Giáo dục thể chất trong trường học cần được quan tâm hơn nữa

Trong những năm gần đây, Giáo dục luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những cải cách về giáo dục luôn được đầu tư, quan tâm, nghiên cứu và thực hiện thì vấn đề giáo dục thể chất (GDTC) lại chưa được đặt ở vị trí tương xứng với tầm quan trọng của môn học này trong việc giáo dục con người toàn diện.

Phần 1:

Bài toán nào cho hệ thống cơ sở vật chất GDTC trong trường học 

Trong những năm gần đây, Giáo dục đào tạo luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những cải cách về chính sách, đầu tư, nghiên cứu... thì vấn đề giáo dục thể chất (GDTC) lại chưa được đặt ở vị trí tương xứng với tầm quan trọng của môn học này trong việc giáo dục con người toàn diện. 

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi sức khoẻ con người là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu thì việc nêu cao tinh thần rèn luyện thể chất nói chung và môn học GDTC trong trường học nói riêng càng phải được quan tâm hơn nữa. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy, môn học này còn nhiều điều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vậy lỗi do đâu? Đây là vấn đề còn nhiều nan giải và đã tốn không ít giấy mực đối với báo giới. Để quý đọc giả có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, chúng tôi xin được đề cập tới một vấn đề được coi là cốt lõi, có ảnh hưởng lớn tới công tác GDTC trong trường học, đó là hệ thống cơ sở vật chất.

Theo đánh giá hiện nay của đa số các trường, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học GDTC còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là quá nghèo nàn và lạc hậu. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng môn học cũng như làm giảm đi tính hứng thú đối với các hoạt động thể thao ngoại khoá của các em học sinh. 

Thầy Nguyễn Văn Chính - giáo viên thể dục trường PTTH Ngô Thì Nhậm thị xã Tam điệp - Ninh Bình cho biết : " Chúng ta không thể đòi hỏi ở các em quá cao về thành tích, hay kỹ thuật thật chính xác ở môn học này trong khi điều kiện về cơ sở vật chất của các trường chưa đầy đủ để phục vụ cho nhu cầu học tập, vui chơi của các em. Năm nay, giáo trình học thể dục đã thay đổi nhưng đến nay nhiều thiết bị liên quan, cơ sở vật chất tối thiểu để đáp ứng nhu cầu đổi mới vẫn chưa có" .

Đơn cử như tại Hà Nội, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho môn học GDTC tại các trường Đại học, Cao đẳng cũng rơi vào tình trạng "báo động", không những thiếu về chất lượng mà số lượng cũng chưa thể đảm bảo. Môn Điền kinh là môn thể thao bắt buộc của môn học này, nhưng số trường có sân tập đạt tiêu chuẩn chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học chung, học ghép ở một số trường trong địa bàn thành phố đối với môn GDTC. "Nhiều năm nay, sân Bóng đá trường Đại học Bách khoa đã trở thành địa điểm học không chỉ của sinh viên trường Đại học Bách khoa mà còn cả sinh viên trường Đại học Mở" - giáo viên của trường Đại học Bách khoa đã cho chúng tôi biết.

Hay như tình trạng "dở khóc dở cười" của sinh viên trường Đại học công đoàn và Đại học thuỷ lợi khi cùng tập chung trên một sân tập có diện tích chỉ khoảng 700m2, bề mặt sân là một khoảng đất phẳng không một nhánh cỏ xung quanh sân được bảo vệ bởi một hàng rào dây thép gai có chiều cao 15m. Nhiều khi sinh viên của trường này đá bóng sang lớp học của sinh viên trường kia là chuyện thường tình. Tuy nhiên, nữ sinh trường Đại học Công đoàn lại tỏ ra rất thông cảm: "không còn chỗ nào để học nữa thì địa điểm như thế này đã là lý tưởng lắm rồi".

Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi cũng như ý kiến của những người đang trực tiếp tham gia giảng dạy môn học này, dụng cụ tập luyện (vợt, lưới, bóng, bàn cờ, quân cờ...) cho các môn học khác cũng thiếu trầm trọng. Tối thiểu, để đáp ứng bài giảng có chất lượng chuyên môn tốt phải cần tới 15 bộ vợt và lưới (Cầu lông), 10 bộ bàn, quân cờ (Cờ vua), 5 quả bóng (Bóng rổ)... nhưng trên thực tế dụng cụ học, chơi thể thao của nhiều trường  chỉ đáp ứng được 1/2 con số đưa ra.

 

Nói đến vấn đề này thầy Phạm Văn Đàm - Hiệu trưởng trường THCS Yên Sơn thị xã Tam điệp - Ninh bình cho biết : " học sinh phải học môn thể dục trong điều kiện hết sức khó khăn: nhảy cao bằng hố cát, môn điền kinh không có đường chạy riêng mà học sinh phải chạy xung quanh sân trường làm ảnh hưởng nhiều đến các lớp đang học văn hoá. Nhiều buổi vì thiếu sân học thể dục, giáo viên bộ môn đành phải cho học sinh chơi các trò chơi cho qua tiết học..."

Trong thời cơ chế hoá đất nước, nhiều dự án về cơ sở hạ tầng lần lượt được thực hiện, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên như "nấm" nhưng buồn thay trong hàng loạt các hạng mục công trình ấy, người ta không nghĩ tới việc đầu tư xây dựng sân tập đa năng đạt chất lượng dành riêng cho học sinh, sinh viên ở các địa điểm có trường học? Và trong thời gian tới nếu vấn đề này vấn chưa thể được giải quyết thì cảnh học văn hoá trường này nhưng học GDTC tại trường khác sẽ vẫn còn tiếp diễn. 

 

Hương Hường

 

Ảnh trong bài
  • Giáo dục thể chất trong trường học cần được quan tâm hơn nữa