Tại Bộ luật khoa học và công nghệ, Đảng và nhà nước ta đã khẳng định: "Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, là nền tảng và động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá".
Đó cũng là định hướng xây dựng và phát triển của Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III, nhằm phấn đấu trở thành một trong những Trung tâm đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ TDTT ở khu vực miền Trung và cả nước.
Với mục tiêu đó ngày 9/12/2005, Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III đã tổ chức Hội nghị khoa học TDTT năm 2005, nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu bước đầu của đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên trong cơ quan. Đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kết quả, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả và chất lượng nghiên cứu góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà.
Tới tham dự Hội nghị, về phía Uỷ ban TDTT có: TS Lê Đức Chương - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Đại diện cho Viện khoa học TDTT: PGS.TS Phạm Ngọc Viễn - Phó Viện trưởng Viện khoa học TDTT; Về phía Trường Đại học TDTT I có hai Phó hiệu trưởng: GS.TS Lưu Quang Hiệp và PGS.TS Nguyễn Đại Dương; Về phía Trường Đại học TDTT II và Trung tâm HLTT Quốc gia II: TS Lâm Quang Thành - Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm, PGS.TS Nguyễn Xuân Sinh - Phó hiệu trưởng nhà trường; Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III: Ông Lê Tấn Đạt - Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm, Th.s Đặng Quốc Nam - Phó hiệu trưởng cùng đông đảo các nhà khoa học, các vị đại biểu đại diện cho các sở TDTT và hơn 80 cán bộ, giảng viên của nhà trường.
Đã có 13 đề tài và chuyên đề được báo cáo trong Hội nghị khoa học TDTT năm 2005 tại Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, về cơ bản trong những năm gần đây công tác nghiên cứu khoa học của ngành TDTT nói chung và của Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng nói riêng đã có nhiều tiến bộ và đã thu được những thành công nhất định.
Về ưu điểm, đa số các đề tài đều đã vận dụng được những kiến thức, phương pháp nghiên cứu khoa học vào công trình nghiên cứu, việc xử lý số liệu nhanh và chính xác hơn. Kết quả nghiên cứu ngày càng có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn. Ở một mức độ nào đó, các kết quả này đã được áp dụng vào thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo VĐV.
Những yêu cầu đặt ra trong quá trình giảng dạy và huấn luyện đã trở thành đề tài của các công trình nghiên cứu. Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu đã say mê hơn với công tác nghiên cứu khoa học.
Nhiều đề tài, chuyên đề nghiên cứu đã vận dụng được những kiến thức về y sinh học, về giáo dục học, ... nên kết quả nghiên cứu ngày càng có giá trị cao. Đây là một điều rất đáng mừng, bởi so với những lần trước, tại Hội thảo lần này, các báo cáo viên đã có cái nhìn tổng quát, khách quan, rộng và sâu hơn.
Việc áp dụng tiến bộ của kỹ thuật, công nghệ như (tin học, điện tử...) vào công tác nghiên cứu và báo cáo ngày càng được nâng cao và đẩy mạnh. Điều này không chỉ đảm bảo cho kết quả nghiên cứu chính xác hơn mà còn tăng thêm độ hấp dẫn trong việc nghiên cứu và báo cáo.
Song do công tác nghiên cứu khoa học của ngành TDTT chỉ mới phát triển, phương tiện và cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu còn thiếu thốn nên các đề tài vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Về mặt nội dung: Hàm lượng khoa học trong các báo cáo chưa thực sự cao và đồng nhất, vẫn còn nhiều khiếm khuyết về mặt kiến thức, các số liệu nghiên cứu chưa thật chính xác và đủ độ tin cậy, phương pháp giải quyết vấn đề còn chưa khoa học.
Về mặt hình thức: Các đề tài đều đảm bảo chính xác những quy định chung về mặt bố cục. Tuy nhiên, khả năng báo cáo của các báo cáo viên còn hạn chế, chưa logic, chặt chẽ và chưa lựa chọn được vấn đề nổi bật cần trình bày.
Vì vậy để nâng cao chất lượng của các đề tài, các nhà khoa học cũng đã đưa ra những kiến nghị rất xác thực như: Cần nâng cao cả về chất và lượng đội ngũ có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ. Mở rộng mối quan hệ và sự liên kết giữa các trường, các sở trong ngành đặc biệt là trong công tác nghiên cứu khoa học. Có chế độ, chính sách cho những người tham gia công tác nghiên cứu. Về phía các báo cáo viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức và rèn luyện thêm khả năng báo cáo.
Sau một ngày làm việc nghiêm túc, cùng sự góp mặt đông đảo của những nhà khoa học trong ngành, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Thay mặt BTC, ông Lê Tấn Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng TDTT Đà Nẵng và Trung tâm HLTT Quốc gia III ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn, phấn đấu trở thành Trường Đại học TDTT Đà Nẵng năm 2006.
Bài và ảnh: NTH