Quyết định được xác nhận sau cuộc họp của Ủy ban điều hành Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia diễn ra bên thềm Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020. Ủy ban Olympic Hy Lạp và Bộ Thể thao Hy Lạp đã chấp thuận để tổ chức sự kiện.
Athens dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp quan trọng, nơi quy tụ của 206 Ủy ban Olympic quốc gia từ ngày 23 đến 25/10, được tiến hành sớm hơn so với các ngày dự kiến ban đầu tại Seoul là ngày 26 đến 27/10.
Sự kiện này đã bị hoãn lại từ năm ngoái vì đại dịch, sẽ được chuyển khỏi thủ đô của Hàn Quốc khi đất nước này đang phải vật lộn với sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm mới COVID-19, gây ra bởi sự lây lan của biến thể Delta.
Athens được đánh giá là một địa điểm đăng cai phù hợp cho cuộc họp nêu trên sau khi tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng của Ủy ban Olympic châu Âu vào tháng 6 vừa qua, cuộc họp trực tiếp có quy mô lớn nhất trong Phong trào Olympic kể từ khi đại dịch xảy ra vào tháng 3 năm ngoái.
Thủ đô của Hy Lạp cũng dự kiến tổ chức Phiên họp của Ủy ban Olympic quốc tế vào đầu năm nay trước khi được chuyển sang hình thức trực tuyến. Thay vào đó, Athens sẽ tổ chức kỳ họp vào năm 2025, thời điểm bầu người kế nhiệm Thomas Bach làm Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế.
Trong số các nội dung sẽ được đưa thảo luận tại phiên họp Đại hội đồng sẽ là quy trình vận động đăng cai cho các sự kiện Đại hội thể thao bãi biển thế giới vào các năm 2023 và 2025. Một số Ủy ban Olympic quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc vận động đăng cai các phiên bản tiếp theo của sự kiện này sau thành công của phiên bản đầu tiên ở Doha vào năm 2019.
Hội đồng điều hành cũng đã thông qua các quy định của Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia liên quan tới Đại hội thể thao bãi biển thế giới, các quy tắc chống doping để trình lên Đại hội đồng thông qua.
Ngoài ra, Hội đồng điều hành đã thông qua những thay đổi đối với Hiến pháp Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia, bao gồm việc cho phép tổ chức các Hội đồng chung trực tuyến toàn phần hoặc một phần và đảm bảo tối thiểu 30% đại diện giới trong Hội đồng điều hành Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia. Những sửa đổi này cũng sẽ được trình lên Đại hội đồng để thông qua.
Quyền Chủ tịch Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia Robin Michell bày tỏ sự vui mừng khi có thể tổ chức cuộc họp Hội đồng điều hành bằng hình thức trực tiếp sau một thời gian dài tại Tokyo, nơi Thế vận hội Olympic đang thống nhất thế giới thông qua thể thao, trong thời điểm khó khăn như vậy.
"Có nhiều vấn đề quan trọng mà chúng tôi đã thảo luận, từ tương lai của Đại hội thể thao bãi biển thế giới đến đề xuất sửa đổi Hiến pháp nhằm hỗ trợ nỗ lực hướng tới bình đẳng giới. Chúng tôi muốn cảm ơn Ủy ban Olympic quốc gia Hàn Quốc vì sự hỗ trợ và hợp tác liên tục trong việc cố gắng tìm ra các giải pháp để tổ chức phiên họp Đại hội đồng ở Seoul cũng như Athens đã đồng ý thay thế Hàn Quốc tổ chức sự kiện quan trọng này. Sau cuộc họp trực tiếp của Hội đồng điều hành, chúng tôi rất mong được gặp gỡ các đại diện Ủy ban Olympic quốc gia tại Athens và thảo luận về các vấn đề cấp bách mà họ phải đối mặt và cách Hiệp hội các Ủy ban Olympic quốc gia có thể hỗ trợ để khắc phục chúng”, Quyền Chủ tịch Robin Michell nhấn mạnh.
Cơ quan liêm chính điền kinh cấm 10 VĐV Nigeria tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020
Nigeria là quốc gia đương kim vô địch Đại hội thể thao châu Phi ở nội dung tiếp sức 4x100m nữ. Nhưng chỉ có hai trong số các VĐV được chọn tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020. Theo đó, cơ quan liêm chính điền kinh đã ra tuyên bố liên quan tới việc 10 VĐV Nigeria không đủ điều kiện tham dự Thế vận hội vì không tham gia đầy đủ các đợt kiểm tra doping nghiêm ngặt trong giai đoạn chuẩn bị tới Tokyo 2020.
10 VĐV Nigeria nằm trong số 20 VĐV từ 07 quốc gia được coi là có nguy cơ cao liên quan đến doping đã không được phép tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020. 03VĐV của Ukraine, 01 của Maroc, 01 của Ethiopia và 3 VĐV của Belarus cũng đã bị gạch tên khỏi danh sách tham dự.
02 VĐV Kenya cũng được coi là không đủ điều kiện, nhưng Điền kinh Kenya đã kịp thay thế thành viên trước thời hạn cuối cùng mà tổ chức điền kinh thế giới công bố.
Bahrain là quốc gia đứng cuối cùng của nhóm A, thế nhưng tất cả 13 VĐV của nước này đều không được phép tham gia tranh tài.
Các Liên đoàn thể thao quốc gia nhóm A được cơ quan liêm chính điền kinh coi là dễ bị vi phạm quy tắc phòng, chống doping nhất, chính vì vậy phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt nhất định để có thể cử VĐV tham dự Thế vận hội Olympic hoặc giải vô địch thế giới.
Trong trường hợp này, tất cả các VĐV bị từ chối trên cơ sở Quy tắc 15 của Liên đoàn thể thao quốc gia về nghĩa vụ phòng, chống doping. Được áp dụng vào năm 2019, các quy định nêu rõ rằng trong 10 tháng trước khi Thế vận hội chính thức diễn ra, bất kỳ VĐV nào thuộc quốc gia nhóm A cần phải thực hiện ít nhất ba cuộc kiểm tra doping và các cuộc kiểm tra này phải được thực hiện cách nhau ít nhất ba tuần.
20 VĐV được coi là không đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 đã không tuân theo các tiêu chuẩn kiểm tra này.
Nhà vô địch 100m vượt rào Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung Tobi Amusan nằm trong số các VĐV Nigeria không được phép tham gia tranh tài tại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020.
Nigeria đã được thêm vào danh sách nhóm A vào năm 2020, cùng với Maroc cùng 05 quốc gia khác. Bên cạnh việc không cho phép các VĐV tham dự Tokyo 2020 do không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống doping, cơ quan liêm chính điền kinh cũng đã khẳng định toàn bộ các quốc gia nhóm A đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận, trong đó có cả lĩnh vực phòng, chống doping. Theo đó, hơn 1.600 bài kiểm tra ngoài thi đấu được thực hiện trong nước, các đợt kiểm tra quốc tế của của cơ quan liêm chính điền kinh đối với 07 quốc gia kể từ đầu năm 2021.
David Howman, Chủ tịch Hội đồng cơ quan liêm chính điền kinh cho biết: “Các Liên đoàn thể thao quốc gia phải nắm rõ vai trò của mình trong việc hỗ trợ các nỗ lực chống doping. Các quy định về tính đủ điều kiện cho các VĐV từ các quốc gia 'nhóm A' là rất rõ ràng và việc tuân thủ là điều cần thiết để củng cố những thay đổi lâu dài và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các VĐV trong sạch.
Chủ tịch David Howman nhấn mạnh rằng đã có những cải thiện đáng kể trong nỗ lực chống doping ở hầu hết các quốc gia 'nhóm A' nhờ quy định này. Rõ ràng là các Liên đoàn thể thao quốc gia có sự phối hợp với Tổ chức chống doping quốc gia, bắt đầu coi trọng trách nhiệm kiểm tra của mình nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
A.T