Vĩnh Phúc đạt 21,75% số người tập luyện TDTT thường xuyên

Phong trào TDTT quần chúng của địa phương không ngừng phát triển cả về chất và lượng, năm sau cao hơn năm trước.. Điều đó được minh chứng qua số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 21,75% (tăng hơn 1,25%), số gia đình thể thao đạt 12,4% (tăng 2,4%) và số CLB thể thao do các đoàn thể thành lập cũng tăng lên 245 CLB.

 

Vĩnh Phúc là một tỉnh nằm ở  nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của thủ đô Hà Nội và là một trong 8 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, với diện tích là 1.372,23km2, dân số 1.169.067 người, rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong đó có TDTT.

Phát huy thành tích đã đạt được từ những năm trước, trong năm 2007, ngành TDTT đã tiếp tục triển khai thực hiệu có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Uỷ ban TDTT (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đặc biệt là Nghị quyết 07/NQ-HĐND của tỉnh về việc phát triển TDTT xã, phường, thị trấn, thôn khu phố giai đoạn 2005 - 2010. Với sự nỗ lực của toàn ngành, sự nghiệp TDTT năm 2007 của tỉnh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.

 

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã được triển khai sâu rộng từ thành thị đến nông thôn. Phong trào TDTT quần chúng của địa phương không ngừng phát triển cả về chất và lượng, năm sau cao hơn năm trước.. Điều đó được minh chứng qua số lượng người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 21,75% (tăng hơn 1,25%), số gia đình thể thao đạt 12,4% (tăng 2,4%) và số CLB thể thao do các đoàn thể thành lập cũng tăng lên 245 CLB. Ngoài việc đẩy mạnh phong trào TDTT trong các đối tượng là cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, nông dân... phong trào TDTT dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên được thực hiện nghiêm túc và là môn học bắt buộc trong các trường học. Hiện nay trên toàn tỉnh có 355/390 trường thực hiện giảng dạy môn giáo dục thể chất, số trường đảm bảo chương trình ngoại khoá có nề nếp là 193/390 trường.

 

Bên cạnh đó, việc tổ chức các giải thi đấu thể thao cũng được đặc biệt chú trọng. Cụ thể năm 2007, ngành TDTT tỉnh đã đăng cai tổ chức 613 giải thể thao từ cấp quốc tế đến cấp cơ sở. Toàn tỉnh cũng duy trì được 672 đội thể thao cơ sở. Công tác đào tạo, huấn luyện các đội thể thao thành tích cao cũng được chú trọng. Với 150 VĐV thuộc 11 đội tuyển tập trung ở các môn như: Điền kinh; Cầu lông; Penkatsilat; Karatedo;Wussu; Bóng chuyền; Quần vợt;…thường xuyên duy trì chế độ luyện tập đều đặn. Do đó, thể thao thành tích cao Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Trong số 31 giải thi đấu toàn quốc và khu vực, các VĐV của Vĩnh Phúc đã giành được 70 huy chương các loại trong đó có 24 HCV, 17 HCB và 29 HCĐ. Con số này đã vượt chỉ tiêu đề ra.

 

Ngoài ra, ngành TDTT Vĩnh Phúc cũng đã triển khai thực hiện Quyết định 100/2005/TTg về việc phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010. Theo đó, các hoạt động TDTT tại 2 xã điểm là Đình Chu và thị trấn Yên Lạc đều được duy trì và hoạt động có hiệu quả; công tác quy hoạch đất cho hoạt động TDTT được quan tâm chú trọng. Hiện tại toàn tỉnh có 140/152 xã, phường, thị trấn có quy hoạch đất cho TDTT, đảm bảo mục tiêu 3m2/người; 198 thôn, khu phố, đã dành đất cho các hoạt động TDTT, đạt 14,1%.

 

Với tinh thần chủ động, sáng tạo của những người làm công tác TDTT và được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, phong trào TDTT của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có những bước tiến đáng kể theo hướng hội nhập và phát triển, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, nâng cao sức khoẻ cũng như đời sống tinh thần cho nhân dân, góp phần đưa sự nghiệp TDTT nước nhà ngày càng phát triển.

 

 

                                                                                                                                                                                                                      Gia Huy

 

Ảnh trong bài
  • Vĩnh Phúc đạt 21,75% số người tập luyện TDTT thường xuyên