Các thành viên cũng thống nhất thời gian diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên đoàn thể thao đại học châu Á là vào tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó, các đại biểu dự họp cũng thống nhất rằng giải vô địch nhảy cổ vũ các trường đại học châu Á sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự phối hợp cùng Hội đồng thể thao các trường đại học Hàn Quốc và Hiệp hội cổ vũ Hàn Quốc.
Các đại biểu dự họp cũng đã được nghe báo cáo về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với thể thao quốc tế. Theo đó sẽ rất khó khăn cho các đoàn thể thao có thể tham gia giải vô địch thể thao các trường đại học châu Á nếu tổ chức trong năm nay.
Tổng thư ký Liên đoàn thể thao đại học châu Á Kenny Chow bày tỏ quan điểm rằng việc hủy và hoãn các sự kiện thể thao đã được lên lịch là rất khó khăn đối với không chỉ Ban điều hành mà còn đối với Ban tổ chức các sự kiện này, các VĐV là sinh viên và các bên liên quan khác, những người đã và đang nỗ lực để tổ chức giải đấu.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho tất cả những người liên quan thì đó là điều nên làm. Từ thực tế này, Liên đoàn thể thao đại học châu Á cũng rút ra kinh nghiệm để có thể linh hoạt hơn trong việc tổ chức các sự kiện thể thao trong tương lai trong đó có hình thức trực tuyến.
Quyền Chủ tịch Liên đoàn tể thao đại học quốc tế, Leonz Eder, cũng đã tham dự cuộc họp.
Ủy ban Olympic quốc tế tăng số lượng nhân viên tại Olympic House sau khi các các biện pháp hạn chế liên quan tới COVID-19 được giảm bớt
Ủy ban Olympic quốc tế đã cho phép tăng hơn gấp đôi so với số lượng nhân viên được làm việc tại trụ sở ở Lausanne hiện nay và đồng thời tiến hành kiểm tra COVID-19 tại chỗ. Động thái này được đưa ra sau khi Thụy Sĩ thông báo nới lỏng các hạn chế liên quan tới COVID-19. Hiện, chỉ 30% trong số 500 nhân viên của Ủy ban Olympic quốc tế được phép đến làm việc tại Nhà Olympic vào những ngày nhất định. Kể từ ngày 1/6, khi công dân Thụy Sĩ sẽ không còn phải làm việc tại nhà thì số lượng nhân viên làm việc tại Nhà Olympic cũng sẽ được phép tăng lên con số khoảng 70%
Các nhà chức trách Thụy Sĩ đã đồng ý nới lỏng giãn cách đối với các doanh nghiệp có áp dụng kiểm tra vi rút của nhân viên. Người phát ngôn của Ủy ban Olympic quốc tế chia sẻ với insidethegames: “Theo các thông báo gần đây của các nhà chức trách Thụy Sĩ, làm việc tại nhà là một khuyến nghị, nhưng không còn là bắt buộc đối với các tổ chức có thực hiện các kiểm tra nhanh tại chỗ, như Ủy ban Olympic quốc tế. Do đó, từ ngày 1 tháng 6, số lượng nhân viên Ủy ban Olympic quốc tế có thể làm việc tại văn phòng mỗi ngày sẽ được nâng từ 30% lên 70% trong tổng số."
Các nhà hàng trong nhà cũng sẽ được phép mở cửa trở lại trong khi số lượng tụ tập trong nhà tại các sự kiện công cộng có thể tăng từ 50 lên 100 người. Hơn 10.000 ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận ở Thụy Sĩ kể từ khi bắt đầu đại dịch. Gần 3 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 tương đương với 34% dân số Thụy Sĩ, trong khi 1,6 triệu người khác đã được tiêm chủng đầy đủ.
Olympic House chính thức khai trương vào tháng 6 năm 2019 và là nơi làm việc của hơn 500 nhân viên. Nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà vào tháng 3 năm ngoái vì lo ngại về COVID - 19.
Các VĐV Colombia sẽ được tiêm phòng vắc xin COVID-19
Ủy ban Olympic Colombia đã thông báo rằng các VĐV sẽ là một phần của chương trình ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 để kịp thời tranh tài tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Trong một tuyên bố chính thức, Ủy ban Olympic Colombia cho biết: "Để đảm bảo sức khỏe và sự liên tục trong quá trình chuẩn bị và tham gia của thể thao Colombia tại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020, Bộ Thể thao đã phối hợp với Ủy ban Olympic Colombia đề xuất và được Bộ Y tế thông qua ưu tiên tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 cho tất cả các VĐV và quan chức đang trong quá trình tham gia vòng loại và Thế vận hội Olympic mùa hè 2020 tại Tokyo.
Colombia là quốc gia mới nhất trong số các quốc gia thi đấu tại Tokyo 2020 đã công bố các chương trình tiêm chủng ưu tiên cho các VĐV. Fiji, Nam Phi và Úc nằm trong số những nước đã công bố các chương trình tương tự trong tháng trước.
Các biện pháp khẩn cấp của Nhật Bản sẽ kéo dài cho tới thời điểm năm tuần trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã xác nhận các biện pháp khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 20/6 tại 9 tỉnh. Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 sẽ bắt đầu sau đó chỉ hơn một tháng. Các biện pháp COVID-19 đã được lên kế hoạch vào ngày 31/5 tại Tokyo, Aichi, Fukuoka, Kyoto, Hyogo, Hokkaido, Hiroshima, Okayama và Osaka. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản hiện quyết định gia hạn đến ngày 20/6 (cùng ngày tình trạng khẩn cấp dự kiến kết thúc ở Okinawa).
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chúng tôi đã quyết định kéo dài thời hạn từ ngày 31/5 đến ngày 20/6 đối với các biện pháp ưu tiên như tình trạng khẩn cấp và ngăn chặn sự lây lan. Số người mắc mới trên toàn quốc bắt đầu giảm từ giữa tháng trở lại đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn khó lường. Các ca lây nhiễm đang giảm ở Tokyo, Osaka, nhưng số người mắc mới ở nơi khác vẫn ở mức cao. Ở Osaka, giường bệnh tiếp tục chật cứng. Ở Hokkaido và Okinawa, số người nhiễm bệnh tiếp tục tăng, và chúng tôi quyết định gia hạn đối với những khu vực này."
Các biện pháp bao gồm hạn chế các cửa hàng bách hóa và rạp chiếu phim, cũng như yêu cầu các nhà hàng đóng cửa vào 8 giờ tối. Khán giả tại các sự kiện thể thao vẫn giới hạn ở mức 5.000 người hoặc 50% sức chứa của địa điểm. Các quan chức tại các khu vực được áp dụng các biện pháp khẩn cấp có thể thực hiện các biện pháp hạn chế mạnh hơn phù hợp với tình hình của địa phương mình.
Việc gia hạn các biện pháp khẩn cấp dự kiến sẽ đẩy lùi quyết định liên quan tới việc liệu khán giả trong nước có thể dự khán các trận đấu của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 hay không.
Đồng thời quyết định này cũng sẽ làm gia tăng cuộc tranh luận về việc liệu Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 có thể diễn ra một cách an toàn hay không. Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định Thế vận hội có thể được tổ chức và phó chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế John Coates cho biết Tokyo 2020 có thể tiếp tục trong tình trạng khẩn cấp.
Nhật Bản đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì việc triển khai tiêm chủng chậm chạp, nhưng Thủ tướng Suga mới công bố rằng khoảng 400.000 ca tiêm chủng hiện đã được thực hiện mỗi ngày. Cho đến nay, 11,2 triệu liều tiêm phòng đã được triển khai ở Nhật Bản. Hơn ba triệu người, tương đương 2,4% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ.
Nhật Bản đã đẩy mạnh quá trình tiêm chủng bằng cách mở các trung tâm tiêm chủng ở cả Tokyo và Osaka. Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân từ 65 tuổi trở lên - khoảng 36 triệu người - vào cuối tháng Bảy.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có phiên họp trực tuyến với Thủ tướng Suga, trong đó cam kết cung cấp ít nhất 100 triệu liều vắc xin cho Nhật Bản trong năm nay.
A.T