Cần sớm sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV người khuyết tật để phù hợp với thực tiễn

Một trong những nội dung quan trọng đã được nêu rõ trong Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về việc phát triển TDTT trong giai đoạn mới là: Bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với VĐV, HLV, nhân tài trong lĩnh vực TDTT, trong đó, có thể thao người khuyết tật... Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai nội dung này trong thực tiễn, TS. Phạm Thanh Cẩm - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã có trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Như chúng ta đã biết, người khuyết tật và thể thao người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội quan tâm chăm lo, xây dựng và bồi dưỡng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Trước hết, chúng ta cần khẳng định, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác TDTT bằng việc ban hành nhiều Thông tư, Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về TDTT, tiêu biểu phải kể đến: Ngày 01/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020; Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, trong đó, có thể thao người khuyết tật, như: “…Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật,… trong hoạt động TDTT”. Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, Nghị quyết số 08-NQ/TW và Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị là văn bản cao nhất của Đảng trong chỉ đạo công tác TDTT ở nước ta.

Rất cần các cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn nữa cho VĐV, HLV người khuyết tật Việt Nam

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14/01/2013 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị. Ngày 15/10/2024, Chính phủ ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời, ban hành Quyết định số 1680/QĐ-TTg, ngày 28/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới...

Nói riêng về người khuyết tật, thể thao người khuyết tật, có thể thấy, ngoài các văn bản nêu trên, chúng ta còn có văn bản cụ thể cho người khuyết tật, thể thao người khuyết tật như: Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng tích cực của họ khi tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội.

Năm 2014, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật với số phiếu tán thành tuyệt đối và không bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, đã thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm thực hiện các quyền của người khuyết tật.

Đặc biệt, ngày 01/11/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Người khuyết tật, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền của người khuyết tật, khẳng định sự quan tâm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với người khuyết tật; đồng thời, khuyến khích sự tham gia có trách nhiệm của xã hội cũng như phát huy sự nỗ lực của người khuyết tật,…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư, như: Quyết định số 753/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật và Quyết định số 1190/QĐ-TTg, ngày 08/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030,… Các Bộ, ngành ban hành nhiều Thông tư, Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV thể thao nói chung và chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV thể thao người khuyết tật nói riêng.

Nhưng thực tế có thể thấy, tuy chúng ta có nhiều văn bản triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV thể thao nói chung và thể thao người khuyết tật nói riêng, tuy nhiên gần đây, một số chế độ, chính sách trong thời gian tập huấn, thi đấu không hoặc ít được áp dụng đúng không thưa ông?

Đúng như vậy! Trên thực tế, gần đây một số chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV thể thao người khuyết tật trong thời gian tập huấn, thi đấu không được áp dụng.

Những chính sách đặc thù dành cho VĐV, HLV người  khuyết tật sẽ giúp nâng cao thành tích cho Thể thao NKT Việt Nam

Trước đây, theo quy định tại Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg, ngày 26/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao và Thông tư số 61/2018/TT-BTC, ngày 26/7/2018 của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao, thể thao người khuyết tật. Tuy nhiên, theo Quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 20/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT thì Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg đã hết hiệu lực, vì thể thao người khuyết tật không thuộc phạm vi quy định tại Điều 37 Luật TDTT, từ đó, thiếu căn cứ, cơ sở để xây dựng chính sách, chế độ cho thể thao người khuyết tật.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 63, Luật TDTT thì học sinh Trường Năng khiếu thể thao “được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”; các đối tượng còn lại không thuộc đối tượng HLV, VĐV thể thao thành tích cao được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù quy định tại Luật TDTT và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP. Vì vậy, hiện tại không có cơ sở pháp lý để xây dựng chế độ, chính sách quy định chế độ cho các đối tượng là VĐV, HLV thể thao khuyết tật.

Trên thực tế, vào năm 2023, 2024 các đối tượng tập trung cho Paralympic thế giới vẫn duy trì tập luyện và thi đấu. Đối tượng tập huấn cho Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 4 năm 2023 Hàng Châu, Trung Quốc và Đại hội Thể thao Đông Nam Á, lần thứ 12, tại Campuchia năm 2023 không được triển khai tập huấn do một phần ảnh hưởng Covid -19, phần khác vướng mắc cơ chế, chính sách nêu ở trên. Việc các đối tượng này không tiếp tục được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, trong khi Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg đã bị bãi bỏ, vấn đề này gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng tới các HLV, VĐV và thành tích thi đấu nói chung của thể thao người khuyết tật.

Để cải thiện thực trạng nêu trên, tạo thêm những điều kiện có lợi cho HLV, VĐV và thành tích thi đấu thể thao người khuyết tật, theo ông, cần có đề xuất, kiến nghị như thế nào đối với các cơ quan chức năng?

Theo tôi được biết, ngày 26/10/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13120/BTC-HCSN đề nghị Bộ VHTTDL khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan để rà soát và đề xuất phương án trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc ban hành chế độ dinh dưỡng đặc thù cho các HLV, VĐV được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù theo quy định tại Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 61/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính và các đối tượng khác nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, trong đó, có đối tượng là HLV, VĐV thể thao người khuyết tật. Từ đó, xây dựng chính sách, chế độ cho thể thao người khuyết tật thiếu căn cứ quy định từ Luật TDTT.

Tại Khoản 1, Điều 14, Luật TDTT, có quy định: “Nhà nước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng; bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho VĐV thể thao khuyết tật tập luyện và thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế”.

Để tránh tình trạng như nêu ở trên, khi sửa đổi Nghị định 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định một số chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, cần nghiên cứu để áp dụng cho đối tượng là HLV, VĐV Paralympic như Olympic; nhằm tạo điều kiện cũng như đảm bảo quyền bình đẳng cho nhóm đối tượng này.

Song song với đó, các cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật TDTT; đồng thời, có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tránh gây thêm dư luận xã hội, ảnh hưởng tới tâm lý, tư tưởng của các huấn luyện viên, vận động viên và thành tích thi đấu của thể thao người khuyết tật, tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á và đảm bảo quyền công ước quốc tế về người khuyết tật...

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Hoàng Hằng (thực hiện)

Ảnh trong bài
  • Cần sớm sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV người khuyết tật để phù hợp với thực tiễn
  • Cần sớm sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách đối với VĐV, HLV người khuyết tật để phù hợp với thực tiễn