Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 sẽ là một sự kiện "long trọng"

Đó là tuyên bố của Trưởng Ban tổ chức Seiko Hashimoto về sự kiện quan trọng nhất của kỳ Thế vận hội Olypic mùa hè lần thứ 32. Theo đó Lễ khai mạc Tokyo 2020 sẽ là một sự kiện"long trọng" hơn là một lễ hội.

Các VĐV sẽ diễu hành vào Sân vận động quốc gia Nhật Bản nơi Hoàng đế Nhật Bản Naruhito dự kiến ​​sẽ tuyên bố khai mạc Thế vận hội Olympic. Sẽ không có người hâm mộ nào tham dự sự kiện và ghế ngồi chỉ dành cho các quan chức, nhà ngoại giao, thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế và các nhà tài trợ Olympic như một biện pháp để giảm thiểu nguy cơ lây lan COVID-19.

Tokyo 2020 coi Thế vận hội Olympic và Paralympic lần này là sự kiện "phục hồi và tái thiết" sau trận động đất và sóng thần liên tiếp vào tháng 3/2011, nhưng mục tiêu này đã bị đại dịch COVID-19 làm lu mờ. Thay vì đó, chủ đề chính của cả Lễ Khai mạc và Bế mạc đã được công bố là "Tiến lên phía trước", đề cập đến thông điệp không khuất phục trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khiến Tokyo 2020 phải hoãn lại một năm.

Tuy nhiên, Trưởng Ban tổ chức Hashimoto cũng cho biết sự phục hồi từ trận động đất vẫn sẽ được nêu bật tại Lễ khai mạc. Vì tình hình đại dịch này, Ban tổ chức muốn càng nhiều người càng tốt thấu hiểu tình trạng của sự phục hồi. Chính vì vậy buổi Lễ Khai mạc sẽ không phải là một lễ hội và là một buổi lễ long trọng toát lên tinh thần phục hồi.

Trưởng Ban tổ chức Hashimoto cũng thừa nhận Thế vận hội Olympic mùa hè đã bị hoãn lại một năm và chúng tôi đã rất bận rộn đối phó với COVID-19 trong năm qua. Nếu không có sự phục hồi, Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo sẽ không thể thành công. Khi nói đến sự phục hồi của Tōhoku, cách Tōhoku đang xây dựng lại chính mình và chúng tôi biết ơn thế giới vì sự hỗ trợ. Ban tổ chức và Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực tổ chức Tokyo 2020 vì mục đích này.

Trưởng Ban tổ chức Hashimoto tin tưởng rằng sẽ có những dự án mới cho khu vực Tōhoku như một di sản của Thế vận hội. Nếu không có điều đó, Thế vận hội Tokyo 20202 sẽ trở nên vô nghĩa. Chỉ bằng cách làm như vậy, chúng tôi mới có thể mang lại hy vọng cho tương lai.

Tokyo 2020 có thể "khơi dậy quyết tâm" chấm dứt đại dịch COVID-19 

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó tuyên bố Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 có thể "thổi bùng sự đoàn kết và quyết tâm" cần thiết để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Trong bài phát biểu quan trọng của mình trước phiên họp của Ủy ban Olympic quốc tế tại Okura Tokyo, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo về đại dịch buộc kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè còn lâu mới kết thúc.

Tiến sĩ Tedros đã đưa ra tuyên bố rằng Thế vận hội Olympic có thể là một "lễ kỷ niệm của hy vọng". Sự kiện là khoảnh khắc đoàn kết thế giới, khơi dậy sự đoàn kết và quyết tâm mà chúng ta cần cùng nhau chấm dứt đại dịch, bằng cách tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm tới." Tiến sĩ Tedros, một nhà sinh vật học người Ethiopia, tuyên bố đại dịch "sẽ kết thúc khi thế giới quyết định kết thúc nó".

Ủy ban Olympic quốc tế cũng khẳng định các quy tắc COVID-19 nghiêm ngặt mà Tổ chức Y tế thế giới đã giúp phát triển đang được triển khai tại Tokyo 2020.

Tiến sĩ Tedros khẳng định “Trong lịch sử 125 năm của Thế vận hội Olympic mùa hè hiện đại, đã có sự xuất hiện của chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và bất ổn địa chính trị nhưng chưa bao giờ sự kiện này được tổ chức trong bóng tối của một đại dịch. Và mặc dù COVID-19 có thể đã trì hoãn Thế vận hội Olympic nhưng không thể đánh bại.

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận các kế hoạch, sự dự phòng cũng như những hy sinh mà Ủy ban Olympic quốc tế, Ban tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, chính phủ và người dân Nhật Bản, các đoàn thể thao Olympic và các VĐV đã thực hiện để làm cho Thế vận hội diễn ra an toàn nhất có thể.

Tổ chức Y tế thế giới rất vui được đóng vai trò tư vấn kỹ thuật cho Ủy ban Olympic quốc tế, và chủ nhà Nhật Bản trong quá trình chuẩn bị tổ chức, đồng thời hy vọng rằng sự kiện sẽ thành công không chỉ về công tác tổ chức mà còn vì sự an toàn của các VĐV, HLV và các quan chức. Đây là minh chứng cho kết quả của các kế hoạch phù hợp và các biện pháp phù hợp

Trong cuộc sống không thể không có rủi ro, chỉ có rủi ro nhiều hơn hoặc ít rủi ro hơn. Ủy ban Olympic quốc tế, và chủ nhà Nhật Bản đã làm hết sức mình. Dấu hiệu của sự thành công là đảm bảo rằng bất kỳ trường hợp nào được xác định dương tính cần được cách ly, truy tìm và chăm sóc càng nhanh càng tốt và quá trình lây nhiễm sẽ bị dập tắt.

Chủ tịch Thomas Bach mời các VĐV ký kết vào bức tranh tường hòa bình tại Làng Olympic Tokyo 2020 

Đây là một nghi thức theo thông lệ tại các kỳ Thế vận hội Olympic. Chủ tịch Thomas Bach cho biết: “Bức tranh tường hòa bình tại trung tâm của Làng Olympic thể hiện tinh thần Olympic sống động. Các VĐV cho chúng ta thấy rằng, bất chấp tất cả những khác biệt, con người có thể chung sống trong hòa bình. Đây là thông điệp Olympic, có thể cạnh tranh với nhau trong thi đấu để giành vị trí cao nhất, nhưng đồng thời phải cùng nhau chung sống hòa bình dưới một mái nhà trong Làng Olympic. Chính vì tinh thần Olympic này, tôi mời bạn để lại chữ ký của mình trên Bức tranh tường hòa bình Olympic, để thể hiện cam kết của bạn trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và hòa bình hơn thông qua thể thao."

Lễ khánh thành và ký vào bức tranh tường hòa bình có sự tham gia của Thị trưởng Làng Saburo Kawabuchi, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, đại diện của Ủy ban điều phối Tokyo 2020 và Trưởng Ban tổ chức Tokyo 2020 Seiko Hashimoto.

Thống đốc Koike cho biết: “Giờ là lúc chúng ta chung tay và truyền lại ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa bình cho các thế hệ sau. Cùng với việc tôn vinh thể thao, Thế vận hội Olympic còn là sự tôn vinh hòa bình vượt ra ngoài biên giới dân tộc và quốc gia. Tôi tin rằng chính vì thế giới đề cao và tôn trọng những giá trị này của Thế vận hội Olympic mà rất nhiều quốc gia đã có thể vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 để tập trung tại Tokyo.”

Bức tranh tường hòa bình trong ngôi làng đã trở thành một truyền thống để ủng hộ Thỏa thuận ngừng bắn Olympic có hiệu lực ba ngày trước khi Thế vận hội Olympic chính thức diễn ra.

Mặc dù mỗi chu kỳ Thế vận hội Olympic là khoảng thời gian bốn năm, tuy nhiên Thỏa thuận ngừng bắn chỉ có hiệu lực từ thời điểm ba ngày trước khi diễn ra Thế vận hội Olympic cho đến khi kết thúc Thế vận hội Paralympic.

Trưởng Ban tổ chức Tokyo 2020 Hashimoto cho biết: “Với sự xuất hiện của các đại diện từ khắp nơi trên thế giới tại Tokyo, tôi tin rằng thời kỳ đen tối và chia rẽ do sự lây lan của COVID-19 đang dần kết thúc và một kỷ nguyên mới của hòa bình và đoàn kết sẽ bắt đầu. Ở đây, ở Tokyo, tôi hy vọng các VĐV sẽ góp chữ ký của họ trên bức tranh tường, như tiếng nói của Thế vận hội Olympic vì hòa bình trên toàn thế giới."

A.T