1. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO, THỂ THAO CHUYÊN NGHIỆP
Chiến lược 2030 đặt ra mục tiêu cụ thể, đó là:" Thể thao thành tích cao duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 05 đến 07 HCV tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic; Bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và Bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á". Định hướng đến năm 2045: " Thể thao thành tích cao thường xuyên duy trì trong tốp 2 tại các kỳ SEA Games, trong tốp 15 tại các kỳ ASIAD và tốp 50 tại các kỳ Olympic; Bóng đá nam trong tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ trong tốp 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup".

Từ 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC), thể thao chuyên nghiệp (TTCN) trong Chiến lược 2030, các giải pháp cụ thể, hướng đến thực hiện thành công mục tiêu cụ thể được đề xuất trong sơ đồ 1.
2. GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC MÔN THỂ THAO TRỌNG ĐIỂM CHUẨN BỊ THAM DỰ CÁC KỲ OLYMPIC, ASIAD
2.1. Nghiên cứu phát triển (R&D) lực lượng vận động viên các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự Olympic, ASIAD Sơ đồ 2.

Chiến lược 2030 đặt ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là: "Khẩn trương hoàn thiện việc phân nhóm các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên, bảo đảm phù hợp với thế mạnh, điều kiện của nước ta và bám sát xu thế của thế giới, góp phần quan trọng thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên; nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, khuyến khích, chăm sóc, đãi ngộ với từng nhóm môn, lực lượng vận động viên. Ưu tiên nguồn lực, đầu tư trọng điểm, chuyên sâu cho lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD và Olympic". Giải pháp này đặt ra việc phải nghiên cứu chọn lựa môn thể tnao, nội dung thi đấu và lực lượng vậ động viên... Nghiên cứu phát triển (Research and Development - R&D) được xem là hoạt động thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo. R&D được sử dụng trong xây dựng các chương trình, nhiệm vụ gắn với yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các môn thể thao. Trong Chương trình (dự thảo) do Cục TDTT xây dựng, Quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm được trình bày ở sơ đồ 2.
2.2. Giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thể thao thành tích cao là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp trong phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là lực lượng VĐV đỉnh cao của các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị cho Olympic, ASIAD; qua đó tạo bứt phá trong nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện và thành tích thể thao.
2.2.1. Ứng dụng tổng hợp các giải pháp khoa học trong phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD
- Giải pháp khoa học về chuyên môn: là quá trình kiểm tra đánh giá trình độ tập luyện của VĐV qua từng giai đoạn huấn luyện một cách hệ thống khoa học thông qua các test sư phạm đặc trưng của môn thể thao.
- Giải pháp khoa học về y sinh học: là quá trình ứng dụng các hệ thống thiết bị khoa học hiện đại, nhằm đánh giá khả năng chịu đựng lượng vận động thông qua các chỉ số sinh lý, sinh hóa trong quá trình huấn luyện, từ đó đưa ra sự điểu chỉnh cho phù hợp với năng lực VĐV ở từng giai đoạn huấn luyện.
- Giải giải pháp khoa học về tâm lý - giáo dục: là quá trình sử dụng các phương pháp thử nghiệm, thiết bị đo đạc trong chẩn đoán tâm lý, các loại hình thần kinh từ đó xác định các bài tập rèn luyện tâm lý thi đấu cho VĐV; đồng thời sử dụng các giải pháp giáo dục ý chí, phẩm chất đạo đức và lối sống cho VĐV có một trạng thái tâm trí khỏe mạnh.
- Giải pháp khoa học về hồi phục: bằng các thiết bị khoa học công nghệ hiện đại đưa ra các chỉ số sinh học để đánh giá mệt mỏi và hồi phục trong huấn luyện và thi đấu, sử dụng các phương tiện này để khắc phục mệt mỏi phù hợp cho từng môn thể thao chuyên sâu.
- Giải pháp khoa học về dinh dưỡng: ứng dụng các chế độ dinh dưỡng và bổ sung dinh dưỡng cho VĐV phù hợp với từng môn thể thao, từng thời điểm một cách hợp lý nhằm nâng cao năng lực thi đấu của VĐV, đặc biệt là sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng trong quá trình huấn luyện và thi đấu.
- Giải pháp khoa học về kỹ thuật: ứng dụng các điều kiện hiện đại về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho VĐV; sử dụng hệ thống các thiết bị khoa học hiện đại trong mô phỏng, phân tích, đánh giá trình độ kỹ thuật của VĐV.
- Giải pháp khoa học về quản lý: thể chế hóa các hoạt động quản lý các đội tuyển thể thao một cách khoa học; xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ giữa các đơn vị quản lý nhà nước, sự nghiệp và các tổ chức xã hội đối với các đội tuyển thể thao.
- Giải pháp khoa học về công nghệ thông tin: là phương tiện thông qua đó các nhà quản lý có thể nhìn rõ được thực trạng đào tạo, huấn luyện một cách nhanh chóng, chính xác, theo nhiều khía cạnh, theo nhiều phân đoạn thời gian bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo, huấn luyện. Thực hiện các giải pháp khoa học trong xây dựng lực lượng vận động viên thể thao đỉnh cao luôn gắn liền và không thể thiếu 2 lĩnh vực: "Giám định khoa học đối với vận động viên" và "Phòng chống sử dụng doping trong thể thao".
2.2.2. Giải pháp ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số trong phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD

GS.TS Lâm Quang Thành