Cảnh báo tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam(28/08/2007)

Theo số liệu thống kê của Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam năm 2006 là 88%. Mặc dù, tỷ lệ này đã giảm so với một số năm trước (năm 2005 - 90%, năm 2004 và 2003 - 92%), song 88% vấn là con số đáng báo động về tỷ lệ vi phạm bản quyền, bởi Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Châu Á (trung bình là 55%).

Theo số liệu thống kê của Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam năm 2006 là 88%. Mặc dù, tỷ lệ này đã giảm so với một số năm trước (năm 2005 - 90%, năm 2004 và 2003 - 92%), song 88% vấn là con số đáng báo động về tỷ lệ vi phạm bản quyền, bởi Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Châu Á (trung bình là 55%). Không những vậy, trong số 15 nước có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới, Việt Nam cũng đứng đầu. Trong khi đó, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trung bình của thế giới là 35%. Thông qua những con số, có thể khẳng định tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam là quá cao, gây ra thiệt hại lớn không chỉ về riêng kinh tế mà còn ảnh hướng đến quá trình hội nhập và phát triển của các doanh nghiệp cũng như Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trước bối cảnh đó, Liên minh phần mềm doanh nghiệp tại Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về việc vi phạm này. Trước đó, Chính phủ cũng đã giao cho Thanh tra Bộ Văn hoá Thông tin (trước đây) phối hợp với Phòng phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Bộ Công an tiến hành một số đợt kiểm tra đột xuất tại một số Công ty. Đây là nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm ở Việt Nam theo Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg ngày 12/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, có những trường hợp vi phạm bản quyền phầm mềm do chưa hiểu hết về luật bản quyền nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Vi phạm bản quyền phần mềm xảy ra khi Công ty sao chép và sử dụng nhiều bản phần mềm hơn số giấy phép sử dụng phần mềm mà Công ty đã mua. Hình thức này còn được gọi là "Hiện tượng vi phạm bản quyền phầm mềm của Công ty hay đối tượng sử dụng phần mềm đầu cuối". Trên thực tế, người sử dụng phần mềm thường vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức, song có thể xảy ra dưới những dạng cơ bản như: Cài đặt và sử dụng phần mềm bất hợp pháp được tải xuống từ một đĩa CD vi phạm bản quyền phần mềm; Mua 1 giấy phép sử dụng phần mềm nhưng lại cài đặt trên nhiều máy tính; Sao chép các đĩa phần mềm khi không được phép; Sử dụng các bản nâng cấp phần mềm khi không có bản phần mềm bản quyền gốc; Vi phạm các điều khoản và điều kiện được quy định rõ trong giấy phép sử dụng phần mềm.

Chưa kể đến hậu quả pháp lý, thiệt hại đối với cơ quan, cá nhân cung cấp phần mềm... việc vi phạm bản quyền phần mềm đã tác động trực tiếp đến hoạt động của người sử dụng dưới nhiều hình thức như: sẽ có nhiều nguy cơ gặp phải rủi ro, ảnh hưởng tới an toàn dữ liệu, chẳng hạn như vi-rut phần mềm; Nguy cơ bị hỏng hóc thiết bị phần cứng do sử dụng phần mềm không đảm bảo chất lượng sẽ rất cao; Thiếu hồ sơ, tài liệu hướng dẫn đi kèm với phần mềm, đồng thời, không nhận được sự trợ giúp kỹ thuật như đối với những người sử dụng khác có giấy phép sử dụng phần mềm.

Theo IDC - một Công ty nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực Công nghệ thông tin, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam năm 2006 là 88%, tương đương với giá trị 96 triệu USD tổn thất về doanh thu bán lẻ của ngành công nghiệp phần mềm. Theo Chương trình Phát triển Công nghiệp Phần mềm do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2010, ngành phần mềm và dịch vụ phần mềm sẽ mang lại doanh thu hàng năm hơn 800 triệu USD. Nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với quy mô lớn và lọt vào danh sách 15 quốc gia đứng đầu thế giới về dịch vụ gia công phần mềm, các đợt kiểm tra đột xuất này được tiến hành theo Chỉ thị số 04/2007/CT-TTg ban hành ngày 22/2/2007 nhằm tăng cường bảo hộ bản quyền phần mềm. Bởi bảo hộ bản quyền phần mềm đóng vai trò rất quan trọng, giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu kinh tế của mình. Để Việt Nam thiết lập và xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy ngành công nghiệp phần mềm pháp triển, Việt Nam cần nhiều yếu tố trong đó, mỗi người sử dụng phần mềm thực hiện tốt luật bản quyền phần mềm là yếu tố rất cần thiết.

Linh Giang


Ảnh trong bài
  • Cảnh báo tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam(28/08/2007)