Cần thường xuyên tổ chức các giải VTCT trong nước

Là bước đệm để chuẩn bị tích cực cho những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2008 và những năm tiếp theo, giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ IX đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 7/6 tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức - Hà Nội. Nhóm phóng viên Trang tin Thể dục, Thể thao Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Thao - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam về giải đấu lần này cũng như những kế hoạch trong thời gian tới của Liên đoàn.

 

 

Ông Đoàn Thao - Chủ tịch Liên đoàn VTCT Việt Nam (Ảnh: NPV)

Là bước đệm để chuẩn bị tích cực cho những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2008 và những năm tiếp theo, giải Võ thuật cổ truyền (VTCT) toàn quốc lần thứ IX đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 7/6 tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức - Hà Nội. Nhóm phóng viên Trang tin Thể dục, Thể thao Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Thao - Chủ tịch Liên đoàn VTCT Việt Nam về giải đấu lần này cũng như những kế hoạch trong thời gian tới của Liên đoàn.

 

* Đến nay, giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 2008 đã bước sang tuổi thứ 9, xin ông cho biết những nét mới của giải năm nay và tầm quan trọng của giải đấu?

Có thể nói, giải Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ 9 đã thu hút số lượng lớn các địa phương tham dự. 31 đoàn là con số không hề nhỏ đối với một giải đấu cấp quốc gia. Nói về lượng, nó đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia tập luyện và đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên. Bên cạnh những môn thể thao hiện đại, NHM đã không quên những nét tinh hoa của võ thuật dân tộc và điều đáng mừng là những người yêu thích võ thuật cổ truyền đa số lại là những thanh, thiếu niên có tuổi đời còn rất trẻ.

Giải đấu năm nay được coi là bước đệm quan trọng, tích luỹ kinh nghiệm để các đơn vị đánh giá trình độ phát triển của mình và tìm ra những gương mặt sáng giá tham dự các giải đấu quan trọng trong năm như: giải Võ thuật cổ truyền các tỉnh phía Bắc (tổ chức vào tháng 7 tại Tập đoàn Y dược Bảo Long) và Festival Võ thuật cổ truyền lần 2 tại Bình Định. Đặc biệt, năm nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc ngăn chặn, xử lý và chống tiêu cực, bạo lực trong thi đấu thể thao, BTC giải đã yêu cầu các Trưởng đoàn tham dự giải phải làm một bản cam kết đảm bảo an ninh, trật tự trước khi giải diễn ra.

 

* Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của môn võ này, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu của đông đảo môn phái trong cả nước?

Hiện nay, phong trào tập luyện, thi đấu biểu diễn võ cổ truyền được phát triển rộng khắp ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững môn thể thao này và đối với riêng Việt Nam - cái nôi của võ thuật cổ truyền thì sự phát triển ấy ngày càng mạnh mẽ. Trước đây, khi chưa thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam (năm 2007), nhiều địa phương đã gây dựng phong trào và tổ chức thi đấu sôi nổi, nhiều đơn vị mạnh đã xuất hiện và là điểm sáng về đào tạo võ thuật cổ truyền Việt Nam như: Hà Tây, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên...

Đến nay, để đáp ứng phần nào nhu cầu tập luyện, thi đấu của những người yêu võ cổ truyền, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam xác định cần thường xuyên tổ chức các giải đấu trong nước, thi đấu giao hữu và mở lớp đào tạo về võ thuật cổ truyền. Đặc biệt, để tạo mạng lưới phát triển rộng khắp, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có chủ trương phối hợp với các địa phương, các ngành xây dựng các tuyến đào tạo và bồi dưỡng những tài năng cho đất nước.  

 

* Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất mà võ thuật cổ truyền Việt Nam cần khắc phục để đạt được những thành tựu to lớn hơn?

Chúng ta biết rằng, võ thuật cổ truyền Việt Nam là niềm tự hào dân tộc, có sự kết hợp hài hòa giữa võ thuật và văn hóa, trước xu hướng phát triển tất yếu của hợp tác quốc tế hiện đại, Võ thuật cổ truyền Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các ban ngành, địa phương trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam với bè bạn năm châu. Đây cũng chính là công việc cấp thiết để vận động thành lập được Liên đoàn quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam.

Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng công tác Trọng tài, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế; việc chuẩn hóa nội dung huấn luyện, thi đấu và Luật thi đấu võ cổ truyền Việt Nam cũng nhanh chóng cần hoàn thiện từ địa phương đến toàn quốc. 

 

* Xin cảm ơn ông!

 

 

 NPV

 

Ảnh trong bài
  •  Cần thường xuyên tổ chức các giải VTCT trong nước