Tư duy trong Cờ Vua - lĩnh vực nghiên cứu mới

Với tên đề tài "Nghiên cứu các yếu tố cấu thành và các bài tập nâng cao năng lực tư duy của nam VĐV Cờ Vua Kiện tướng và Cấp I ở Việt Nam", luận án mang ý nghĩa khoa học phù hợp với tình hình thực tế.

Sau luận án "Lượng vận động tập luyện thi đấu của VĐV Cờ vua trong chu kỳ chuẩn bị một năm" của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Văn Dũng, Nguyễn Hồng Dương là NCS thứ hai của ngành TDTT Việt Nam nghiên cứu về môn thể thao trí tuệ - Cờ Vua.

Với tên đề tài "Nghiên cứu các yếu tố cấu thành và các bài tập nâng cao năng lực tư duy của nam VĐV Cờ Vua Kiện tướng và Cấp I ở Việt Nam", luận án mang ý nghĩa khoa học phù hợp với tình hình thực tế. Bởi, Cờ Vua được coi là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam, song phần lớn chỉ thành công tại những giải trẻ. Trước tình hình đó, luận án của NCS là một trong những tìm tòi nhằm góp phần mang lại hiệu quả cao trong việc huấn luyện, nâng cao trình độ hơn nữa của VĐV Cờ Vua Việt Nam.

Luận án đã đạt được những kết quả có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn huấn luyện, giảng dạy Cờ Vua. Điểm nổi bật là tác giả đã công phu tổng hợp được nguồn tư liệu phong phú, đa dạng trong vấn đề "tư duy của VĐV Cờ Vua". Mặt khác, tác giả còn chỉ rõ từng loại bài tập về cách thức sử dụng trong thực tiễn huấn luyện để phát triển từng loại năng lực tư duy Cờ Vua chuyên biệt - đây đều là vấn đề đang thiếu hụt, ít được quan tâm trong thực tế huấn luyện, giảng dạy Cờ Vua ở Việt Nam. Không những vậy, luận án còn mang lại kết quả có giá trị tương đối lớn và thiết thực trong công tác đào tạo VĐV Cờ Vua trình độ cao với việc xác định 04 nhóm năng lực thành phần của năng lực tư duy Cờ Vua và xác định được 17 test chuyên môn Cờ Vua đối với VĐV Cấp I và 18 test sư phạm cũng mang tính chuyên môn Cờ Vua, tạo sự thuận lợi cho các HLV có thêm cách thức đánh giá, nhìn nhận quá trình đào tạo VĐV của mình để có những điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh những ưu điểm, luận án còn nhiều vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Trong đó, đặc biệt là phần giả thiết khoa học; tên đề tài chưa đồng nhất với nội dung nghiên cứu nên cần chỉnh sửa cho hợp lý... Bên cạnh đó, luận án còn bị giới hạn khi chỉ đề cập đến các yếu tố thành phần của năng lực tư duy Cờ Vua ở VĐV Cờ Vua chứ không phải là năng lực tư duy nói chung của VĐV Cờ Vua. Ngoài ra, một số điểm cần khắc phục tại luận án như: cân nhắc sử dụng cụm từ đặc điểm của môn Cờ Vua hay xu hướng của môn Cờ Vua (tại chương I, mục 1.1.1, trang 6), phương pháp nghiên cứu, các luận cứ khoa học và các nguyên tắc lựa chọn hệ thống bài tập...

Đây là một đề tài khó, lĩnh vực mới (tư duy), song luận án được đánh giá là một công trình khoa học nghiêm túc, có ý nghĩa trong lĩnh vực huấn luyện Cờ Vua, đồng thời luận án đảm bảo các yêu cầu cả về nội dung và hình thức theo yêu cầu của một luận án tiến sỹ giáo dục học. Tuy đã có cố gắng, song nếu được đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa, luận án sẽ thành công hơn rất nhiều.

HX


 

Ảnh trong bài
  • Tư duy trong Cờ Vua - lĩnh vực nghiên cứu mới