năm 1961), Bác Hồ về thăm trường, từ đó ngày 14 tháng 12 là ngày truyền thống của thầy và trò Trường Đại học TDTT I. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, nhiệm vụ và trách nhiệm của thầy và trò ngày càng nặng nề hơn, vì vậy trường đã đổi tên cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Năm 1982 trường được nâng cấp thành Trường Đại học TDTT Từ Sơn, và từ năm 1996 đến nay Trường có tên là Trường Đại học TDTT I.

Khi mới thành lập, công tác đào tạo gặp không ít khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu giáo viên. Đến giữa những năm 70 trường mới có PTS được đào tạo tại nước ngoài về giảng dạy. Đội ngũ ấy ngày càng lớn mạnh theo thời gian, đến nay nhà trường đã có 4 giáo sư, nhiều PTS và 60% giảng viên có trình độ Thạc sĩ. Mấy năm gần đây được sự quan tâm đầu tư của Uỷ ban TDTT các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho tập luyện, nghiên cứu và giảng dạy đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Trường cũng đã đào tạo được hàng trăm VĐV ở 5 môn: Điền kinh, Bơi lội, Bóng bàn, Cử tạ, Pencak Silat bổ sung cho đội tuyển quốc gia. Tại SEA Games 22, nhiều VĐV, sinh viên của trường đã tham gia thi đấu đạt thành tích xuất sắc, giành được 7 HCV, 8 HCB và 6 HCĐ đóng góp vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam.

45 năm qua, thầy và trò Trường Đại học TDTT I không ngừng phấn đấu dạy và học tập và đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều thành phần thưởng cao quý, trong đó có:

- Huân chương chiến công Hạng Ba

- Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì, Hạng Ba

- Huân chương Độc lập Hạng Ba

- Huân chương Độc lập Hạng Nhì.

Tập thể Bộ môn Thể dục cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba và Hạng Nhì. Bộ môn Điền kinh và Trung tâm Đạo tạo VĐV của Trường cũng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.

Sau 45 năm xây dựng và trưởng thành nhà trường đã đào tạo được 27 khoá Trung học, 36 khoá Đại học chính quy, 4 khoá Đại học Cử tuyển, 40 khoá Đại học chuyên tu và tại chức, 10 khoá Cao học với hơn 8000 sinh viên trong đó có 178 thạc sỹ. Nhiều người trong số họ là cán bộ chủ chốt của ngành, những nhà Quản lý TDTT. Đó là một trong những đóng góp không nhỏ của Trường Đại học TDTT I đối với thành tích thể thao Quốc gia.

Nhìn vào cơ ngơi hiện đại cùng với sự phấn đấu không mệt mỏi của thầy trò Trường Đại học TDTT I tôi thầm nghĩ đây đúng là cái nôi, đã và sẽ sản sinh ra những VĐV, HLV tài năng cho thể thao nước nhà.

Trần Thị Phượng


 

Ảnh trong bài
  • Trường Đại học TDTT I: Cái nôi của thể thao Việt Nam