Các VĐV Úc tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 được ưu tiên tiêm phòng vắc xin COVID-19

Theo Chính phủ Liên bang, các VĐV và quan chức Úc tham dự Thế vận hội Olympic và Paralympic tại Tokyo sẽ được ưu tiên tiêm phòng vắc-xin COVID-19 trước thềm Thế vận hội.

Các quan chức ở Canberra cho biết, vắc xin COVID-19 sẽ được tiêm cho khoảng 2.050 người do Ủy ban Olympic và Paralympic Úc đề cử. Theo kế hoạch quản lý vắc-xin của Chính phủ Úc, hầu hết các VĐV sẽ không thể nhận vắc-xin này cho đến nửa cuối năm 2021. Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Greg Hunt cho biết, chúng tôi muốn các VĐV của mình tới Tokyo để thi đấu và sau đó trở về Úc một cách an toàn. Thuốc chủng ngừa Pfizer hoặc AstraZeneca sẽ được cung cấp cho các VĐV và quan chức, tùy theo độ tuổi của họ. Pfizer vẫn là loại vắc xin được sử dụng phổ biến cho người Úc dưới 50 tuổi.

Bộ trưởng Thể thao Richard Colbeck cho biết, những người dân Úc dễ bị tổn thương vẫn là ưu tiên tuyệt đối trong quá trình triển khai tiêm phòng vắc-xin. Nội các quốc gia hiểu rõ áp lực mà các VĐV thành tích cao phải đối mặt khi Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo đến gần. Đây sẽ là một Thế vận hội Olympic và Paralympic rất khác, nhưng các VĐV Úc xứng đáng có cơ hội tranh tài.

Giám đốc điều hành Ủy ban Olympic Úc Matt Carroll khẳng định thông tin này có giá trị động viên tinh thần to lớn đối vói các VĐV và quan chức đại diện cho Úc tại Tokyo 2020. Cho đến nay, gần hai triệu liều vắc-xin trong đó có 205.203 liều vắc-xin được tiêm tại các cơ sở chăm sóc người già và người khuyết tật đã được sử dụng tại Úc kể từ khi chương trình được Thủ tướng Scott Morrison khởi động vào tháng Hai.

Giám đốc điều hành Matt Carroll cũng gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Y tế Greg Hunt và Bộ trưởng Thể thao Richard Colbeck vì sự hỗ trợ và cam kết cũng như tác động tới Nội các quốc gia để đưa ra quyết định quan trọng này. Sẽ có hàng trăm VĐV, HLV và gia đình của họ cảm kích khi biết rằng những nỗ lực trong suốt hơn 5 năm qua là xứng đáng. Việc được tiêm phòng vắc xin bổ sung là những gì họ mong muốn.

Ủy ban Olympic Úc sẽ làm việc với đối tác Aspen Medical về công tác hậu cần để đảm bảo việc tiêm chủng cho các VĐV không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào trên hệ thống công cộng.Chủ nhà Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế đang nỗ lực hết sức để cung cấp một môi trường an toàn vào thời điểm diễn ra Thế vận hội.

Ủy ban Olympic Úc sẽ tiếp tục nỗ lực toàn diện để đảm bảo cho đoàn thể thao Úc an toàn trước, trong và sau Thế vận hội để các VĐV có thể trải qua khoảnh khắc đáng nhớ tại Thế vận hội Olympic khi đại diện cho đất nước với niềm tự hào.

Cũng theo Giám đốc điều hành Matt Carroll, sách hướng dẫn về sức khỏe và an toàn ở Tokyo được xuất bản vào tháng Sáu sẽ giúp Úc hoàn thiện các giải pháp an toàn của mình.

Đội tuyển Olympic Úc sẽ tham dự Thể vận hội Olympic Tokyo 2020 (bắt đầu vào ngày 23/7 và kết thúc vào ngày 8/8), với khoảng từ 450 đến 480 VĐV tranh tài ở hơn 30 môn thể thao.

Giám đốc điều hành Ủy ban Paralympic Úc Lynne Anderson tiết lộ rằng một số VĐV đã bắt đầu được tiêm chủng và thông báo này sẽ nguồn động lực cho các thành viên tiềm năng khác của đội trong quá trình thi đấu giành vé tham dự Paralympic Tokyo 2020 .

Là một phần trong quá trình triển khai của Chính phủ, một số VĐV Paralympic và nhân viên hỗ trợ được xếp vào nhóm ưu tiên, do mức độ suy giảm miễn dịch của họ và do đó, một số thành viên trong nhóm đã bắt đầu được tiến hành tiêm chủng. Tuy nhiên, đối với các thành viên còn lại, một số người dự kiến sẽ tham gia thi đấu vòng loại trong những tuần tới, thì quyết định này giúp các VĐV cảm thấy yên tâm và an toàn hơn.

Yêu cầu về số lượng y tá phục vụ cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã vấp phải những chỉ trích 

Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhân viên y tế trong nước về yêu cầu gửi tới Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản về việc cung cấp 500 y tá cho sự kiện thể thao mùa hè lớn nhất hành tinh. Giám đốc điều hành Tokyo 2020 Toshiro Muto xác nhận Ban tổ chức đã đưa ra yêu cầu này, nhưng nhấn mạnh ưu tiên chính là nó không ảnh hưởng tiêu cực đến chăm sóc y tế địa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ban tổ chức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì tìm cách đảm bảo số lượng y tá cho sự kiện thể thao đa môn lớn nhất hành tinh khi các trường hợp COVID-19 mới gia tăng ở Nhật Bản.

Giám đốc điều hành Muto lên tiếng khẳng định việc Ban tổ chức đã nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ số lượng y tá cho Thế vận hội trong điều kiện không ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng địa phương. Điều mà Ban tổ chức muốn hướng tới ở đây là về việc linh hoạt với giờ làm việc và ca làm việc…Ban tổ chức cần phải tìm ra một cách để cùng tồn tại.

Hơn 70 trường đại học đã đăng ký chương trình “Khuôn viên lành mạnh” của Liên đoàn thể thao đại học quốc tế 

Liên đoàn thể thao đại học quốc tế đã xác nhận hơn 70 trường đại học đã đăng ký chương trình “Khuôn viên lành mạnh” được triển khai để kỷ niệm một năm ra đời của Chương trình này.

Được triển khai vào tháng 5/2020, Chương trình được xây dựng nhằm mục đích cung cấp cho các trường đại học những công cụ, hướng dẫn cũng như phương pháp thực hành tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của giảng viên và sinh viên trong khuôn viên trường học.

Chương trình cũng chứng kiến ​​các trường đại học từ Trung Quốc, Thụy Sĩ, Kazakhstan và Vương quốc Anh tham gia hành trình để đạt được cấp chứng nhận cao nhất. Đại học Murdoch của Úc, Đại học Autonoma de Barcelona của Tây Ban Nha và Học viện Khoa học An ninh của Estonia là một trong những trường mới nhất được chứng nhận “Khuôn viên lành mạnh” của Liên đoàn thể thao đại học quốc tế. Chương trình sẽ kỷ niệm một năm triển khai vào ngày 12/5.

Để đánh dấu sự kiện này, Liên đoàn thể thao đại học quốc tế sẽ xuất bản các thực tiễn tốt nhất của các trường đại học được chứng nhận nhằm cho phép các trường đại học khác hưởng lợi từ kiến ​​thức và kinh nghiệm sẵn có.

Giám đốc điều hành và tổng thư ký của Liên đoàn thể thao đại học quốc tế Eric Saintrond cho biết, 71 trường đại học đã đăng ký để thể hiện nhiệt huyết đối với Chương trình.

Hơn 200 cuộc họp đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều đối tượng khác nhau. Sáng kiến “Khuôn viên lành mạnh” cung cấp quyền truy cập vào nền tảng kỹ thuật số, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát trong quá trình đào tạo trực tuyến, báo cáo tự đánh giá hàng năm và báo cáo đánh giá.

Chương trình được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc công nhận thông qua đánh giá các điều kiện thuận lợi cho các sự kiện giáo dục và đào tạo. Chương trình cũng kết hợp các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm tạo ra những cách thức vận hành các trường đại học bền vững hơn và nêu gương cho những trường đại học khác.

A.T