Hướng tới các mục tiêu cụ thể
Trên quan điểm đó, thành ủy Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch số 213/KH/TU nhằm triển khai thực hiện Kết luận 70-KL/TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân đối với sự nghiệp TDTT; xây dựng phong trào rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng, góp phần phát triển con người toàn diện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy TDTT phong trào phát triển
Mục tiêu đầu tiên được đặt ra chính là Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030: số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 41,5% dân số; số gia đình thể thao đạt trên 35,3% tổng số hộ gia đình; 100% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; 100% cơ sở giáo dục phổ thông có CLB TDTT và có cơ sở vật chất đảm bảo và đủ giáo viên thể dục theo quy định; 100% số trường học thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa.
Cùng với đó, thành phố không ngừng đẩy mạnh các hoạt động TDTT trong lực lượng quân đội, phấn đấu 100% số đơn vị quân đội thực hiện đủ chương trình huấn luyện, rèn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ; 100% số đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ; tỷ lệ cán bộ chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện là 98,5% và 100% tham gia rèn luyện TDTT thường xuyên. 100% đơn vị quân đội có CLB TDTT và tổ chức các hoạt động TDTT.
Cùng với các mục tiêu trên, thành phố Đà Nẵng còn phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% các quận, huyện có đủ 3 công trình thể thao cơ bản (sân vận động, nhà thi đấu và bể bơi), 100% phường, xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định; 100% khu dân cư có điểm tập luyện TDTT công cộng.
Đối với lực lượng công an, thành phố tiến tới xây dựng được công trình thể thao tương đương cấp quận, huyện; 100% đơn vị có cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT, rèn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ.
Thêm một điểm nhấn trong những mục tiêu mà thành ủy Đà Nẵng hướng đến đó là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao và xúc tiến thành lập mới các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao. Phấn đấu đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có trên 30 Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
Để hoàn thành các mục tiêu trên, thành ủy Đà Nẵng cũng chỉ đạo tới các cấp, ngành ở khắp các đơn vị địa phương song hành thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy công tác TDTT trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển xứng tầm, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trước hết, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ phát triển TDTT. Để công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về TDTT đến với nhân dân, thành phố đã yêu cầu tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Trong đó, chú trọng vai trò của các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố: ứng dụng công nghệ số để xây dựng các kênh truyền thông, nâng cao thời lượng, chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin, bài để thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách về TDTT cũng như các kiến thức, kỹ năng, mô hình hay về TDTT và hoạt động thể chất phù hợp cho nhân dân. Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyên, nhằm vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện TDTT gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Cùng với đó, thành phố tập trung hoàn thiện chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong giai đoạn mới; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, xã hội hóa phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng thể thao. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện quy hoạch, chương trình, đề án phát triển TDTT. Triển khai thực hiện có hiệu quả "Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030"; Đề án phát triển thể thao quần chúng với việc nâng cao sức khỏe, thể trạng người dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, giao lưu, học tập, hợp tác quốc tế góp phần nâng cao trình độ, hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương, đơn vị trong và ngoài nước về lĩnh vực TDTT.
Tiếp tục chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập TDTT theo hướng tự chủ khi đủ điều kiện gắn với nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về TDTT; kịp thời hướng dẫn xử lý và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực TDTT.
Khuyến khích phát triển TDTT quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người dân được tham gia tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi giải trí; chú trọng các hoạt động TDTT phục vụ nhân dân. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào, hoạt động TDTT quần chúng. Quan tâm phát triển TDTT trong người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trẻ em, học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Đổi mới công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học, đảm bảo học sinh, sinh viên được đào tạo toàn diện, phát triển hài hòa cả về trí lực và thể lực. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được lựa chọn các môn thể thao phù hợp, yêu thích để rèn luyện và phát triển thể chất. Qua đó phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng thể thao. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên, giáo viên giáo dục thể chất cho các cấp học, đảm bảo về số lượng cũng như đạt chuẩn về trình độ.
Đẩy mạnh công tác huấn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang với phương châm “chiến sĩ khỏe”; quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tham gia tập luyện TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, thành phố chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trực tiếp làm công tác TDTT, nhất là ở tuyến cơ sở. Rà soát, đầu tư hoàn thiện mạng lưới thiết chế thể thao cơ sở đồng bộ theo "Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đến năm 2025". Ưu tiên quỹ đất để xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao quận, huyện, phường, xã, các công viên công cộng để nhân dân có điều kiện tập luyện TDTT. Quan tâm đầu tư và đảm bảo kinh phí tổ chức các hoạt động TDTT tại cơ quan, địa phương, đơn vị.
Chú trọng phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT nhằm đưa TDTT trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, tạo nguồn thu cho ngân sách và tái đầu tư phát triển TDTT. Tiếp tục đẩy mạnh công tác XHH hoạt động TDTT, có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân, đơn vị tư nhân tham gia và đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn của khu vực, châu lục và thế giới tại thành phố.
Để các nhiệm vụ, giải pháp trên được triển khai hiệu quả, thành phố luôn luôn xác định rõ: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ đóng vai trò và trách nhiệm cao nhất trong việc triển khai các nhiệm vụ vì sự phát triển toàn diện của phong trào TDTT thành phố trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh HL