“Việc đăng cai sẽ làm ảnh hưởng tới hy vọng giành nhiều huy chương của Trung Quốc tại Olympic 2008”

Đó là lời phát biểu của VĐV đầu tiên giành huy chương tại Thế vận hội Olympic của Trung Quốc, ông Xu Hai Feng. Ông Xu Hai Feng cũng nhận định việc đăng cai tổ chức Thế vận hội sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực giành nhiều HCV của Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Đó là lời phát biểu của VĐV đầu tiên giành huy chương tại Thế vận hội Olympic của Trung Quốc, ông Xu Hai Feng. Ông Xu Hai Feng cũng nhận định việc đăng cai tổ chức Thế vận hội sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực giành nhiều HCV của Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh 2008.

 

Tại Thế vận hội Los Angles năm 1984 trong phần thi Chung kết nội dung 50m súng ngắn, với sự điềm tĩnh Xu Hai Feng đã đem về cho Trung Quốc chiếc HCV đầu tiên tại một kỳ Olympic, đánh dấu sự trở lại sau 32 năm Trung Quốc vắng bóng trên Đấu trường Olympic mùa hè. Phát biểu với tờ Trung Hoa Nhật báo, ông Xu (48 tuổi) cho biết: “Các cuộc thi đấu có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực là nước chủ nhà. Trong các cuộc thi đấu, trí tuệ và tâm lý luôn là những nhân tố đóng vai trò quan trọng và những VĐV nước chủ nhà có thể sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Ví dụ, trong môn Bắn súng, chúng tôi đã làm một cuộc nghiên cứu và kết quả cho thấy VĐV nước chủ nhà thường không đạt được thành tích cao như ở những kỳ Thế vận hội trước đó.”

 

Ông Xu cũng nhấn mạnh “Ở những môn thể thao mang tính kỹ thuật mà Trung Quốc đang có thế mạnh như Nhảy cầu, Bóng bàn đòi hỏi VĐV phải có tâm lý thi đấu bình tĩnh, ổn định. Điều đó sẽ khó khăn hơn khi họ thi đấu trên sân nhà. Tuy nhiên, trong các môn thể thao mang tính thể lực như Điền kinh, Bơi lội, Quyền anh, các VĐV có lẽ sẽ hưng phấn hơn do được sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên chủ nhà và có thể sẽ giành được kết quả thi đấu tốt hơn.”

 

Tại Thế vận hội Athens năm 2004, Trung Quốc giành được 32 HCV, đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng huy chương sau Mỹ. Tuy nhiên, tại Thế vận hội 2008, theo ông Xu Trung Quốc sẽ rất khó để giành thêm nhiều huy chương và chiếm ngôi vị số một toàn đoàn. Ông nói: “Điều đó là rất khó. Trung Quốc đã giành được khá nhiều huy chương trong các môn thể thao có thế mạnh như Bắn súng, Nhảy cầu, Bóng bàn, Cầu lông, Thể dục dụng cụ, Cử tạ nữ. Chúng ta đã đạt điểm bão hoà, nghĩa là không còn có khả năng tăng số lượng huy chương trong các môn thể thao này. Còn các môn như Điền kinh, Bơi lội, Đua thuyền, Xe đạp với hàng trăm bộ huy chương thì chúng ta có lẽ chỉ giành được số ít trong số lượng đó. Trung Quốc không thể tránh khỏi sức ép phải giành nhiều HCV hơn là việc tham dự thông thường. Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển nhất định vì vậy càng tăng thêm tầm quan trọng của việc giành chiến thắng, tôi tin chắc rằng các quốc gia phương tây cũng đang ở thời kỳ phát triển tương tự. Rõ ràng VĐV nào khi thi đấu đều mong muốn giành chiến thắng. Với các quốc gia đăng cai thì ý nghĩa việc giành huy chương thậm chí còn lớn hơn. Tương tự như trường hợp của Đức vừa qua, họ sẽ rất thất vọng nếu để thua trong trận Bán kết”.

 

Sau khi nghỉ thi đấu năm 1994, Ông Xu đã từng huấn luyện 2 xạ thủ Trung Quốc giành HCV tại các kỳ Thế vận hội Olympic. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, sẽ chỉ có 95 VĐV đại diện cho 1,3 tỉ dân tham gia tập luyện, thi đấu nhưng ông Xu mong rằng họ có thể đóng góp huy chương vào Bảng vàng thành tích của Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh sắp tới.

 

Thu Phương (theo Trung hoa Nhật báo)

Ảnh trong bài
  •  “Việc đăng cai sẽ làm ảnh hưởng tới hy vọng giành nhiều huy chương của Trung Quốc tại Olympic 2008”