Trước yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện hệ thống thi đấu, phương pháp huấn luyện và các hình thức tổ chức quá trình huấn luyện VĐV Cờ vua nói chung và lượng vận động tập luyện và thi đấu trong chu kỳ chuẩn bị một năm của VĐV Cờ vua nói riêng tại Việt Nam, NCS Đặng Văn Dũng (công tác tại trường Đại học TDTT I) đã được cử sang Nga (thuộc diện học bổng) nghiên cứu về vấn đề này. Sau 3 năm nghiên cứu, vừa qua tại Hội đồng Đại học tổng hợp Thể dục Thể thao và Du lịch quốc gia Nga, NCS Đặng Văn Dũng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài: "Lượng vận động tập luyện thi đấu của VĐV Cờ vua trong chu kỳ chuẩn bị một năm". Đây là luận án Tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam về môn Cờ vua.
Mặc dù, còn nhiều hạn chế như chưa chỉ ra được các chỉ số cơ bản trong toàn bộ các nhân tố ảnh hưởng tới khối lượng, cường độ, các phương tiện, phương pháp sử dụng trong quá trình nghiên cứu; chưa đi sâu nghiên cứu đặc điểm tâm lý lứa tuổi của đối tượng nghiên cứu... Song theo đánh giá của Hội đồng chấm luận án cũng như của GS, TS khoa học KHGD Tốpưsép Alếch Pavlôvích (phản biện 1) và PGS, TS khoa học KHGD Versinhi Mikhain Alếchxanđơrôvích (phản biện 2), luận án trên đảm bảo hàm lượng khoa học, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đáp ứng những yêu cầu về nội dung, hình thức và có nhiều điểm mới: Lần đầu tiên vạch ra những thông số về lượng vận động, sự khác biệt mang tính cá nhân trong các chỉ số thông tin, các động thái lượng vận động chuyên môn, sự phụ thuộc giữa đặc tính hoạt động huấn luyện và thi đấu... của VĐV Cờ vua trong chu kỳ một năm. Đặc biệt, tại buổi bảo vệ, GS, TS khoa học KHGD Tốpưsép Alếch Pavlôvích cho rằng: "Đề tài được xem như những phát kiến mới, có triển vọng trong việc giải quyết vấn đề mang tính thời sự, đó là hoàn thiện hệ thống huấn luyện và thi đấu của VĐV Cờ vua"
Hơn nữa, luận án còn đề cập đến những luận giải về cấu trúc và nội dung của lượng vận động tập luyện và thi đấu. Thể hiện tính độc lập cao ở việc hình thành hướng nghiên cứu, lựa chọn phương pháp nghiên cứu, số lượng thử nghiệm, tổng hợp số liệu nghiên cứu và diễn giải chúng... Với rất nhiều ưu điểm, kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là tài liệu quý giá cho các HLV, VĐV, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch hoá chu kỳ huấn luyện và thi đấu cho VĐV Cờ vua trong năm.
Sáng tạo, kiên định và nhận được sự giúp đỡ của thày cô, bạn bè, đồng nghiệp, NCS Đặng Văn Dũng đã chọn cho mình một đề tài hết sức có ý nghĩa đối với sự phát triển của phong trào Cờ vua nói chung và Cờ vua đỉnh cao nói riêng ở Việt Nam. Mở ra những hướng nghiên cứu mới cho các đề tài tiếp theo. Tin rằng, kết quả của luận án sẽ được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn huấn luyện và giảng dạy để ngày càng có nhiều VĐV Việt Nam đạt thành tích cao trong làng Cờ vua khu vực, châu lục và thế giới.
Xuân Nhi