Sĩ quan O'Connor cho biết thêm rằng bác sĩ của đoàn thể thao Fiji hiện đang phối hợp với Bộ Y tế của nước này về thời gian cho liều tiêm phòng thứ hai, cũng như các xét nghiệm COVID-19 bắt buộc trước khi khởi hành đến Nhật Bản. Theo sách hướng dẫn Tokyo 2020 mới nhất, bất kỳ ai đến Tokyo 2020 đều phải có hai kết quả kiểm tra COVID-19 âm tính trước khi nhập cảnh.
Lần kiểm tra đầu tiên cần được thực hiện 96 giờ trước khi khởi hành và lần thứ hai 72 giờ. Tất cả những người tham dự cần xuất trình giấy chứng nhận xác thực về xét nghiệm COVID-19 theo mẫu đã được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phê duyệt và do Ban tổ chức Tokyo 2020 phát hành. Kết quả dương tính có nghĩa là VĐV sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Nhật Bản. Đoàn thể thao Fiji dự kiến sẽ khởi hành sang Nhật Bản vào ngày 8/7.
Trong các cuộc họp với các Liên đoàn thể thao quốc gia, Sĩ quan O'Connor nhắc nhở mọi thành viên trong đội phải có các biện pháp phòng ngừa bổ sung cũng như giãn cách an toàn.
Cũng theo Sĩ quan O'Connor, việc tạm dừng các giải đấu thể thao trong thời điểm hiện tại, mặc dù ảnh hưởng tới việc tập luyện của VĐV, tuy nhiên hợp lý để thực hành các biện pháp an toàn như được nêu trong sách hướng dẫn.
Fiji đã giành được huy chương Vàng Olympic đầu tiên khi đội bóng bầu dục nam tham dự Rio 2016. Quốc gia Thái Bình Dương đặt mục tiêu bảo vệ danh hiệu vô địch tại Tokyo.
Indonesia tiếp tục theo đuổi vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2032
Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi việc đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đề nghị Nội các chuẩn bị một kế hoạch riêng cho nỗ lực đăng cai Thế vận hội Olympic 2032. Động thái này được đưa ra sau khi Ủy ban Olympic Indonesia kêu gọi chính phủ nước này ủng hộ vận động giành quyền đăng cai.
Theo tờ The Jakarta Post của Indonesia, một sắc lệnh của Tổng thống đã được ban hành vào tháng trước để thành lập Ủy ban vận động giành quyền đăng cai cho Thế vận hội.
Đây sẽ là một trận chiến khó khăn, đặc biệt là sau khi Ủy ban Olympic quốc tế công bố Brisbane là chủ nhà ưu tiên của Thế vận hội Olympic 2032. Brisbane đã tiến gần hơn đến việc được chính thức xác nhận là chủ nhà khi Thủ tướng Úc Scott Morrison cam kết chính phủ Liên bang sẽ trang trải một nửa chi phí, thêm vào đó là sự đóng góp của chính quyền các bang và địa phương. Điều này cho phép Thủ hiến Queensland Annastacia Palaszczuk đệ trình các bảo đảm ưu tiên lên Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach.
Ủy ban Olympic quốc tế hiện đang đánh giá dự án, cũng như xem xét đề xuất quyền đăng cai Thế vận hội có thể được trao tại phiên họp của tổ chức này trước thềm Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 hay không.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Indonesia Raja Sapta Oktohari đã nhắm đến Tokyo 2020 như một cơ hội để thúc đẩy một cuộc vận động đăng cai tiềm năng của Indonesia và tìm kiếm sự hỗ trợ bất chấp những thách thức do đại dịch COVID-19 đặt ra.
Chủ tịch Oktohari cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều kế hoạch để thúc đẩy Indonesia trở thành chủ nhà Olympic nhưng chưa tính đến tình hình Ủy ban Olympic quốc tế công bố Brisbane là chủ nhà ưu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ tìm cách để tối đa hóa cơ hội của mình thông qua vận động hành lang. Tokyo 2020 sẽ là một cơ hội tuyệt vời để giao lưu với các Ủy ban Olympic quốc gia khác và thu hút một số thiện cảm, cũng như để chứng minh rằng Indonesia đã sẵn sàng đăng cai Thế vận hội Olympic 2032.
"Ngôi nhà Indonesia" nằm trong số ý tưởng được Ủy ban Indonesia quốc tế xem xét, nhưng dự án khó có thể tiếp tục do đại dịch COVID-19.
Thế vận hội 2032 sẽ là Thế vận hội Olympic mùa hè đầu tiên được trao quyền theo quy trình mới của Ủy ban Olympic quốc tế . Vào năm 2019, Ủy ban Olympic quốc tế đã thành lập Ủy ban tổ chức tương lai, xác định và đề xuất các địa điểm cho Thế vận hội và tham gia đối thoại với các quốc gia và thành phố tiềm năng về việc tổ chức chung.
Quy trình mới đã bị chỉ trích do thiếu minh bạch. Không chỉ Indonesia mà Hàn Quốc cũng đã đệ trình kế hoạch vận động chung với Triều Tiên mặc dù Ủy ban Olympic quốc tế đã chỉ định Brisbane là nhà thầu ưu tiên. Qatar, Đức, Ấn Độ và Hungary trước đó đều bày tỏ quan tâm đến việc tham gia vận động giành quyền đăng cai cho sự kiện năm 2032.
Ủy ban Olympic Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng cho các VĐV tham dự Tokyo 2020 vào ngày 1/6
Ủy ban Olympic Nhật Bản đã xác nhận về việc sẽ bắt đầu tiêm chủng cho các VĐV và nhân viên hỗ trợ trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Các đợt tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 1/6. Theo Bloomberg Japan, tổng cộng 600 VĐV đã được đưa vào danh sách để tiêm chủng. Hơn 1.000 HLV và nhân viên cũng sẽ được tiêm chủng. Các quan chức, những người sẽ tiếp xúc chặt chẽ với các VĐV trong suốt Thế vận hội Olympic Tokyo cũng sẽ được đưa vào danh sách.
Các VĐV và quan chức sẽ được tiêm chủng tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Ajinomoto ở Tokyo. Việc tiêm chủng cho các VĐV là một phần thỏa thuận giữa Ủy ban Olympic quốc tế và công ty dược phẩm Pfizer của Hoa Kỳ. Ủy ban Olympic quốc tế đã tuyên bố rằng những vắc xin này là ngoài "hạn ngạch hiện có và được phân phối trên khắp thế giới."
Một số quốc gia đã tiếp nhận đề xuất vắc xin của Ủy ban Olympic quốc tế, bao gồm Anh, Fiji, Nam Phi và Brazil. Các loại vắc-xin sẽ chỉ có được chuyển đến những vùng lãnh thổ đã được chính phủ phê duyệt để sử dụng.
Các VĐV và quan chức Nhật Bản sẽ nhận được cả hai liều trước khi Thế vận hội Olympic Tokyo bắt đầu vào ngày 23/7. Khoảng 10,9 triệu liều đã được sử dụng ở Nhật Bản cho đến nay, trong đó người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu ở nước này. Nhật Bản đã đẩy mạnh quá trình tiêm chủng bằng cách mở các trung tâm tiêm chủng ở cả Tokyo và Osaka. Theo các báo cáo ở Nhật Bản, hai trung tâm tiêm chủng quy mô lớn sẽ có thể cung cấp tới 15.000 mũi tiêm mỗi ngày - 10.000 ở Tokyo và 5.000 ở Osaka. Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân từ 65 tuổi trở lên - khoảng 36 triệu người - vào cuối tháng Bảy.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã làm việc trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, liên quan tới các vấn đề bao gồm đại dịch COVID -19. Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Chủ tịch Michel cho biết: "Ưu tiên chung đầu tiên của chúng tôi là đánh bại COVID-19 và đảm bảo sự phục hồi bền vững và toàn diện. Liên minh châu Âu đang đóng một vai trò quan trọng. Chúng tôi là nhà xuất khẩu vắc xin lớn nhất và với Nhật Bản, chúng tôi cam kết chắc chắn với COVAX. Thủ tướng Suga sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh cam kết COVAX vào tuần tới và chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ giúp đảm bảo đủ nguồn lực để tiêm chủng cho 30% dân số thế giới. Cuối năm nay, Liên minh châu Âu có kế hoạch chia sẻ ít nhất 100 triệu liều vắc-xin”
A.T