Gặp mặt cán bộ hướng dẫn khoa học và nghiên cứu sinh khoá 2005

Nhằm tạo điều kiện để nghiên cứu sinh (NCS) tiếp xúc, làm quen, học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn với tập thể cán bộ khoa học, chiều ngày 8/12/2005 tại Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III đã tổ chức buổi "Gặp mặt cán bộ hướng dẫn khoa học và NCS khoá 2005".

Nhằm tạo điều kiện để NCS tiếp xúc, làm quen, học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn với tập thể cán bộ khoa học, chiều ngày 8/12/2005 tại Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III đã tổ chức buổi "Gặp mặt cán bộ hướng dẫn khoa học và nghiên cứu sinh (NCS) khoá 2005". Tới dự buổi gặp mặt có PGS.TS Phạm Ngọc Viễn, Phó Viện trưởng Viện khoa học TDTT cùng toàn thể cán bộ hướng dẫn khoa học và NCS khoá 2005.

Tại buổi gặp mặt, PGS.TS Phạm Ngọc Viễn đã trao quyết định về việc công nhận 8 NCS năm 2005 của Viện Khoa học TDTT. PGS.TS Phạm Ngọc Viễn cũng cho biết, trong những năm gần đây công tác đào tạo NCS của ngành đã nhận được sự quan tâm đầu tư của các cấp lãnh đạo và đã đạt được những kết quả tích cực. Con số NCS ngày càng nâng cao về số lượng cũng như chất lượng.

Có được thành tích này trước hết phải kể đến sự đóng góp quý báu của các nhà khoa học - những người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển của ngành . Tuy nhiên, công tác đào tạo vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn bất cập như: Việc trao đổi thông tin giữa người hướng dẫn với NCS (hay nói cách khác là giữa thầy và trò) còn chưa thuận lợi (bởi cũng có khi thầy ở xa hay bận đi công tác hoặc trò phải làm nhiệm vụ giảng dạy...). Các NCS còn thiếu sự tích cực, chủ động trong việc nghiên cứu và chưa làm đúng tiến độ luận án như đã xây dựng. Trong công tác chỉ đạo nghiên cứu chưa huy động được hết các thầy cùng tham gia vì còn nhiều lý do, chính điều này đã gây nên khó khăn trong việc tìm thầy hướng dẫn của NCS.

Cũng trong buổi gặp mặt còn nhiều ý kiến đóng góp về việc làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ khoa học có học vị tiến sỹ chuyên ngành TDTT và thực hiện quy chế đào tạo sau Đại học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo.

Trước hết, về phía các NCS phải xây dựng được cho mình kế hoạch nghiên cứu cụ thể và bám sát vào định hướng đó để hoàn thành luận án, tránh tình trạng kéo dài thời gian gây tốn kém về kinh phí. Không nên chỉ bó hẹp phạm vi trao đổi với riêng thầy chỉ đạo mà cần gặp và hỏi những thầy chỉ đạo khác hoặc những người có kinh nghiệm để hiểu sâu hơn về vấn đề mình nghiên cứu. Việc nâng cao độ tin cậy và tính chính xác của số liệu nghiên cứu sẽ là yếu tố quyết định tới hiệu quả ứng dụng của luận án. Một việc hết sức quan trọng và vô cùng cần thiết mà mỗi NCS cần phải làm được đó là nâng cao trình độ ngoại ngữ để mở rộng tài liệu tham khảo.

Về phía cơ quan chức năng, trong thời gian tới cần mở rộng đào tạo NCS ở các Trường Đại học, chứ không nên bó hẹp ở Viện khoa học TDTT. Lý luận phải đi đôi với thực hành nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ hoạt động nghiên cứu với việc sử dụng các trang thiết bị. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu. Nên chăng tạo điều kiện cho các NCS được ra nước ngoài học hỏi và tham khảo tài liệu. Cần thường xuyên tổ chức hội nghị khoa học và họp mặt giao lưu các sinh viên, NCS các trường Đại học, cao đẳng TDTT. Điều này không chỉ giúp các NCS, NCS tương lai mà còn có ý nghĩa với cả các thầy hướng dẫn trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn.

Kết thúc buổi gặp mặt PGS.TS Phạm Ngọc Viễn xin ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, những người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà, đặc biệt trong công tác đào tạo đội ngũ NCS. Ông cũng mong rằng, trong thời gian tới các nhà khoa học sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn trong việc hoàn thiện công tác đào tạo Giáo dục sau Đại học của ngành TDTT.

NTH 
 

Ảnh trong bài
  • Gặp mặt cán bộ hướng dẫn khoa học và nghiên cứu sinh khoá 2005