Những thành tích nổi bật
Trong những năm qua, Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk luôn tích cực tham mưu cho UBND tỉnh duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho bà con nhân dân mà còn giúp bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hội thi thể thao dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk luôn thu hút rất đông bà con dân tộc thiểu số tham gia
Các môn thể thao dân tộc luôn là nòng cốt trong phát triển TDTT quần chúng như: Bắn nỏ, Bắn ná, Đẩy gậy, Kéo co, Đi Cà kheo... Hàng năm, vào các dịp lễ hội chính, các hội thi, ngày hội văn hóa, các giải thể thao của tỉnh đều được tổ chức với tầm cỡ và quy mô nhất định, thu hút được đông đảo bà con các dân tộc tham gia tập luyện và thi đấu.
Trong số đó, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh được coi là sự kiện thể thao thường niên lớn nhất của tỉnh. Đây là dịp để bà con các dân tộc thiểu số được gặp gỡ, giao lưu, thi đấu các môn thể thao mình yêu thích; đồng thời cũng là dịp để các nhà chuyên môn đánh giá, tổng hợp thực trạng phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tại địa phương.
Ông Thái Hồng Hà - Giám đốc Sở VHTTDL Đắc Lắc cho biết: Với đặc thù dân cư có bà con dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, nên việc phát huy sức mạnh của thể thao dân tộc luôn là thế mạnh của tỉnh trong nhiều năm qua. Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh được tổ chức thường niên nhằm phát triển phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như thắt chặt tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng các dân tộc.
Nâng tầm cho các môn thể thao dân tộc với mục tiêu trở thành thế mạnh lâu dài, bên cạnh việc tổ chức các giải cấp cơ sở, Sở VHTTDL Đắk Lắk còn thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các giải thể thao hàng năm và giai đoạn để phát triển các môn thể thao dân tộc. Theo đó, Sở đã ký kết Chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh về “Đẩy mạnh các hoạt động TDTT vùng đồng bào các Dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025”; với sở GD&ĐT về “Phối hợp chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất hoạt động TDTT và bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trong trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026”; ký kết với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chương trình “Đẩy mạnh phát triển hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và nếp sống văn hóa gia đình cho thanh niên tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2024”.
Về tổ chức các giải, hội thi thể thao cấp tỉnh, Đắk Lắk có Đại hội TDTT các cấp, HKPĐ, Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số được duy trì tổ chức khi nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đắk Lắk còn giúp các huyện, xã tổ chức Hội thi thể thao các Dân tộc thiểu số, giải thể thao dân tộc ở các môn phổ biến như: Bắn nỏ, Bắn ná, Đẩy gậy, Kéo co,... thu hút được đông đảo VĐV tham gia tranh tài.
Với những kế hoạch cụ thể, được triển khai đồng bộ đã tạo động lực rất lớn cho phong trào TDTT phát triển vững chắc từ cơ sở đến tỉnh. Từ đó tìm kiếm, bồi dưỡng và bổ sung được lực lượng VĐV xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia các giải thể thao lớn quy mô toàn quốc.
Những thành tích nổi bật mà đoàn VĐV tỉnh Đắk Lắk đã mang về cho tỉnh nhà phải nhắc đến như: tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIII, khu vực II, năm 2023, Đắk Lắk đã đạt 22 HCV, 09 HCB, 08 HCĐ, xếp vị trí nhất toàn đoàn và duy trì thành tích 12 năm nhất toàn đoàn. Cũng trong năm 2023, đoàn VĐV Đắk Lắk đã tham gia Ngày hội Trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đạt 23 HCV, 14 HCB, 08 HCĐ, xếp vị trí nhất toàn đoàn. Tiếp đến là Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 tại tỉnh Kon Tum, đạt 14 HCV, 07 HCB, 10 HCĐ, xếp vị trí nhất toàn đoàn, tham gia các giải vô địch Đẩy gậy, Kéo co, Bắn nỏ quốc gia với lực lượng VĐV 100% là người dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp phong trào TDTT trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk thêm củng cố vị trí ở các giải thể thao khu vực và toàn quốc.
Còn đó những khó khăn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển TDTT trong đồng bào dân tộc tại tỉnh Đắk Lắk vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Phong trào phát triển nhưng chưa thật sự đồng đều giữa các vùng, đơn vị; công tác phối hợp giữa các đơn vị trên địa bàn trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ.
Gần như 100% các VĐV đều là bà con dân tộc thiểu số
Đặc trưng vùng miền núi, địa bàn dân cư không tập trung khiến điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ tập luyện TDTT còn gặp rất nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động thể thao còn hạn chế; chưa huy động được các doanh nghiệp đầu tư cho công tác xã hội hóa TDTT để phát triển các môn thể thao dân tộc. Thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu sự quan tâm và ủng hộ từ các nguồn lực xã hội hóa, cũng như thiếu sự chuyên môn hóa và hiện đại hóa trong quản lý và tổ chức các hoạt động thể thao khiến cho công tác phát triển thể thao dân tộc, trò chơi dân gian nói riêng, thể thao nói chung trong tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tích cực tìm giải pháp
Trên cơ sở những thành tích đã có được vẫn cho thấy sự lớn mạnh nhất định của thể thao Đắk Lắk trong những năm qua. Được sự quan tâm cuả các cấp ủy Đảng, chính quyền, trực tiếp là sở VHTTDL Đắk Lắk đã đưa ra những giải pháp đồng bộ và có những kiến nghị đề xuất đó là:
Tỉnh mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc; Cục TDTT tiếp tục duy trì hệ thống giải thi đấu và Hội thi thể thao các dân tộc cấp khu vực và toàn quốc. Đưa một số môn thể thao dân tộc thi đấu ở hệ thống giải vô địch quốc gia và Đại hội Thể thao toàn quốc; nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất, bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian; tăng cường sự đầu tư và hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức xã hội để phát triển các môn thể thao dân tộc.
Ngoài ra, việc tạo ra các chương trình đào tạo, huấn luyện và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực thể thao dân tộc cũng là một yếu tố quan trọng. Cần đầu tư vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và kiến thức cho các HLV, VĐV và các nhà quản lý thể thao dân tộc.
Việc tạo ra môi trường thể thao lành mạnh, tích cực và hấp dẫn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích người dân tham gia và phát triển các môn thể thao dân tộc. Do đó, cần xây dựng các cơ sở vật chất, hệ thống giải đấu, sân chơi và các hoạt động thể thao đa dạng, phong phú hơn để tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số có thể tham gia và phát triển sở thích thể thao của mình. Đây chính là nền tảng cho việc bảo tồn và phát triển thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh.
P.T, ảnh: MH