Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc ra mắt một loạt video tập luyện tại nhà

Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng và cho ra mắt một loạt video tập luyện tại nhà để giúp mọi người trên khắp thế giới vận động trong thời kỳ đại dịch Covid 19. Theo đó, 04 video bao gồm các bài tập Taekwondo và một buổi tập luyện được ghi lại tại một ngôi nhà cổ của Hàn Quốc, cũng như các bài tập cho trẻ em và những người làm việc trong văn phòng. Kỹ thuật đòn đá là một phần của video huấn luyện Taekwondo tại nhà.

Hoạt động này là một phần của Biên bản thỏa thuận hợp tác của Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc với hơn 50 Ủy ban Olympic quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển thể thao nói chung. Với nhiều người buộc phải ở nhà do các hạn chế của đại dịch COVID-19, Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc quyết tâm gửi tới họ thông điệp lối sống lành mạnh.

Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc cũng ra thông báo rằng khi toàn thế giới vẫn đang chịu sự tác động nặng nề của đại dịch, các môn thể thao không chỉ đồng hành mỗi ngày cùng toàn thể người dân trên thế giới mà đang dần trở lại với cuộc sống hàng ngày. Mặc dù gây ra nhiều khó khăn, nhưng cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu cũng đã vun đắp tình đoàn kết giữa cộng đồng thể thao, giúp người dân thế giới đoàn kết để đánh bại đại dịch này và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn thông qua thể thao.

Để giúp người dân trên khắp thế giới duy trì được thể trạng tốt, Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc khuyến khích lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục tại nhà. Kể từ khi ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với hơn 50 Ủy ban Olympic quốc gia, Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc cho biết tổ chức này đã cung cấp cho các VĐV cơ hội tập luyện với các quốc gia khác thông qua các chương trình đào tạo chung.

Tháng 6 năm 2020, vào Ngày Olympic, Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc đã khuyến khích người dân chia sẻ các bài tập và hoạt động trên mạng xã hội nhằm đưa mọi người xích lại gần nhau hơn trong giai đoạn liên lạc bị hạn chế, dãn cách xã hội phải tuân thủ vì đại dịch Covid 19. Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc cũng triển khai dự án thử thách "duy trì hoạt động" là một thành công.

Ủy ban Olympic quốc tế cho biết chưa nhận được thông báo chính thức về việc Triều Tiên rút khỏi Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 

Tờ Sports trên trang web của CHDCND Triều Tiên, cho biết nước này sẽ không tham gia thi đấu tại Thế vận hội Olympic ở thủ đô Nhật Bản vì lo ngại về đại dịch COVID-19. Nếu nguồn tin này được xác thực thì đây cũng là quốc gia đầu tiên rút khỏi Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 do cuộc khủng hoảng của đại dịch Covid 19 khiến sự kiện này phải trì hoãn một năm. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Ủy ban Olympic quốc tế cho biết tổ chức này chưa được Ủy ban Olympic Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chính thức thông báo về việc các VĐV của nước này sẽ không thi đấu tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Theo Kyodo News, Chính phủ Nhật Bản cho biết vẫn đang thu thập thông tin về quyết định không tham dự của Triều Tiên. Bộ trưởng Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 Tamayo Marukawa cho biết, Chính phủ đang cố gắng xác nhận các chi tiết.

Sự tham gia của Triều Tiên tại Tokyo 2020 được coi là cơ hội để đối thoại với Hàn Quốc và các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Quan hệ của Bình Nhưỡng với phương Tây đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, đặc biệt là do chương trình hạt nhân và các vụ phóng tên lửa của nước này.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản kiêm người phát ngôn chính Katsunobu Kato tuyên bố việc Triều Tiên không tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực đối thoại với nước này. Quan điểm của Chính phủ rằng Nhật Bản sẽ chủ động làm việc và sẵn sàng đối thoại trực tiếp vẫn không thay đổi.

Trong một tuyên bố, Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 không đề cập trực tiếp đến Triều Tiên nhưng cho biết họ sẽ "tiếp tục chuẩn bị cho Thế vận hội bằng cách hợp tác chặt chẽ với các tổ chức liên quan để các VĐV từ mỗi quốc gia và khu vực có thể thể hiện màn trình diễn tốt nhất của họ". Quyết định của Triều Tiên được đưa ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi thủ đô Seoul của Hàn Quốc thông báo đã đệ trình một hồ sơ tham gia vận động đăng cai chung Thế vận hội 2032 với Triều Tiên lên Ủy ban Olympic quốc tế.

Năm 1988, Triều Tiên tẩy chay Thế vận hội Mùa hè ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nhưng vẫn được chào đón với vòng tay rộng mở khi nước láng giềng đăng cai Thế vận hội Olympic Mùa đông 2018 ở Pyeongchang. Theo đó, một đội thống nhất đã tham gia giải đấu khúc côn cầu trên băng dành cho nữ và hai nước đã cùng nhau diễu hành tại Lễ Khai mạc và Bế mạc dưới một lá cờ chung, với thông điệp chính là hòa bình.

Việc không tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo có thể sẽ được Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach, người đã nỗ lực cải thiện quan hệ thể thao ở biên giới và đến thăm nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim ở Bình Nhưỡng vào năm 2018.

Chính phủ Nhật Bản thông báo về việc xem xét vắc xin ưu tiên cho các VĐV

Các VĐV Nhật Bản có thể nhận được quyền ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 trước Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Hãng tin Kyodo trích lời các quan chức Chính phủ (giấu tên), rằng việc xem xét đang được đưa ra để đảm bảo các VĐV được tiêm cả hai liều vắc-xin COVID-19 trước Thế vận hội. Theo đó, ​​các VĐV Olympic và Paralympic sẽ được tiêm chủng vào cuối tháng 6, nếu đề nghị được Chính phủ Nhật Bản chấp thuận. Việc các VĐV tiềm năng được ưu tiên tiêm phòng trước những người cao tuổi và dễ bị tổn thương đã vấp phải những chỉ trích trên mạng xã hội. Nhật Bản đã tiến hành tiêm phòng kể từ tháng 2 cho 4,8 triệu nhân viên y tế của đất nước, đây cũng là đôi tượng được ưu tiên hàng đầu.

Tốc độ triển khai tiêm phòng cũng đã bị chỉ trích và so sánh với các nền kinh tế lớn khác đã triển khai nhanh hơn nhiều. Việc cung cấp vắc-xin chậm được cho là nguyên nhân. Cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ phê duyệt một loại vắc xin COVID-19, do Pfizer-BioNTech sản xuất. Bộ trưởng Bộ vắc xin Taro Kono tiết lộ rằng Nhật Bản sẽ nhận được 100 triệu liều vào tháng 6, đủ để tiêm chủng cho 50 triệu người, tương đương một nửa dân số cả nước. Nhật Bản đã tiêm chủng cho khoảng một triệu người liều vắc-xin đầu tiên, gần 300.000 người được tiêm cả hai liều. Quốc gia này dự kiến ​​sẽ bắt đầu triển khai vắc-xin COVID-19 cho khoảng 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên từ ngày 12/ 4. Tiêm phòng COVID-19 đã trở thành chủ đề chính trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Hội đồng Olympic châu Á bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Giáo dục mới 

Theo đề xuất của Ủy ban Olympic Ả Rập Xê Út, Hội đồng Olympic châu Á đã đề cử Hoàng tử Fahad bin Jalawi làm Chủ tịch mới của Ủy ban Giáo dục Hội đồng Olympic châu Á. Đề xuất này cũng đã được các thành viên Ban điều hành Hội đồng Olympic châu Á thông qua.

HRH Hoàng tử Fahad bin Jalawi kế nhiệm Hoàng tử Abdulaziz bin Turki Al Faisal Al Saud làm Chủ tịch Ủy ban Giáo dục trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2023. Hoàng tử Abdulaziz, đã từ chức Chủ tịch Ủy ban Giáo dục do được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á.

Hội đồng Olympic châu Á hoan nghênh Hoàng tử Fahad làm Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và đến với gia đình Hội đồng Olympic châu Á. Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á, Ngài Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah, tin tưởng rằng Hoàng tử Fahad bin Jalawi sẽ tiếp nối công việc to lớn của người tiền nhiệm trong việc lãnh đạo Ủy ban Giáo dục Hội đồng Olympic châu Á tại thời điểm có sự thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục và học tập, đặc biệt là trong sự phát triển của học tập điện tử trong xã hội trên toàn thế giới.

A.T