Cuộc khảo sát do tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun thực hiện từ ngày 7 đến 9/5, cho thấy 59% người được hỏi muốn Thế vận hội bị hủy bỏ so với 39% nói rằng sự kiện nên được tổ chức. 23% có quan điểm rằng Thế vận hội nên diễn ra mà không có khán giả.
Khán giả nước ngoài đã bị cấm và quyết định cuối cùng liên quan tới người xem trong nước sẽ được đưa ra vào tháng tới. Các sự kiện thi đấu thử nghiệm ở Tokyo 2020, bao gồm cả giải đấu điền kinh mới khai mạc tại Sân vận động Olympic, hiện cũng đang diễn ra mà không có khán giả.
Fuji News Network đưa tin, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach, ban đầu dự kiến diễn ra vào tuần tới, đã bị hoãn lại và đang được sắp xếp lại vào tháng 6.
Quyết định hoãn chuyến thăm của Bach được đưa ra sau một cuộc thăm dò mới nhất được thực hiện bởi TBS News, cho thấy 65% ý kiến muốn Thế vận hội bị hủy, với 37% tỏ ý hủy bỏ sự kiện hoàn toàn và 28% kêu gọi hoãn lại một lần nữa.
Một cuộc thăm dò tương tự vào tháng trước do hãng thông tấn Kyodo thực hiện cho thấy 70% muốn Thế vận hội bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. Ngoài ra, một bản kiến nghị được đưa ra vào tuần trước kêu gọi hủy bỏ Tokyo 2020 đã được gần 320.000 người ký tên.
Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định Chính phủ không ưu tiên Thế vận hội hơn sức khỏe cộng đồng. Tại cuộc họp của Ủy ban quốc hội, trả lời câu hỏi về việc Thế vận có tiếp tục diễn ra hay không khi số ca nhiễm Covid 19 tăng đột biến? Thủ tướng Suga đã trả lời rằng: "Tôi chưa bao giờ đặt Thế vận hội lên hàng đầu. Ưu tiên của tôi là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân Nhật Bản. Trước hết chúng ta phải ngăn chặn sự lây lan của vi rút". Việc Olympic Tokyo và Paralympic có diễn ra hay không còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Ủy ban Olympic quốc tế.
Trước đó, Thủ tướng Suga đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiến tới Thế vận hội mặc dù số trường hợp Covid-19 tăng đột biến, nhưng cuộc khảo sát của TBS cho thấy tỷ lệ ủng hộ chỉ ở mức 40%.
Trong bốn quận đang áp dụng tình trạng khẩn cấp - Tokyo, Osaka, Kyoto và Hyogo - và hai quận sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp từ ngày 12 tháng 5 - Aichi và Fukuoka - trung bình 64% người dân ủng hộ việc hủy bỏ. Tỷ lệ trung bình là 57% ở 41 Quận khác. Tại Tokyo, 61% số người được hỏi kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội, vì những tác động của cuộc khủng hoảng do Covid 19 ở thủ đô.
Trước sức ép ngày càng lớn đối với Chính phủ, ngôi sao quần vợt Naomi Osaka thừa nhận rằng, dù cô đã chờ đợi cả đời để được tham dự Thế vận hội, nhưng những rủi ro khi tổ chức Tokyo 2020 cần phải được phân tích kỹ lưỡng. Tất nhiên, quan điểm của Naomi Osaka vẫn là muốn Thế vận hội diễn ra, bởi là một VĐV, hơn ai hết cô hiểu được rằng đó là điều mà mỗi VĐV mong chờ nhất. Osaka là một trong những hy vọng giành HCV của Nhật Bản tại Tokyo 2020.
Naomi Osaka cũng bày tỏ quan điểm rằng có rất nhiều điều không mong muốn đã xảy ra và nếu điều đó khiến cộng đồng gặp rủi ro thì chắc chắn nên có một cuộc thảo luận. Sẽ có rất nhiều người nước ngoài vào Nhật Bản, vì vậy chắc chắn phải đưa ra quyết định đúng đắn.
Việc tiêm phòng cũng vậy, không thể bắt buộc bất cứ ai phải tiêm phòng. Tuy nhiên, nếu đã được tham dự Thế vận hội thì nên tôn trọng sự an toàn của nước chủ nhà.
Truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin rằng Chủ tịch Bach sẽ tham gia sự kiện rước đuốc ở Hiroshima vào ngày 17/5, nhưng Ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết chuyến thăm này vẫn chưa được xác nhận. Điều kiện tiên quyết cho chuyến thăm của Chủ tịch Bach sẽ là dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản.
Nhật Bản đã ghi nhận hơn 600.000 trường hợp nhiễm Covid 19 và hơn 10.500 trường hợp tử vong - cao nhất ở Đông Á. Ngày 8/5, số ca nhiễm lên đến 7.000 ca - cao nhất kể từ tháng Giêng. Ngoài ra, chỉ khoảng 2% trong số 126 triệu người Nhật Bản đã tiêm ít nhất một liều vắc xin kể từ khi triển khai vào giữa tháng 2, trong khi các bệnh viện đang vật lộn để đảm bảo giường cho những ca mới được chẩn đoán.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach điện đàm về Bắc Kinh 2022
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã có cuộc điện đàm để thảo luận về Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 và công tác chuẩn bị nhằm đảm bảo cho sự kiện được diễn ra an toàn.
Một trong những nội dung được đề cập đến tại cuộc điện đàm đó là hai Bên đã thảo luận về Covid-19 và các biện pháp đã được thực hiện để chuẩn bị cho sự kiện này, cũng như sự chuẩn bị của các VĐV Trung Quốc trước Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.
Chủ tịch Thomas Bach cảm ơn sự hỗ trợ của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ cuộc họp cuối cùng. Theo đó, Ủy ban Olympic Trung Quốc đã hỗ trợ cung cấp vắc-xin cho những người tham gia Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 ở các quốc gia mà vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc được phê duyệt theo quy định.
Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông Bắc Kinh 2022 sẽ được tổ chức theo đúng kế hoạch đặt ra (dự kiến diễn ra từ ngày 4 - 20/2/2022 - chưa đầy 06 tháng sau khi Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 kết thúc).
Kình ngư Campbell được nhận mũi tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên khi Úc tiến hành tiêm phòng cho các VĐV
Úc đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho các VĐV của nước này trước thềm Thế vận hội Olymic Tokyo 2020. VĐV được nhận mũi tiêm phòng đầu tiên của Pfizer.là hai lần HCV Olympic – kình ngư Cate Campbell. Mặc dù việc phòng vắc-xin là không bắt buộc đối với đoàn thể thao Olympic và Paralympic của Úc (tổng cộng hơn 2.000 người, bao gồm cả các quan chức), tuy nhiên Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic Úc Matt Carroll cho biết việc tiêm phòng mang lại cảm giác an tâm cho các VĐV trước đại dịch Covid-19 ở Nhật Bản.
Giám đốc điều hành Matt Carroll cũng bác bỏ những cáo buộc rằng các VĐV Úc đang được xếp thứ tự ưu tiên trong việc tiêm phòng. Tháng trước, Chính phủ Liên bang Úc đã thông báo rằng các VĐV và quan chức Úc tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ được tiếp cận với việc tiêm chủng vắc xin Covid - 19. Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết: “chúng tôi muốn thấy các VĐV của mình đến Tokyo để thi đấu và sau đó trở về Úc an toàn". Theo kế hoạch quản lý vắc-xin của Chính phủ Úc, phần lớn các VĐV sẽ chưa được tiêm phòng cho đến ít nhất là nửa cuối năm 2021.
Campbell, 28 tuổi, từng giành hai HCB Olympic tại ba kỳ Thế vận hội trước tự tin rằng nếu không phải tất cả, thì các VĐV Olympic đều sẽ được tiêm phòng. "Phần lớn các VĐV từ các nước phát triển nhất đều sẽ được tiêm vắc-xin, vì vậy chúng tôi muốn có một nền tảng sức khỏe được đảm bảo để yên tâm cạnh tranh với các đối thủ mạnh. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều trong năm rưỡi qua, rằng loại vi-rút này có thể thay đổi và đột biến, và bằng cách tiêm vắc-xin, chúng tôi được chiếm thế chủ động".
Campbell thừa nhận đã rất lo lắng khi thời gian không còn nhiều để thực hiện hai mũi tiêm của Pfizer. Tuy nhiên, vào thời điểm này, thời gian để thực hiện hai mũi tiêm có thể đảm bảo vượt qua bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào của thuốc. Chúng tôi sẽ khỏe để tham gia các giải đấu thử nghiệm tại Olympic.
A.T