Trong không khí tưng bừng náo nức của những ngày đầu xuân, cùng với những hoạt động văn hoá dân gian, các hoạt động TDTT quần chúng cũng được tổ chức khắp các địa phương trên cả nước.
Hoạt động TDTT quần chúng đầu năm mới thường gắn liền với các hoạt động văn hóa. Đây cũng là một nét đặc trưng của truyền thống văn hoá Việt Nam. Để góp phần nâng cao hơn nữa phong trào TDTT quần chúng, các Sở TDTT đã có những hoạt động tích cực nhằm hướng dẫn, tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng trong dịp Tết. Bên cạnh việc tổ chức các giải thể thao như Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cầu lông.... các địa phương cũng chú trọng đến các môn thể thao dân tộc và các trò chơi vận động dân gian như Vật dân tộc, Cờ tướng, Cờ người, Bắn nỏ, Kéo co, Đẩy gậy, Ném còn...
Ở các tỉnh phía Bắc, hoạt động TDTT quần chúng phổ biến trong các ngày đầu xuân là Vật dân tộc. Với những đất vật có tiếng như Bắc Ninh, Hà Tây, Bắc Giang... thì trong những ngày lễ hội đầu năm không bao giờ thiếu được môn Vật. Cùng hòa nhịp với tiếng trống rộn ràng là những tiếng cỗ vũ, reo hò của các tầng lớp nhân dân cho những pha đánh hay, những đòn thế đẹp của các đô vật. Cùng với Vật, một môn thể thao truyền thống mang tính trí tuệ cũng thường được tổ chức tại các sân đình, các lễ hội đầu năm là Cờ người. Đây là hình thức chơi Cờ tướng, quân cờ là những chàng trai, cô gái xinh đẹp. Đối với đồng bào các dân tộc miền núi thể hiện tinh thần thượng võ bằng những môn thể thao như Đẩy gậy, Bắn nỏ... mang đậm truyền thống dân tộc.
Cùng với các địa phương miền Bắc, những hoạt động thể thao quần chúng cũng được tổ chức sôi nổi ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Miền Trung nổi tiếng với hội vật Làng Sình (Thừa Thiên - Huế). Mỗi năm, hội Vật làng Sình (tổ chức vào mồng 10 tháng giêng âm lịch) thu hút hàng trăm đô vật tham gia tranh tài. Các tỉnh phía nam tưng bừng với giải Đua thuyền truyền thống tỉnh Đồng Nai, giải Cờ vua Bình Dương mở rộng. Thành phố Hồ Chí Minh thì tưng bừng với những giải thi Lân - Sư - Rồng, cờ Tướng, Bóng đá, Bóng chuyền ....