Cụm Văn hoá - Thể thao: mô hình tiêu biểu của hoạt động TDTT Hà Nội

Là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu cả nước về phong trào TDTT, Hà Nội hiện có gần 40 Cụm Văn hoá-Thể thao, thu hút khoảng trên 100.000 công chức, viên chức, xã viên hợp tác xã, công nhân, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh... thuộc các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thủ đô hăng hái tham gia tập luyện.

Là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu cả nước về phong trào TDTT,

 

 

Hà Nội hiện có gần 40 Cụm Văn hoá-Thể thao, thu hút khoảng trên 100.000 công chức, viên chức, xã viên hợp tác xã, công nhân, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh...  thuộc các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thủ đô hăng hái tham gia tập luyện. 

 

 

 

Vài nét về sự hình thành Cụm Văn hoá - TDTT

Vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 01/5/1974, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, phương hướng hoạt động cũng như việc lựa chọn môn thể thao phù hợp, Phòng TDTT Khu Đống Đa (nay là Quận Đống Đa) quyết định thành lập Cụm TDTT ở khu công nghiệp Giáp Bát lấy Nhà máy cơ khí Quang Trung (đơn vị tiên tiến TDTT của Hà Nội), được bầu giữ chức Cụm trưởng. Khi mới được thành lập Cụm có 7 đơn vị thành viên gồm: Công ty Dược Trung ương, Xí nghiệp thuốc, Kho vận, ga Giáp Bát và 3 hợp tác xã thủ công. Nhưng chỉ thời gian ngắn, Cụm TDTT Giáp Bát - Quang Trung đã có thêm 20 đơn vị tham gia. Do số thành viên tăng lên nhanh chóng nên Phòng TDTT Đống Đa đã tách thành 2 Cụm. Với sự tham gia của Công đoàn và Phòng Văn hoá khu, Cụm TDTT được mang tên mới Cụm Văn hoá - TDTT. Với những hoạt động phong phú, đa dạng Cụm Văn hoá - TDTT đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, hiệu quả, góp phần phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của người lao động, cán bộ, CNVC thủ đô... được nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia. Cụm Văn hoá - TDTT ra đời và hoạt động rất có hiệu quả nên chẳng bao lâu sau, Đống Đa có thêm: Cụm Văn hoá - Thượng Đình, Cụm Văn hóa -TDTT Văn Miếu...

Mô hình Cụm Văn hoá - TDTT tiếp tục được nhân rộng trên khắp các quận trong thành phố: các Cụm Văn hoá -TDTT: Minh Khai, Vĩnh Tuy và Trương Định (Quận Hai Bà Trưng); Hồ Gươm, Ngọc Sơn, Bạch Đằng (Khu Hoàn Kiếm). Thuỵ Khuê, Ngọc Khánh, Bưởi (Ba Đình)...

 

 

Nội dung hoạt động TDTT phong phú, đa dạng

Bài tập Thể dục vệ sinh sáng là một trong những nội dung hoạt động chính trong phong trào TDTT của Hà Nội được đông đảo người dân tham gia tập luyện. Khi Cụm Văn hoá -TDTT hình thành, ngoài những môn thể thao phổ thông có thêm các môn như:  Bóng đá “gôn tôm” 5 người, Cầu lông, Cầu chinh, Bóng bàn xi măng… Bên cạnh đó các hoạt động TDTT rèn luyện sức khoẻ như: chạy tập thể, chạy 100m, 1.500m cho nam; chạy 100m, 800m cho nữ, tính thời gian; nằm sấp chống tay; bật xa tại chỗ; xà đơn, nâng tạ, kéo co, bơi phổ thông, nhảy cao, nhảy xa trong tiêu chuẩn quy định “Người công nhân khoẻ” và “Tập thể công nhân khoẻ”.

Tính đến nay, đã 33 năm trôi qua, việc xây dựng và phát triển mô hình Cụm Văn hoá -TDTT ở thủ đô Hà Nội không ngừng được nâng cao về chất lượng và số lượng. Đặc biệt, với những hình thái hoạt động đa dạng, phong phú và mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao sức khoẻ của người dân, Cụm Văn hoá - TDTT đã được nhân rộng ra trên khắp các các địa phương trong cả nước. Có thể nói, Cụm Văn hoá -TDTT của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá TDTT của toàn ngành.

 

 

 

 

Trương Xuân Hùng

Ảnh trong bài
  • Cụm Văn hoá - Thể thao: mô hình tiêu biểu của hoạt động TDTT Hà Nội