Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết Hội nghị lần thứ II, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã khẳng định: “Các trường Đại học phải là các Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống”. Thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) tại trường Đại học TDTT I đã đem lại hiệu quả cao với nhiều đề tài của các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên có giá trị thực tiễn.
Phát huy những thành tích ấy và thiết thực chào mừng Quốc khánh 2/9, sáng nay (24/8) tại Giảng đường E - trường Đại học TDTT I, Lễ bảo vệ luận văn Cao học khoá XIII đã diễn ra nghiêm túc dưới sự điều hành của nhiều nhà khoa học đầu ngành như: GS.TS Dương Nghiệp Chí; GS.TS Lê Văn Lẫm; GS.TS Lưu Quang Hiệp; PGS.TS Nguyễn Xuân Sinh; PGS.TS Phạm Đình Bẩm... Ngoài ra, trong Hội đồng chấm luận văn cao học khoá XIII, nhiều nhà khoa học trẻ được mời tham gia: TS. Nguyễn Kim Lan; TS Nguyễn Đông Đức; TS. Đặng Văn Dũng; TS. Hoàng Công Dân; TS. Vũ Thái Hồng. Đây là dấu hiệu đáng mừng, khi ngành TDTT ngày càng có nhiều cán bộ khoa học trẻ tham gia vào công tác NCKH.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội đồng Khoa học đã nhận xét, đánh giá và công bố điểm công khai cho 58 báo cáo (tương ứng với 58 hội đồng chấm luận văn). So với những năm trước, các luận văn đã có sự đầu tư nghiên cứu nên chất lượng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, những luận văn được coi là "truyền thống" như: nghiên cứu lựa chọn các bài tập, đánh giá thực trạng... Không còn mắc nhiều lỗi như các năm về trước, được xây dựng rất công phu, đảm bảo chất lượng, hàm lượng khoa học theo như đánh giá của các nhà khoa học thì đã gần đạt độ "chuẩn" cho các luận văn nghiên cứu về lĩnh vực này.
Nét mới của các báo cáo luận văn cao học kỳ này là việc sử dụng hệ thống thiết bị trình, chiếu vào trong công tác báo cáo với nhiều tiện ích. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm mà hình thức này mang lại như: gọn nhẹ, tiện dụng, công nghệ..., Việc trình chiếu bằng thiết bị hiện đại khiến Hội đồng khoa học không thể đánh giá chính xác về phong thái, kỹ năng thuyết trình báo cáo của mỗi học viên, bởi việc báo cáo chỉ có thể đứng ở một chỗ cố định. Đây cũng là một kỹ năng quan trọng, nhất là đối với những giáo viên giảng dạy tại trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, PTTH...
Trong tổng số 58 luận văn, nội dung chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực: Giáo dục thể chất và huấn luyện TT. Đáng tiếc, một số lĩnh vực khá mới mẻ được xã hội rất quan tâm như: Quản lý TDTT và Y học TDTT lại không có một luận văn nào nghiên cứu. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Hội đồng khoa học, các luận văn đều được chuẩn bị công phu, có bố cục chặt chẽ, đúng quy định, ngôn ngữ khoa học, văn phong được sử dụng tương đối chuẩn xác, hàm chứa lượng thông tin cần thiết và đảm bảo độ tin cậy...
Bên cạnh những ưu điểm đã được ghi nhận, các luận văn vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: lỗi chính tả; số liệu đề tài sử dụng còn thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhận xét, kết luận còn khiên cưỡng mang tính áp đặt, chủ quan; các bản luận văn tóm tắt chưa có sự cô đọng, nội dung chưa phản ánh hết các vấn đề nghiên cứu của đề tài. Phần lớn báo cáo tóm tắt chỉ dừng lại ở thao tác cắt bỏ để rút ngắn trang.
Có thể nói, các báo cáo được trình bày tại Hội đồng khoa học không đơn thuần hàm chứa những kết quả khám phá mới, những phương pháp, phương tiện lần đầu được áp dụng mà còn được xem là thành tích của công tác NCKH trong toàn ngành TDTT. Với bước đột phá mạnh mẽ này, công tác NCKH của học viên cao học - trường Đại học TDTT I nói riêng và của toàn ngành nói chung, chắc chắn còn đạt được nhiều thành công, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TDTT cơ sở và thể thao thành tích cao.
Thiên Hà