Trung tâm thể thao và nhân quyền công bố chiến lược hội tụ năm 2025

Chiến lược Hội tụ năm 2025 là một phần của kế hoạch chiến lược cho giai đoạn 2021-2025 của Trung tâm thể thao và nhân quyền. Chiến lược mới sẽ được trình bày và thảo luận tại Diễn đàn cơ hội thể thao, hội nghị thường niên của Trung tâm thể thao và nhân quyền.

Chiến lược mô tả cách Trung tâm thể thao và nhân quyền giải quyết những thách thức hiện tại trong lĩnh vực thể thao và nhân quyền thông qua các hoạt động được thực hiện với sự hợp tác của một mạng lưới cá nhân và tổ chức toàn cầu đa dạng.

Các ưu tiên chiến lược của Trung tâm thể thao và nhân quyền trong bốn năm tới là khuyến khích tư duy đổi mới về thể thao và quyền con người, tăng cường các hệ thống và thực hành trong thể thao để phù hợp với trách nhiệm nhân quyền, giải quyết các thực hành có hại và thúc đẩy hành động tập thể.

Mary Harvey, giám đốc điều hành Trung tâm thể thao và nhân quyền bày tỏ lòng biết ơn Hội đồng quản trị và tất cả các bên liên quan vì sự hợp tác và tham gia vào việc phát triển lộ trình của Trung tâm trong những năm tới. Hội tụ 2025 là về việc cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn.

Trung tâm thể thao và nhân quyền ra mắt vào tháng 6/2018 với mục tiêu hướng tới một thế giới thể thao tôn trọng đầy đủ quyền con người bằng cách chia sẻ kiến ​​thức, nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm của tất cả các bên thông qua hành động tập thể.

Trung tâm thể thao và nhân quyền đã hoàn thiện cơ quan quản lý gồm 09 thành viên và trở thành một hiệp hội phi lợi nhuận độc lập, có trụ sở tại Geneva. Trung tâm do Mary Robinson, cựu Tổng thống Ireland và cựu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc làm chủ tịch.

Liên đoàn bóng đá thế giới kêu gọi các cầu thủ chấp nhận tiêm vắc xin COVID-19 

Liên đoàn bóng đá thế giới đã kêu gọi các cầu thủ tiêm phòng COVID-19 trong bối cảnh lo ngại về tỷ lệ tiếp nhận thấp ở một số giải đấu quốc nội hàng đầu thế giới. Đồng thời tổ chức này cũng tán thành quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới rằng tiếp cận an toàn, công bằng và bình đẳng là rất quan trọng ở tất cả các quốc gia.

Cùng với đó, Liên đoàn bóng đá thế giới cũng hoan nghênh một thỏa thuận đạt được giữa giải ngoại hạng Anh và Chính phủ Anh, trong đó cho phép các cầu thủ đã được tiêm phòng đầy đủ đến các quốc gia nằm trong danh sách đỏ. Các cầu thủ sẽ có thể tập luyện và thi đấu trong thời gian cách ly 10 ngày khi họ trở về từ các quốc gia, bao gồm Argentina và Brazil.

Theo dữ liệu gần đây nhất, 07 trong số 20 CLB của giải ngoại hạng Anh có hơn một nửa số cầu thủ đã được tiêm phòng đầy đủ. Liên đoàn bóng đá thế giới cho biết đã làm việc chặt chẽ với Chính phủ, Liên đoàn bóng đá Anh và giải ngoại hạng Anh để tìm ra một giải pháp hợp lý, vì lợi ích của tất cả mọi người và tin rằng đây là một giải pháp đáng mong đợi. Liên đoàn bóng đá thế giới tin rằng đây là một bước đi tích cực và đúng hướng. Tổ chức này đánh giá cao những hỗ trợ và hợp tác từ tất cả các bên liên quan trong giai đoạn đầy thử thách. Đồng thời cam kết cải thiện hơn nữa tình hình và tham gia các cuộc thảo luận để giải thích thêm về những biện pháp đang thực hiện để giảm rủi ro lây truyền COVID-19 vào cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia Albania thăm trại tị nạn Afghanistan và cam kết hỗ trợ thông qua thể thao 

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc gia Albania Fidel Ylli đã đến thăm một trại tị nạn Afghanistan ở thành phố Durrës và cam kết tổ chức các hoạt động giúp những người tị nạn hòa nhập vào xã hội Albania.

Tham gia vào chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Ylli còn có Chủ tịch Liên đoàn xe đạp Albania Skender Anxhaku, Tổng thư ký Alfred Tahiraj và các quan chức của Ủy ban Olympic Afghanistan hiện đang sống ở Albania.

Ủy ban Olympic Quốc gia Albania cho biết: có hàng chục VĐV các môn thể thao như quyền anh, bơi lội và xe đạp đến từ Afghanistan. Chủ tịch Fidel Ylli bày tỏ sự ủng hộ đối với các VĐV tại trại và cho rằng một trong những cách tốt nhất để hòa nhập là thông qua các môn thể thao của chính họ.

Ủy ban Olympic Quốc gia Albania cũng đã cam kết tổ chức các cuộc thi đấu thể thao với trọng tâm chính là sự hòa nhập của các VĐV Afghanistan.

Albania cho biết họ đã cam kết tiếp nhận tới 4.000 người tị nạn từ Afghanistan. Hàng nghìn người tị nạn đã chạy khỏi Afghanistan sau khi Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8.

Các VĐV Paralympic Tây Ban Nha được vinh danh 

Các thành viên của đoàn thể thao Paralympic Tây Ban Nha tham dự Tokyo 2020 đã tham dự một buổi chiêu đãi tại Trung tâm người khuyết tật Envera. Tại đây các cá nhân đã được vinh danh vì những thành tích mà họ đã đạt được tại Thế vận hội Paralympic mùa hè.

Trung tâm người khuyết tật Envera đặt tại Colmenar Viejo, cách Madrid 30 km về phía bắc, là một trong 07 cơ sở hoạt động bởi tổ chức phi lợi nhuận. Sứ mệnh của Envera là hòa nhập những người khuyết tật vào nơi làm việc và xã hội, cung cấp các lĩnh vực hỗ trợ bao gồm chăm sóc, đào tạo, bố trí việc làm, nơi ở, các hoạt động giải trí và thể thao.

Trung tâm người khuyết tật Envera được thành lập vào năm 1977 bởi các nhân viên của hãng hàng không Iberia. Mục tiêu sáng lập xuất phát từ sự ủng hộ Ủy ban Paralympic Tây Ban Nha.

Trong số các VĐV Paralympic được vinh danh có Alba García, Eduardo Uceda, Jorge Gutiérrez và Sara Revuelta. Sara Revuelta - thành viên đội bóng rổ xe lăn nữ của Tây Ban Nha, cho biết "Tôi cảm thấy mình giống như một VĐV bình thường”.  Sara Revuelta cũng bày tỏ lời cảm ơn Envera, Iberia và các nhà tài trợ, những người ủng hộ khác đã luôn đồng hành.

Các nhà lãnh đạo Envera bao gồm Chủ tịch José Antonio Quintero cam kết duy trì sự ủng hộ đối với các VĐV người khuyết tật và đảm bảo quyền tiếp cận thể thao cho tất cả mọi người.

Tây Ban Nha đã giành được 36 huy chương tại Thế vận hội Paralympic mùa hè Tokyo 2020 trong đó có 9 HCV.

Công viên Olympic Munich được đề xuất công nhận là Di sản thế giới của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc 

Công viên Olympic ở Munich, tâm điểm của Thế vận hội Olympic 1972 và sẽ là trung tâm khi thành phố tổ chức giải vô địch châu Âu đa môn thể thao vào năm tới, đang được đề xuất trở thành di sản thế giới của Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc.

Hội đồng Bộ trưởng Bavaria đã đưa ra quyết định cuối cùng là Công viên Olympic ở Munich sẽ trở thành di sản thế giới vào năm 2024 sau một quá trình lựa chọn nội bộ. Các khu vực được Liên hợp quốc gắn thẻ được bảo vệ pháp lý nhất định và được Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục trao tặng vì có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, khoa học hoặc một hình thức khác.

Bộ trưởng Bộ khoa học và nghệ thuật bang Bavaria Bernd Sibler cho biết: “Công viên Olympic ở Munich được xây dựng trên một đống đổ nát từ chiến tranh thế giới thứ hai nơi các nạn nhân của cuộc chiến được tưởng niệm cho đến ngày nay. Với kiến ​​trúc hiện đại kết hợp giá trị văn hóa, công trình là hiện thân của tinh thần hòa bình và cộng đồng của Olympic đồng thời cũng là lời nhắc nhở thường trực cho một cuộc tấn công vô nhân tính. Cả hai đều có giá trị phổ quát đặc biệt”.

Công viên Olympic sẽ cụm địa điểm chính của giải vô địch châu Âu 2022, diễn ra 50 năm sau Munich 1972. Khoảng 4.700 VĐV sẽ tham gia tranh tài 176 nội dung thi đấu của Munich 2022.

A.T