Mưu sinh để theo đuổi niềm đam mê

Đằng sau những tấm huy chương của mỗi nữ VĐV khuyết tật là những nhọc nhằn mà không phải người phụ nữ nào cũng có thể dễ dàng vượt qua trong cuộc sống. Nhưng chính thể thao đã tiếp thêm cho họ nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, xây dựng một tương lại tốt đẹp hơn.

Những người phụ nữ bình thường vốn đã không dễ dàng trong cuộc sống hiện nay, nhưng đối với những người phụ nữ chẳng may gặp khiếm khuyết về cơ thể, mưu sinh còn khó hơn nhiều. Với những nữ VĐV khuyết tật – những người có số phận không may để theo đuổi niềm đam mê thể thao của mình đã phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc mưu sinh mà không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua dễ dàng.

Những cái tên như Nhữ Thị Khoa, Trần Nguyên Thái, Hồ Thị Huế, Hoàng Hồng Kiên… đã trở nên quen thuộc với NHM Thể thao Việt Nam. Thành tích mà các chị giành được đã làm rạng danh TTNKT Việt Nam trên đấu trường khu vực và châu lục. Nhưng ít ai biết được rằng đằng sau những tấm huy chương đó là những nhọc nhằn của cuộc sống.

Với các chị, mỗi lần đứng trên bục vinh quang nhận huy chương là một lần cảm xúc dâng trào, niềm tự hào trỗi dậy bởi đó là phần thưởng cho những nỗ lực trong cuộc sống. Cũng phải tập luyện như bất kỳ một VĐV nào nếu muốn có thành tích, nhưng không được như những đồng nghiệp bình thường khác đang tập trung tại các Trung tâm huấn luyện thể thao, các chị không có phần lương cơ bản hàng tháng mà chỉ được cấp tiền trợ cấp bồi dưỡng trong thời gian tập trung dưới màu áo đội tuyển. Những khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm đam mê thể thao.

Để có thể tập trung theo đuổi niềm đam mê này, các chị phải làm rất nhiều việc để nuôi bản thân mình và gia đình và cùng với đó, các chị rất cần sự thông cảm và chia sẻ của người thân trong gia đình. Hình ảnh cô gái khuyết tật Nhữ Thị Khoa bán bánh mỳ trên góc phố Trần Xuân Soạn - Hà Nội đã quen thuộc với rất nhiều người. Số tiền ít ỏi từ việc bán bánh mì này chỉ đủ giúp cô trang trải những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Hay VĐV Trần Nguyên Thái cũng bươn trải với cuộc sống hàng ngày bằng việc bán sách trên đường Trần Hưng Đạo. Hoàng Hồng Kiên thì lại quen thuộc với những người dân thành phố Hà Đông bởi tiếng rao bán chổi đót lảnh lót của cô trên chiếc xe lăn.

Hạnh phúc gia đình là mơ ước của bất kỳ một người phụ nữ nào. Nhưng với các VĐV khuyết tật, không phải ai cũng có được ước mơ giản dị này. Những mặc cảm của bản thân và xã hội khiến ước mơ có được một mái ấm gia đình bỗng chốc trở nên xa vời. Chỉ số ít trong các chị là có được một bờ vai để nương tựa và đó thường là những người cùng cảnh ngộ mà tiêu biểu là cặp VĐV khuyết tật Hoàng Hồng Kiên và Phạm Hồng Thức.

Sự khổ luyện trong tập luyện và sự vật lộn mưu sinh với cuộc sống đời thường đã tiếp thêm cho các chị nghị lực trong luyện tập và thi đấu. Những khoản tiền thưởng có được từ thành tích thi đấu của mình tuy không phải là nhiều những cũng giúp các chị trang trải một phần cuộc sống và tích lũy cho mình thành một khoản vốn nhỏ. Nhưng chính thể thao đã tiếp thêm cho họ nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn của cuộc sống, xây dựng một tương lại tốt đẹp hơn.

 

 

N.Quang

Ảnh trong bài
  • Mưu sinh để theo đuổi niềm đam mê