Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic Malaysia Dato 'Shahrul Zaman Yahya cho biết, nước này đang tiến hành các cuộc thảo luận về việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung trong tương lai. Lần cuối cùng Malaysia tổ chức Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung vào năm 1998, khi đó thủ đô Kuala Lumpur là thành phố chủ nhà.
Phó Chủ tịch Dato 'Shahrul Zaman Yahya cũng khẳng định rằng tiến trình hợp lý là tổ chức Đại hội thể thao châu Á, tuy nhiên Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung cũng là một lựa chọn phù hợp khác.
Malaysia cũng thành lập một ủy ban thường trực xem xét việc tổ chức các sự kiện thể thao trong tương lai bởi tổ chức một sự kiện thể thao đa môn quốc tế lớn cần phải lên kế hoạch công phu để có thể tham gia vận động đăng cai. Nếu mục tiêu tổ chức Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung là quá khó khăn, Malaysia sẽ tính đến việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á.
Việc tổ chức thành công Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung rất thành công vào năm 1998 cũng là động lực để Malaysia tiếp tục tính toán đến mục tiêu tổ chức sự kiện này một lần nữa.
Hy vọng của Hội đồng Olympic Malaysia về việc tổ chức Đại hội thể thao châu Á trong vòng 15 năm tới đã không còn khả thi sau khi các phiên bản 2030 và 2034 lần lượt được trao cho Qatar và Ả Rập Xê-út.
Đại hội thể thao châu Á phiên bản năm 2038 hiện vẫn chưa được ấn định và chủ nhà của Đại hội thể thao thịnh vượng chung năm 2026 cũng bỏ ngỏ.
Hamilton là thành phố tiên phong cho cuộc vận động giành quyền đăng cai Đại hội thể thao thịnh vượng chung năm 2026, tuy nhiên sau đó lại quyết định chuyển hướng sang năm 2030- năm sẽ đánh dấu kỷ niệm một trăm năm Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung đầu tiên.
Phó Chủ tịch Dato 'Shahrul Zaman Yahya đánh giá cao sự phát triển của Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung đặc biệt là về số lượng VĐV tham gia.
Malaysia đã làm nên lịch sử vào năm 1998 khi trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đăng cai Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung. Ở thời điểm đó, Kuala Lumpur đã vượt qua thành phố Adelaide của Úc để giành quyền đăng cai.
Hơn 3.600 VĐV từ 70 quốc gia đã tham gia tranh tài tại Kuala Lumpur 1998 trong đó cricket, khúc côn cầu, bóng lưới và bóng bầu dục lần đầu tiên được giới thiệu tại Đại hội.
Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung có tác động rất lớn đến Malaysia với sự ra đời của Khu liên hợp thể thao quốc gia nay được gọi là Thành phố thể thao Kuala Lumpur được xây dựng để chuẩn bị cho sự kiện này trong tương lai. Khu liên hợp thể thao quốc gia là một trong những di sản vĩ đại nhất có được từ Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung năm 1998. Hệ thống giao thông công cộng phục vụ Đại hội ở thời điểm đó cũng được nâng cấp.
Ủy ban Olympic Indonesia hy vọng giải quyết các vấn đề mà Tổ chức chống doping thế giới đưa ra
Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia Raja Sapta Oktohari đã bày tỏ hy vọng rằng tình trạng không tuân thủ của Tổ chức chống doping quốc gia Indonesia có thể được dỡ bỏ trong vòng một tháng, điều này sẽ giúp xúc tiến việc đăng cai phiên bản thứ hai Đại hội thể thao bãi biển thế giới.
Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia đã xác nhận Indonesia là ứng cử viên duy nhất cho Đại hội thể thao bãi biển thế giới 2023 tại phiên họp Đại hội đồng của tổ chức.
Một Ủy ban đánh giá dự kiến sẽ đến thăm Indonesia vào cuối năm nay, với mục đích chính thức tuyên bố Indonesia là chủ nhà. Tổ chức chống doping Indonesia hiện bị liệt kê vào danh sách không tuân thủ khi không thực hiện hiệu quả chương trình kiểm tra do Tổ chức chống doping thế giới đưa ra.
Theo các điều khoản xử phạt của Tổ chức chống doping thế giới, Indonesia sẽ không được trao quyền tổ chức bất kỳ sự kiện khu vực, châu lục hoặc giải vô địch thế giới nào trong thời gian không tuân thủ. Điều đó có nghĩa là Indonesia chỉ có thể chính thức được trao quyền đăng cai Đại hội thể thao bãi biển thế giới nếu Tổ chức chống doping thế giới tuyên bố Tổ chức chống doping Indonesia tuân thủ quy tắc.
Chủ tịch Raja Sapta Oktohari đã được chính phủ Indonesia bổ nhiệm làm người đứng đầu nhóm công tác tăng tốc giải quyết các biện pháp trừng phạt của Tổ chức chống doping thế giới. Chủ tịch Raja Sapta Oktohari cho biết đã được chính phủ Indonesia giao toàn quyền giải quyết các vấn đề và đã nhận được sự hỗ trợ từ Chủ tịch Tổ chức chống doping thế giới Witold Banka và Tổng giám đốc Olivier Niggli sau một cuộc hội đàm tại Indonesia.
Chủ tịch Raja Sapta Oktohari cũng tin tưởng rằng với sự hướng dẫn của Tổ chức chống doping thế giới mọi việc có thể sớm được giải quyết. Lệnh cấm này cũng là cơ hội tốt để Tổ chức chống doping Indonesia nâng cấp trở thành một tổ chức đáng tin cậy và chuyên nghiệp hơn.
Có 24 hạng mục và hầu hết trong số này đã được hoàn thành và sắp tới Tổ chức chống doping Indonesia cần hoàn thành 122 mẫu kiểm tra doping cho các VĐV nước này.
Chủ tịch Raja Sapta Oktohari cho biết việc giải quyết vấn đề này sẽ là chìa khóa quan trọng với việc Indonesia sẽ tổ chức một số sự kiện thể thao sắp tới, bao gồm MotoGP, Cúp leo núi thể thao thế giới, Cúp bóng đá thế giới cho lứa tuổi dưới 20 và các trận đấu của giải bóng rổ Liên đoàn bóng rổ quốc tế năm 2023. Đại hội thể thao bãi biển thế giới là sự kiện mới nhất được thêm vào danh mục đăng cai tổ chức của Indonesia.
Indonesia đã tổ chức phiên bản đầu tiên của Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Bali vào năm 2008, đây là sự kiện tiền thân của Đại hội thể thao bãi biển thế giới.
Chủ tịch Raja Sapta Oktohari cho biết Indonesia sử dụng kinh nghiệm tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á tại Bali vào năm 2008 cho việc tổ chức phiên bản thứ hai của Đại hội thể thao bãi biển thế giới trên đảo Sulawesi.
Đại hội thể thao châu Á diễn ra ở Jakarta và Palembang, trong khi Đại hội thể thao bãi biển châu Á diễn ra ở Bali. Bây giờ Indonesia muốn giới thiệu một hòn đảo mới ở Sulawesi, hòn đảo này là nơi hoàn hảo với biển đẹp và là một điểm nổi tiếng để lặn biển. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện lớn.
Đại hội thể thao bãi biển thế giới cũng thể hiện nền văn hóa và lòng hiếu khách của Indonesia. Nhiều người biết đến Bali là đại diện cho Indonesia nhưng đất nước này không chỉ có Bali mà còn có rất nhiều nơi và nhiều nền văn hóa khác nhau.
Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè 2032 sau khi tổ chức Á vận hội 2018 tại Jakarta và Palembang. Mặc dù quyền tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè 2032 đã được Ủy ban Olympic quốc tế trao cho Brisbane nhưng Indonesia vẫn đang đối thoại liên tục vì Tổng thống Joko Widodo vẫn muốn đăng cai sự kiện này.
Chủ tịch Raja Sapta Oktohari sẵn sàng để đăng cai sự kiện này ngay thời điểm này với kinh nghiệm và cơ sở vật chất tổ chức Á vận hội. Nếu không được, Indonesia sẽ chuyển mục tiêu sang năm 2036.
Hướng đến Thế vận hội Olympic và Paralympic là mục tiêu chính của Indoneisa nhưng việc đăng cai các kỳ Cúp thế giới và Đại hội thể thao bãi biển sẽ giúp thúc đẩy phong trào Olympic và thúc đẩy thể thao Indonesia.
A.T