Chia sẻ về vai trò này, Rio PV Sindhu bày tỏ niềm vinh dự khi được Ủy ban Olympic quốc tế đề cử làm đại sứ, sát cánh cùng các VĐV, đồng nghiệp trong cuộc chiến chống lại mọi hình thức gian lận hoặc thao túng trong thi đấu.
Ngoài Rio PV Sindhu, cũng được đề cử làm đại sứ là số 11 thế giới của Canada, Michelle Li. Cả Sindhu và Li đều là đại sứ toàn cầu cho chiến dịch "chúng tôi đại diện cho cầu lông" của Liên đoàn cầu lông thế giới kể từ tháng 4 năm ngoái.
Rio PV Sindhu và Li tự hào khi được đại diện cho cho cả chiến dịch của Liên đoàn cầu lông thế giới và Ủy ban Olympic quốc tế để chống lại việc dàn xếp, thao túng thi đấu và vi phạm doping trái với tinh thần thể thao.
Đánh giá cao sự cống hiến của Sindhu, Tổng thư ký Hiệp hội Cầu lông Ấn Độ Ajay Singhania cho biết: đây là sự ghi nhận chân thành, tinh thần thể thao cao thượng và chính trực của Sindhu đối với môn thể thao mà cô ấy đã cống hiến và gắn bó trong suốt những năm tháng sự nghiệp của mình. Hiệp hội Cầu lông Ấn Độ vô cùng vui mừng và tự hào khi thấy Sindhu được chọn cho vị trí danh giá này ở đấu trường thế giới.
Là một phần của chiến dịch, Sindhu sẽ tham gia với cộng đồng VĐV cầu lông thông qua các hội thảo trực tuyến trên web và các thông điệp trên mạng xã hội để nêu bật những rủi ro liên quan và giáo dục họ cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khi bị thao túng trong thi đấu.
Tổng thư ký Liên đoàn Cầu lông thế giới Thomas Lund cho biết, thao túng trong thi đấu ngày càng trở thành mối quan tâm toàn cầu và việc bảo vệ những VĐV trung thực là ưu tiên hàng đầu của tổ chức này. Bằng cách hợp tác với Ủy ban Olympic quốc tế trong việc đề cử hai trong số những VĐV nổi tiếng nhất, Pusarla và Li làm đại sứ, chúng tôi tin tưởng rằng có thể tạo nên những tác động tích cực trong cuộc chiến bảo vệ sự toàn vẹn trong thể thao.
Chiến dịch "Tin vào thể thao" của Ủy ban Olympic quốc tế được phát động vào năm 2018 nhằm nâng cao nhận thức của các VĐV, HLV và quan chức về mối đe dọa của thao túng trong thi đấu.
Chiến dịch chia sẻ những câu chuyện về hành trình hướng tới Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 của các VĐV Đức
Liên đoàn Thể thao Olympic Đức và Hiệp hội thể thao Người khuyết tật Đức đã triển khai một chiến dịch nói về những câu chuyện liên quan tới hành trình chuẩn bị tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 của các VĐV.
Chiến dịch "Con đường của tôi" giới thiệu hành trình của một số VĐV Olympic và Paralympic người Đức. Những câu chuyện về thành phố quê hương và cơ sở đào tạo của họ đã góp phần tạo nên thành công như thế nào đối với bản thân mỗi VĐV đó.
Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Olympic Đức Alfons Hörmann cho biết, trong những thời điểm khó khăn đặc biệt này, điều cực kỳ quan trọng là các VĐV của chúng tôi phải nhận thức rõ tầm quan trọng của những người đồng hành và một cơ cấu hỗ trợ tốt đằng sau họ để họ có thể thành công ở cuối chặng đường đặc biệt của mình tại Thế vận hội Olympic và Paralympic. Thành công luôn là kết quả của tinh thần đồng đội. Thật tuyệt khi chiến dịch có thể làm rõ điều này.
Chủ tịch Hiệp hội thể thao Người khuyết tật Đức Friedhelm Julius Beucher cho biết thêm rằng các VĐV của đội tuyển Paralympic Đức là hình mẫu về sự can đảm cho những người khuyết tật.
Các VĐV Olympic và Paralympic xứng đáng được cùng nhau đứng trên một sân khấu công chúng lớn để chia sẻ về những thành tích ấn tượng của họ. Chiến dịch "Con đường của tôi" sẽ giúp công khai những câu chuyện phi thường của các VĐV theo một cách đặc biệt.
Chiến dịch này cũng nhằm mục đích làm nổi bật sự đa dạng của đội tuyển Olympic và Paralympic Đức, với sự góp mặt của các VĐV bao gồm Angelique Kerber (quần vợt), Laura Ludwig (bóng chuyền bãi biển), Patrick Wiencek (bóng ném), Niklas Kaul (điền kinh), Marcel Nguyễn (thể dục), Lara Lessmann (BMX), Melat Kejeta và Gina Luckenkemper và Oliver Zeidler (chèo thuyền), VĐV người khuyết tật Johannes Floors và Denise Schindler (xe đạp).
Chia sẻ về chiến dịch này, Claudia Wagner, Giám đốc điều hành của Tiếp thị Thể thao Đức cho biết: chiến dịch cho thấy sự gần gũi của các VĐV và môi trường xung quanh họ. Nhiều người sẽ thấy mình trong các câu chuyện mà VĐV chia sẻ. Cùng với các đối tác, Liên đoàn Thể thao Olympic Đức và Hiệp hội thể thao Người khuyết tật Đức, chúng tôi muốn xây dựng một sân khấu để các VĐV kể những câu chuyện này.
Chúng tôi tin rằng thông qua chiến dịch sẽ tập hợp được rất nhiều người hâm mộ thể thao ở Đức để dành cho các VĐV sự ủng hộ xứng đáng trên đường đến với Tokyo 2020.
Tại Rio 2016, đội tuyển Olympic Đức đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng với tổng số 42 huy chương, trong đó có 17 HCV, 10 HCB và 15 HCĐ. Đội tuyển Paralympic đứng vị trí thứ 6 trên bảng tổng sắp huy chương tại Brazil với tổng số 57 huy chương, trong đó có 18 HCV, 25 HCB và 14 HCĐ.
Hy vọng về sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông
Tổng thư ký Ban tổ chức Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông Gangwon 2024 Kim Cheol-min đã bày tỏ hy vọng rằng sự kiện này vẫn có sự góp mặt của Triều Tiên, như một phần trong nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước.
Hàn Quốc bày tỏ hy vọng rằng Triều Tiên sẽ tham gia đầy đủ vào kỳ Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông sắp tới và nước chủ nhà thậm chí đã đề xuất với Bình Nhưỡng rằng Triều Tiên có thể trở thành đồng chủ nhà.
Mối quan hệ giữa hai quốc gia dường như đã tan băng trong Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc. Hàn Quốc và Triều Tiên đã diễu hành cùng nhau trong Lễ khai mạc Thế vận hội, một đội thống nhất của Hàn Quốc và Triều Tiên thi đấu trong giải khúc côn cầu trên băng nữ và một phái đoàn cấp cao từ Triều Tiên đã đến thăm Pyeongchang. Chuyến thăm mở đường cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4/2018 -hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong ba hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong năm đó. Các mối quan hệ đã trở nên xấu đi kể từ đó, nhưng Gangwon 2024 vẫn hy vọng về sự tham gia của Triều Tiên tại Thế vận hội.
Tổng thư ký Gangwon 2024 Kim Cheol-min đã chia sẻ với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc rằng Ban tổ chúc đang chuẩn bị cẩn thận và tỉ mỉ cho toàn bộ quá trình vì mục tiêu xúc tiến việc đăng cai tổ chức chung của hai miền Triều Tiên. Nếu có cuộc thảo luận giữa hai Chính phủ, Ban tổ chức sẽ nỗ lực hết sức để mọi việc được tiến hành suôn sẻ.
Mục tiêu lớn nhất của sự kiện này là truyền đi thông điệp về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên tới giới trẻ trên toàn thế giới, chính vì vậy điều này có liên quan mật thiết đến việc Triều Tiên có tham gia sự kiện hay không. Thời điểm tham vấn rất quan trọng. Nếu quyết định đồng đăng cai được đưa ra nhanh chóng, Ban tổ chức sẽ thêm thời gian để chuẩn bị đầy đủ.
Phía Hàn Quốc cũng sẽ chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau. Sự tham gia tiềm năng của Triều Tiên từng là chủ đề của Diễn đàn Hòa bình Pyeongchang vào tháng 3, trong khi Thống đốc Gangwon Choi Moon-soon đã ủng hộ việc đồng tổ chức sự kiện này. Tỉnh Gangwon, nơi đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa đông 2018, đã được Ủy ban Olympic Quốc tế chọn là nơi tổ chức phiên bản thứ tư của Thế vận hội Olympic trẻ mùa đông.
Gangwon 2024 dự kiến sẽ sử dụng nhiều cơ sở vật chất từ Pyeonchang 2018, sự kiện được cho là sẽ đảm bảo một Thế vận hội trẻ bền vững và hiệu quả về chi phí. Các môn thể thao trên núi sẽ được tổ chức ở Pyeongchang với các sự kiện trên băng có thể sẽ diễn ra ở Gangneung. Sự kiện được lên lịch dự kiến từ ngày 19/1 đến ngày 2/ 2/ 2024.
A.T