Muốn học tốt thì phải “tự lo, tự sắm”

Gần đây có nhiều trang báo phản ánh khá gay gắt về thực trạng môn học Giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường không phù hợp với học sinh, sinh viên toàn quốc, vì nó không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trước tình trạng đó, không ít các câu hỏi đặt ra của đông đảo người dân: lỗi do đâu? Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra “mổ xẻ” rất chi tiết trên các mặt báo. Song nhóm phóng viên chúng tôi vẫn tiếp tục đi tìm những nguyên nhân còn tiềm ẩn, giúp bạn đọc có một cách nhìn nhiều chiều và chính xác hơn về vấn đề này.

Gần đây có nhiều trang báo phản ánh khá gay gắt về thực trạng môn học Giáo dục thể chất (GDTC) trong nhà trường không phù hợp với học sinh, sinh viên toàn quốc, vì nó không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trước tình trạng đó, không ít các câu hỏi đặt ra của đông đảo người dân: lỗi do đâu? Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra “mổ xẻ” rất chi tiết trên các mặt báo. Song nhóm phóng viên chúng tôi vẫn tiếp tục đi tìm những nguyên nhân còn tiềm ẩn, giúp bạn đọc có một cách nhìn nhiều chiều và chính xác hơn về vấn đề này.

 

 

Muốn học tốt thì phải “tự lo, tự sắm”

Như đã đề cập trên Trang tin điện tử Tổng cục TDTT bài viết "Bài toán nào cho cơ sở vật chất GDTC trong trường học", thực trạng về cơ sở vật chất trong các trường học phục vụ cho môn học GDTC còn thiết thốn, nghèo nàn và lạc hậu. Do vậy, câu nói “tự lo, tự sắm” dụng cụ học môn GDTC không có gì lạ đối với hầu hết học sinh, sinh viên các trường từ PTTH đến Đại học, Cao đẳng. Sở dĩ vì trang thiết bị cho môn học này của nhiều trường không đủ cho học sinh và sinh viên trong một buổi học. Bởi thế, muốn học tốt môn này hay “cố kiếm điểm 5” không có cách nào khác là chính họ phải tự trang bị cho mình những dụng cụ học ở một số nội dung học cơ bản như Cầu lông, Cờ vua, Bóng truyền, Bóng đá…

 

Nguyễn Hải Nam - sinh viên K50 Trường Đại học KHXH&NV nói: Tôi rất thích chơi Cầu lông, vừa rèn luyện sức khoẻ, phần tranh thủ tập luyện cho buổi thi kết thúc môn sắp tới. Song thật buồn vì vợt Cầu lông của trường không đủ. May chăng có vài bộ nhưng lại rất cũ nát, nói hơi quá thì những dụng cụ ấy không thể đáp ứng được yêu cầu của môn học. Hôm có vợt thì không có quả cầu. Có lần chờ xếp hàng mới mượn được dụng cụ của trường cho lớp học, vừa kịp khởi động 2 đường cầu đến lần thứ 3 thì chiếc vợt bỗng gẫy làm đôi. Vì trường không có dụng cụ thay thế nên cả nhóm phải góp tiền mua luôn hai đôi vợt mới để buổi học được tiếp tục.

Hôm tiết học Thể dục có nội dung Cờ vua, Việt Anh (học sinh lớp 8 trường THCS Chu Văn An) nhận nhiệm vụ mua quân, bàn cờ cho các nhóm trong lớp. Khi được hỏi tại sao lại mua nhiều thế em trả lời một cách rất hồn nhiên rằng: ở trường làm gì có mà chúng em chẳng phải mua giỏi lắm được 2 đến 3 bộ cờ trong khi sỹ số lớp em là 49 bạn, như thế làm sao đủ để học được ạ”. Được biết, một bộ Cờ vua giá trên thị trường có bán là 5000 đến 7000 đồng/bộ. Vậy mà một tập thể lớp chỉ có 2 đến 3 bộ cờ cho học sinh học, thiết nghĩ không biết kinh phí cho trang thiết bị môn GDTC đang nằm ở đâu?

Bóng chuyền, Bóng đá là hai nội dung thu hút một lượng lớn học sinh, sinh viên tham ra học tập, vui chơi. Để đáp ứng được phần nào nhu cầu hoạt động TDTT của các em, nhiều thầy cô hướng dẫn hay học sinh phải tự bỏ tiền túi ra mua thêm bóng. Học sinh Lã Thanh Huyền (lớp 11 trường PTTH Quang Trung) nói: “Không có đủ bóng cho chúng em học vậy mà khi kiểm tra lấy điểm thì Giáo viên đều bắt chúng em phải thực hiện đúng kỹ thuật như đúng yêu cầu. Như vậy là vô lý nhưng nếu không làm đúng thì bị điểm yếu cho nên em phải mua riêng cho mình một quả bóng để chủ động tập luyện được nhiều hơn”.

Liệu có phải tất cả học sinh, sinh viên ai cũng có điều kiện mua riêng cho mình một dụng cụ chơi thể thao nào hay không? Giờ đây, ít người cảm thấy lạ khi gặp cảnh sinh viên lẽo đẽo bám theo giáo viên GDTC xin thầy vớt vát, chấm điểm rộng tay để không bị thi lại với một lý do hết sức đơn giản vì trường thiếu dụng cụ học, bản thân thì không thể mua được dụng cụ tập riêng nên khi kiểm tra không thể làm tốt như yêu cầu được.

 

Thầy Trần Mạnh giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: Việc học sinh, sinh viên phải tự mua dụng cụ học môn GDTC là một thực trạng đang còn tồn tại ở rất nhiều trường học trong cả nước chứ không chỉ riêng ở trường tôi dạy. Trang thiết bị đi kèm từng nội dung học đều có nhưng lại không đầy đủ và thiếu đồng bộ, không đạt yêu cầu. Ví như đá bóng không bóng, đánh cầu lông không vợt, cờ vua quân thừa quân thiếu…Như vậy đều khó cho cả hai bên, thầy không thể dạy tốt còn học sinh có học nhưng cũng chẳng hiểu gì. Muốn học sinh nắm được nội dung cơ bản của môn học không còn cách nào khác là cả thầy và trò cùngtự lo, tự sắm” những dụng cụ còn thiếu.

Đứng trước thực trạng cơ sở vật chất dành cho môn học GDTC trong nhà trường hiện nay còn nhiều bất cập, mỗi người dân không khỏi suy nghĩ bởi biết rằng đầu tư cho thế hệ trẻ chính là làm giàu cho tương lai.

 

 

Nguyệt Hương

Ảnh trong bài
  • Muốn học tốt thì phải “tự lo, tự sắm”