Nhìn lại công tác tổ chức Hội thi Thể thao – Văn nghệ NKT toàn quốc lần thứ III.

Hội thi Thể thao – Văn nghệ NKT toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Thừa Thiên Huế chính thức khép lại nhưng ấn tượng về công tác tổ chức cũng như tinh thần thi đấu của các VĐV tại Hội thi sẽ còn đọng mãi trong lòng những ai đã có mặt tại sân chơi đầy ý nghĩa này.

 

Hội thi Thể thao – Văn nghệ NKT toàn quốc lần thứ III diễn ra tại Thừa Thiên Huế đã khép lại nhưng ấn tượng về công tác tổ chức cũng như tinh thần thi đấu của các VĐV tại Hội thi sẽ còn đọng mãi trong lòng những ai đã có mặt tại sân chơi đầy ý nghĩa này.

Là một trong những trung tâm văn hoá, du lịch nổi tiếng của khu vực miền Trung, Thừa Thiên Huế đã vinh dự được tiếp tục đăng cai Hội thi Thể thao - Văn nghệ NKT toàn quốc lần thứ III (lần II năm 2002). Hội thi năm nay đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo của Đảng, ngành TDTT, đại diện các ban ngành đoàn thể địa phương cùng hơn 1.000 VĐV, diễn viên (trong đó không ít người là Thương binh, Bệnh binh và là nạn nhân của chiến tranh) đến từ khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Hội thi được tổ chức đúng dịp cả nước đang hướng về kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ. Do vậy, với mục tiêu đảm bảo Hội thi diễn ra thành công tốt đẹp, BTC đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt.

Phần thi Thể thao diễn ra tại 4 địa điểm chính: Trung tâm thể thao Huế, SVĐ Huế, Trung tâm Thể thao dưới nước Huế, Quảng Trường Ngọ Môn. Các địa điểm này chỉ cách nhau khoảng 1 đến 2 km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển cho các VĐV. Ngoài hệ thống cơ sở vật chất (SVĐ, Nhà thi đấu, Trung tâm thể thao dưới nước, đến các trang thiết bị dành cho tập luyện và thi đấu) sẵn có, BTC còn trang bị thêm các dụng cụ khác phù hợp với đặc thù của NKT với tổng số chi phí là 80 triệu.

Mặt khác, để Hội thi diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng với chủ đề "Đoàn kết - Hoà nhập- Công bằng - Nhân ái", BTC đã huy động 162 Trọng tài (22 Trọng tài Trung ương và 140 Trọng tài địa phương), 150 Tình nguyện viên cùng lực lượng Y, Bác sỹ... làm việc tích cực

Công tác tuyên truyền về Hội thi được thực hiện tốt, góp phần quan trọng vào sự thành công chung của sự kiện trọng đại này. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin như: báo, đài phát thanh, truyền hình (cả trung ương lẫn địa phương), nhiều băng rôn khẩu hiệu, pano được treo tại các địa điểm thi đấu, trên khắp các tuyến đường thành phố Huế. Chính vì thế, Hội thi đã thu hút được sự quan tâm, cổ vũ của đông đảo người dân Huế; khách du lịch trong và ngoài nước.

Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (5 ngày) nhưng Hội thi đã mang đến cho những người kém may mắn những khoảnh khắc, ấn tượng khó quên, đặc biệt tại đây, họ có dịp được khẳng định, gặp gỡ, giao lưu, được cảm thông và chia sẻ. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, phần nào làm bớt đi những mặc cảm về bản thân, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Kết thúc Hội thi, những VĐV, Diễn viên lại trở về với cuộc sống đời thường, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để hy vọng sẽ có mặt tại Hội thi lần thứ IV, diễn ra tại Đà Nẵng vào năm 2010.

 

Việt Dũng

 

Ảnh trong bài
  • Nhìn lại công tác tổ chức Hội thi Thể thao – Văn nghệ NKT toàn quốc lần thứ III.