Đề tài của NCS Nguyễn Đương Bắc được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn(19/01/2007)

Sáng nay (19/1/2007), tại Viện Khoa học TDTT, Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Đương Bắc đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ cấp Nhà nước, chuyên ngành Huấn luyện thể thao với sự tán thành của tất cả các thành viên trong Hội đồng khoa học.

Sáng nay (19/1/2007), tại Viện Khoa học TDTT, Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Đương Bắc đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ cấp Nhà nước, chuyên ngành Huấn luyện thể thao với sự tán thành của tất cả các thành viên trong Hội đồng khoa học.

Hội đồng khoa học chấm luận án gồm: PGS.TS Nguyễn Danh Thái (chủ tịch Hội đồng); GS.TS Dương Nghiệp Chí (phản biện 1); GS.TS Lê Văn Lẫm (phản biện 2); GS.TS Lưu Quang Hiệp (phản biện 3); PGS.TS Phạm Ngọc Viễn (thư ký) và 2 Uỷ viên: TS. Trương Anh Tuấn và TS. Nguyễn Thế Truyền cùng đông đảo các nhà khoa học trẻ, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình của NCS.

Sau một thời gian dài nghiên cứu cùng sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các bạn đồng nghiệp và đặc biệt của PGS. TS Lê Quý Phượng và TS. Lê Anh Thơ - Hướng dẫn khoa học, NCS Nguyễn Đương Bắc đã hoàn thành luận án bao gồm: Đặt vấn đề; Các nội dung chính của Luận án: Chương I - Tổng quan các vấn đề nghiên cứu (49 trang), Chương II - Phương pháp và tổ chức nghiên cứu (11 trang); Phần kết luận và kiến nghị (2 trang). Luận án có 38 bảng, 11 biểu đồ, 1 sơ đồ và 1 hình vẽ. Ngoài ra, luận án đã sử dụng 97 tài liệu tham khảo trong đó có 85 tài liệu bằng tiếng Việt và nhiều tài liệu bằng tiếng nước ngoài (Nga, Đức, Anh, Nhật...). Theo ý kiến thống nhất của 3 phản biện (3 phản biện đều là các GS đầu ngành - lần đầu tiên có một Hội đồng chấm luận án Tiến sỹ như vậy) thì đây là luận án được ghi nhận là có hàm lượng kiến thức phong phú, đa dạng.

Đề tài: "Nghiên cứu các bài tập phát triển sức bền đối với VĐV nam 15 -17 tuổi (dẫn chứng ở môn Karatedo)" của NCS Nguyễn Đương Bắc được Hội đồng khoa học đánh giá cao không chỉ vì sự dày công nghiên cứu các tài liệu tham khảo mà còn bởi những đóng góp mới trong quá trình xây dựng các bảng tiêu chuẩn đánh giá sức bền có tính đến tỷ trọng ảnh hưởng của yếu tố sức bền thành phần cho phép kiểm tra, đánh giá khách quan sự phát triển sức bền phục vụ công tác đào tạo VĐV Karatedo trẻ. Công trình nghiên cứu đã lựa chọn được hệ thống gồm 52 bài tập phát triển sức bền cho nam VĐV Karatedo lứa tuổi 15 - 17 thuộc các nhóm: Bài tập chuẩn bị chung, bài tập chuyên môn, bài tập thi đấu, 52 bài tập này đều được định lượng vận động cụ thể.

Luận án cũng đã vạch ra chương trình kế hoạch huấn luyện cụ thể được thông qua kiểm nghiệm thực tiễn trong quá trình đào tạo và huấn luyện nam VĐV Karatedo trẻ lứa tuổi 15 - 17 đảm bảo tính khoa học, độ tin cậy và có thể ứng dụng rộng rãi trong công tác đào tạo VĐV Karatedo trẻ ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp mới, luận án vẫn còn bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục. Theo các nhà khoa học, giải trình các vấn đề về: thể thức thi đấu trong Karatedo, việc sử dụng 2 test Tâm lý (đánh giá sự chú ý, ý chí), 2 test Y sinh (công năng tim, Vo2max) đem lại hiệu quả như thế nào trong quá trình nghiên cứu, tỷ trọng ảnh hưởng của các nhóm yếu tố, phương pháp sử dụng các bài tập trong chu kỳ huấn luyện, các hạng cân có ảnh hưởng tới kết quả thi đấu hay không v.v... sẽ càng làm rõ hơn tầm quan trọng, ý nghĩa của đề tài.

Có thể nói, NCS đã lựa chọn một đề tài hết sức có ý nghĩa thực tiễn trong công tác huấn luyện thể thao thành tích cao. Nếu tiếp tục mở rộng nghiên cứu trên đối tượng VĐV Karatedo các lứa tuổi, giới tính khác nhau, đặc biệt là lựa chọn các bài tập tâm lý chuyên biệt cho phát triển sức bền nhằm nâng cao hiệu quả phát triển sức bền nói riêng và của quá trình đào tạo huấn luyện VĐV Karatedo ở nước ta nói chung, chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả bất ngờ.

Thịnh Hường
 

Ảnh trong bài
  • Đề tài của NCS Nguyễn Đương Bắc được đánh giá cao về ý nghĩa thực tiễn(19/01/2007)