Thách thức của Cầu lông Indonesia

Nếu không sớm có những thay đổi từ phía Liên đoàn Cầu lông Indonesia ( PBSI) sẽ có một số VĐV xin rút khỏi đội tuyển quốc gia tham dự giải Sudirman và Olympic sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào năm tới.

Nếu không sớm có những thay đổi từ phía Liên đoàn Cầu lông Indonesia ( PBSI) sẽ có một số VĐV xin rút khỏi đội tuyển quốc gia tham dự giải Sudirman và Olympic sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào năm tới.

 

VĐV cầu lông tài năng Taufik Hidayat cho biết: “Năm tới sẽ có một số cầu thủ giã từ đội tuyển quốc gia trong khi lớp kế nghiệp vẫn thực sự chưa vững vàng để thay thế. Thật nực cười khi đề ra mục tiêu quá cao tại Sudirman Cup và Thomas Cup sẽ diễn ra tại Nhật bản vào năm tới trong khi chúng ta chưa có đủ các VĐV ưu tú và xứng tầm với giải đấu này”.

 

Mặc dù đã phủ nhận tin đồn về việc sẽ giải nghệ sớm nhưng Taufik có vẻ không còn hào hứng với việc thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Taufik Hidayat nhắc tới người bạn thân đồng thời cũng là tay vợt kỳ cựu của Indonesia, Sigit Budiarto người đã cùng Candra Wijaya giành HCV tại giải vô địch cầu lông thế giới năm 1997 ở nội dung đôi nam. Budiarto cũng chính là VĐV đã hai lần giành ngôi vị Á quân giải VĐ cầu lông thế giới. Nhưng thật đáng tiếc VĐV này đã sớm phải chia tay với sự nghiệp thi đấu do chấn thương kéo dài. Mặc dù giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế nhưng hiện tại Candra vẫn tham gia các giải đấu chuyên nghiệp cùng Tony Gunawan, hiện đang định cư tại Mỹ. Taufil nhấn mạnh “Cả Sigit và Candra đã cống hiến rất nhiều cho đội tuyển Cầu lông Indonesia nhưng họ lại chẳng nhận được gì từ Liên đoàn cầu lông Indonesia (PBSI) sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Tôi không muốn lại có một kết thúc như vậy”.

 

Tương lai của tay vợt Luluk Hadiyanto cũng không có gì khả quan khi phong độ gần đây của anh ngày càng xuống dốc. HLV của anh cho biết nếu không thi đấu tốt tại ASIAD 15  rất có thể Luluk Kakiyanto sẽ không thể giữ được 1 vị trí trong đội tuyển quốc gia. VĐV 28 tuổi này cũng cho biết sẽ không có ý định giã từ sự nghiệp ít nhất trong vòng 2 năm tới “Alvent và tôi đã rút ra được rất nhiều bài học từ những thất bại trước đây và chúng tôi vẫn đang rất lạc quan và tin tưởng vào khả năng thi đấu của mình”.

 

Sau danh hiệu vô địch năm 2004, phong độ thi đấu của Luluk và Alvent giảm sút một cách rõ rệt. Nhưng nếu lúc này họ giã từ sự nghiệp thi đấu thì đội tuyển Cầu lông của Indonesia chỉ còn lại bộ đôi là Markis Kido và Endra Setiawan. Đứng trước tình cảnh đó, HLV Hendrawan đang yêu cầu PBSI phải có những thay đổi trong việc gửi các VĐV đi du đấu nước ngoài. “Các VĐV của tôi cần phải được cọ sát nhiều hơn nữa. Mỗi năm ít nhất họ phải được tham dự từ 1 đến 3 giải đấu quốc tế để có nhiều cơ hội học hỏi và làm quen với những áp lực của các cuộc thi”

 

Ông Rudy Hartono, giám đốc phát triển của PBSI cho biết, PBSI đã cắt bớt lịch thi đấu của các VĐV Cầu lông và nếu VĐV nào không giữ được phong độ tốt sau 1 vài giải đấu thì sẽ họ sẽ phải chịu trách nhiệm và có thể sẽ bị loại khỏi đội tuyển quốc gia.

 

HLV Hendrawan hoàn toàn không đồng tình với quyết định đó, ông cho biết: “Dù phong độ các VĐV từ nay đến năm 2008 không tốt đi nữa, tôi vẫn tin sau đó họ sẽ gặt hái được thành công”. Trước tình trạng trên, các VĐV Cầu lông Indonesia đang kêu gọi PBSI phải có biện pháp tích cực hơn để tạo điều kiện cho họ có nhiều cơ hội và thời gian để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như phong độ thi đấu.

 

VĐV Taufik cũng đã đưa ra 2 “yêu cầu” đòi hỏi PBSI phải đáp ứng càng sớm càng tốt. Đó là lập cho họ một chương trình thi đấu và luyện tập một cách rõ ràng, thứ 2 là mức lương cụ thể mà họ nhận được. Tuy nhiên, sẽ còn phải mất một thời gian khá dài hai yêu cầu trên mới có thể được đáp ứng.

 

Taufik đã đưa ví dụ như giải Super Series, một giải đấu lớn do BWF tiền thân của Hiệp hội cầu lông thế giới tổ chức, với 12 tour mỗi năm và giá trị tiền thưởng nhỏ nhất là 200.000 USD. Giải sẽ diễn ra vào tháng 1 tới, tuy nhiên cho đến thời điểm này các VĐV vẫn chưa nhận được lịch thi đấu và luyện tập cụ thể.

 

Cả 2 VĐV Taufik và Nova Widhianto đều tỏ ra không hài lòng về việc chậm tiền thưởng và cấm không được tìm kiếm các nhà tài trợ riêng.“ Cầu lông là một bộ môn thể thao tôi yêu thích nhất nhưng chúng tôi lại không có quyền được tiếp xúc và tự tìm kiếm các nhà tài trợ cho riêng mình. Tôi nghĩ đó là lý do khiến nhiều VĐV Cầu lông chuyển ra nước ngoài thi đấu. Và nếu không sớm có những thay đổi kịp thời thì sẽ có nhiều VĐV quyết định rời khỏi đội tuyển quốc gia”.

 

Nguyễn Tâm (theo www.thejakartapost.com)

 

Ảnh trong bài
  •  Thách thức của Cầu lông Indonesia