Đây là lần thứ 5 liên tiếp đoàn thể thao Paralympic Trung Quốc thống trị bảng tổng sắp huy chương. Lần đầu tiên là vào năm 2004 tại Athens với 63 HCV.
Trung Quốc đã cử tới Tokyo 2020 437 thành viên, bao gồm các VĐV, huấn luyện viên và nhân viên hỗ trợ. Trong số 251 VĐV, có 132 VĐV nữ.
Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons khẳng định: Thế vận hội Paralympic mùa hè Tokyo 2020 không chỉ là sự kiện mang tính lịch sử mà còn có ý nghĩa rất tuyệt vời. Trong 12 ngày thi đấu, các VĐV đã mang đến cho thế giới niềm tin, hạnh phúc và hy vọng. Điều quan trọng là các VĐV đã góp phần thay đổi cuộc sống.
Nước chủ nhà Nhật Bản đứng thứ 11 trên bảng tổng sắp huy chương, với 13 HCV trong tổng số 51 huy chương. Tổng cộng có 4.403 VĐV đến từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài ở 539 nội dung thi đấu của 22 môn thể thao Paralympic tại Tokyo.
Sapporo được kỳ vọng sẽ thành công trong cuộc vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic mùa đông 2030
Trưởng Ban tổ chức Tokyo 2020 Seiko Hashimoto hy vọng nỗ lực của Sapporo trong quá trình vận động đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông 2030 có thể trở thành hiện thực, đặc biệt là khi Nhật Bản muốn tổ chức một Thế vận hội khác trong tương lai rất gần.
Tokyo là thành phố đầu tiên tổ chức hai kỳ Thế vận hội Paralympic mùa hè, lần đăng cai thứ nhất là vào năm 1964. Nhật Bản mong muốn có thể tổ chức Thế vận hội Olympic một lần nữa trong thời gian 09 năm tới và Sapporo được coi là ứng cử viên nặng ký để đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông 2030.
Sapporo đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Olympic Nhật Bản để tham gia vận động giành quyền đăng cai tổ chức sự kiện nêu trên. Một phái đoàn gồm các quan chức Nhật Bản đã gặp gỡ với Ủy ban các Thế vận hội Olympic mùa đông thuộc Ủy ban Olympic quốc tế, tổ chức chịu trách nhiệm xác định và đề xuất các địa điểm tiềm năng cho Thế vận hội Olympic mùa đông.
Sapporo là một trong ba thành phố đã xác nhận quan tâm đến việc tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông trong tương lai cùng với Thành phố Salt Lake và Barcelona. Lần cuối cùng Sapporo tổ chức Thế vận hội Olympic mùa đông là vào năm 1972.
Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế Andrew Parsons cho biết: Nhật Bản cũng mong muốn tổ chức giải vô địch điền kinh Paralympic thế giới vào năm 2022 với ứng cử viên chủ nhà là thành phố Kobe. Cũng theo
Chủ tịch Andrew Parsons "Kobe là ứng cử viên nặng ký cho Giải vô địch điền kinh thế giới Paralympic vào năm sau. Thời gian tổ chức cụ thể hiện vẫn đang trong quá trình thảo luận".
Paris 2024 chính thức gửi yêu cầu tạo biểu tượng cảm xúc cho một số môn thể thao Paralympic
Ban tổ chức Thế vận hội Paralympic Paris 2024 đã chính thức gửi yêu cầu tạo ngôn ngữ biểu tượng cảm xúc cho một số môn thể thao Paralympic để đảm bảo sự đại diện hơn nữa cho cộng đồng người khuyết tật.
Đề xuất đã được nhiều VĐV nổi tiếng trên toàn thế giới cũng như Ủy ban Paralympic quốc tế và Ủy ban Paralympic và thể thao Pháp tán thành. Yêu cầu đã được gửi đến Unicode Consortium để bổ sung bốn biểu tượng cảm xúc Para sport vào ngôn ngữ phổ biến hiện nay.
Unicode Consortium có trụ sở tại California là một tập đoàn phi lợi nhuận hoạt động nhằm phát triển, duy trì và thúc đẩy các tiêu chuẩn và dữ liệu quốc tế hóa phần mềm.
Điền kinh, bóng bầu dục, bơi và quần vợt trên xe lăn là bốn môn thể thao mà Ban tổ chức Paris 2024 đề xuất. Biểu tượng cảm xúc hiện là một phần thiết yếu của giao tiếp hàng ngày trên toàn thế giới. Trong những năm gần đây, biểu tượng cảm xúc ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội.
Trưởng Ban tổ chức Paris 2024 Tony Estanguet tin tưởng rằng Paris 2024 có thể là động lực mạnh mẽ để người khuyết tật hòa nhập xã hội, chấp nhận bản thân và cởi mở với người khác.
Dự án biểu tượng cảm xúc phản ánh cam kết của Paris 2024 trong việc mang đến cho Thế vận hội Olympic và Paralympic sự công bằng và lần đầu tiên một biểu tượng chung cho cả hai Thế vận hội sẽ ra đời.
Ban tổ chức Paris 2024 đang kêu gọi mọi người trên khắp thế giới ủng hộ sáng kiến này bằng cách thể hiện sự ủng hộ của họ trên phương tiện truyền thông xã hội với thẻ bắt đầu bằng # ParaEmojis2024.
Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã truyền đi cảm hứng tuyệt vời và lòng can đảm
Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo cho biết: Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã mang lại nguồn cảm hứng tuyệt vời về lòng dũng cảm trong thời điểm khó khăn của đại dịch COVID -19.
“Cảnh tượng của các VĐV đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đã góp phần mang lại hy vọng cho tương lai và cho thế giới thấy sự can đảm và nguồn cảm hứng tuyệt vời giữa đại dịch”, Thống đốc Yuriko Koike bày tỏ sự vui mừng vì có thể đưa Thế vận hội Paralympic đến chặng kết thúc thành công.
Thống đốc Yuriko Koike cũng bày tỏ lời cảm ơn tới các VĐV và mọi người trên toàn thế giới vì sự ủng hộ và đồng hành đã góp phần làm nên thành công này.
Thống đốc Yuriko Koike và thủ đô Nhật Bản đã nhận được sự đánh giá cao khi tổ chức thành công Thế vận hội Paralympic mùa hè sau 18 tháng đầy khó khăn do đại dịch COVD -19 gây ra. Sự kiện này cũng được đánh giá là khoảnh khắc chia sẻ giữa tất cả các quốc gia trên thế giới rất cần ở thời điểm khó khăn này. Tokyo 2020 đã nhóm lên hy vọng rằng thế giới sẽ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe này.
Tokyo 2020 còn là một ví dụ điển hình về "sự phục hồi bền vững" từ COVID-19. Sự phục hồi bền vững sau đại dịch, không chỉ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà còn bao gồm sự bền vững của cuộc sống theo mọi cách cũng như quyết tâm thực hiện các sáng kiến hỗ trợ mục tiêu này.
Thế vận hội Olympic và Paralympic kết thúc thành công thực sự là niềm tự hào của quốc gia chủ nhà
Seiko Hashimoto, Trưởng Ban tổ chức Tokyo 2020, đã chia sẻ niềm tự hào của mình khi được góp phần tham gia đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic trong điều kiện khó khăn do những thách thức của dịch bệnh COVID-19.
Kể từ khi Thế vận hội bắt đầu, số ca nhiễm COVID-19 mới ở Tokyo và các khu vực khác của Nhật Bản nhiều lần đạt mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại. Đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội Olympic và Paralympic đang diễn ra và đông đảo công chúng Nhật Bản lo lắng về tác động của sự kiện thể thao lớn này.
Vào ngày 23/7, ngày khai mạc Thế vận hội, Nhật Bản đã ghi nhận 5.529 ca nhiễm COVID-19. Số ca mắc mới hàng ngày đạt đỉnh điểm là hơn 26.000 ca, trong khi Nhật Bản chưa bao giờ có hơn 8.000 ca mới hàng ngày trước Thế vận hội Olympic.
Thế vận hội Paralympic mùa hè Tokyo 2020 kết thúc cũng là lúc Ban tổ chức có thể khẳng định kỳ tích về việc tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới sau một năm trì hoãn mà không gặp vấn đề gì lớn.
Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020 có tổng cộng khoảng 15.000 VĐV từ khắp nơi trên thế giới tham dự và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan của COVID -19. Khán giả không được phép có mặt trong hầu hết mọi sự kiện ở bất kỳ tỉnh nào đang trong tình trạng khẩn cấp.
A.T