Nhìn lại công tác TDTT trong năm 2007 của ngành TDTT Thái Nguyên

Với phương châm tập trung phát triển các phong trào TDTT quần chúng, trong đó đặc biệt chú trọng việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc; từng bước phát triển phong trào thể thao thành tích cao, trong năm qua ngành TDTT Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu đáng biểu dương, được bầu chọn là đơn vị xuất sắc nhất trong Cụm thi đua số 2.

Được coi là lá cờ đầu trong lĩnh vực TDTT so với các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Thái Nguyên đã chứng tỏ được vị thế và tiềm năng của mình trong công tác phát triển TDTT. Với phương châm tập trung phát triển các phong trào TDTT quần chúng, trong đó đặc biệt chú trọng việc khôi phục và phát triển các môn thể thao dân tộc; từng bước phát triển phong trào thể thao thành tích cao, trong năm qua ngành TDTT Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu đáng biểu dương, được bầu chọn là đơn vị xuất sắc nhất trong Cụm thi đua số 2.

Để phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển theo hướng đa dạng, có chất lượng Sở TDTT Thái Nguyên dã tích cực, chủ động phối kết hợp ký kết liên tịch với các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Hội Liên Hiệp Phụ nữ... nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó trọng tâm là cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về TDTT, đẩy mạnh phong trào TDTT trong nhà trường... Với những giải pháp đồng bộ, thiết thực phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của địa phương đã tạo đà cho phong trào TDTT quần chúng phát triển. Theo số liệu thống kê năm 2007, số người tập luyện TDTT trên toàn tỉnh đạt 19%, đảm bảo 100% số trường thực hiện giáo dục thể chất nề nếp và 85% số trường duy trì hoạt động TDTT ngoại khoá thường xuyên, số gia đình thể thao chiếm 12,5 % và tổng số CLB TDTT là 756.

Việc tổ chức các giải thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên, đều đặn từ cấp tỉnh đến cơ sở, với tổng số 647 giải thể thao quần chúng được tổ chức, trong đó số giải thể thao cấp cơ sở là 563, cấp huyện, thị xã là 64 gải và cấp tỉnh là 20 giải. Ngoài ra, Thái Nguyên còn tham gia 07 giải TDTT quần chúng toàn quốc. Các cuộc thi đấu thể thao được tổ chức gắn liền với các hoạt động văn hoá, xã hội đã có tác dụng to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tác dụng của hoạt động TDTT đối với sức khoẻ con người, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nhất là các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, các môn thể thao truyền thống dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và có mặt ở hầu hết các cuộc thi như: Kéo co, Đẩy gậy, Tung còn, Bắn nỏ... đã góp phần làm cho các buổi sinh hoạt, các ngày Lễ, Hội thêm sôi động và hấp dẫn.

Công tác đào tạo VĐV, thi đấu thể thao thành tích cao cũng đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Năm 2007, toàn tỉnh đào tạo được 150 VĐV năng khiếu thể thao tập trung, 200 VĐV năng khiếu bán tập trung và 180 VĐV các đội tuyển. Mặc dù con số trên chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ đáp ứng cho việc bổ sung lực lượng VĐV kế cận tham gia vào các đội tuyển của tỉnh và Thái Nguyên cũng đóng góp cho đội tuyển quốc gia 32 VĐV. Đoàn VĐV của Thái Nguyên đã tham gia tổng số 63 giải thể thao trong nước và quốc tế, giành được 244 huy chương các loại, trong đó có 14 huy chương các giải thể thao quốc tế. Đặc biệt tại SEA Games 24, Thái Nguyên có 5 VĐV tham dự và giành được 05 HCV, trong đó phải kể đến Vũ Thị Hương - Nhà Vô địch môn Điền kinh đã vinh dự là người đứng thứ 2 trong số 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2007.

 

 

 

Khánh Hà

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại công tác TDTT trong năm 2007 của ngành TDTT Thái Nguyên