Hội thảo được tổ chức vào ngày thứ 2 trong chương trình Hội nghị châu Á lần thứ năm, sự kiện tập trung thảo luận về thể thao thành tích cao với COVID-19 và tương lai của thể thao ở Châu Á. Ủy ban Paralympic châu Á đã tham gia sự kiện này cùng với Ủy ban Paralympic quốc tế, Ủy ban Paralympic Nhật Bản và Hội đồng Thể thao Nhật Bản.
Ủy ban Paralympic châu Á nỗ lực gia tăng sự tham gia của nữ VĐV vào các môn thể thao người khuyết tật (Ảnh: insidethegames)
Trọng tâm của Hội thảo lần này được đặt vào các hoạt động của Ủy ban Paralympic quốc gia trong 18 tháng qua bao gồm các sáng kiến được thực hiện trong thời gian diễn ra đại dịch Covid 19. 4/11 Ủy ban Paralympic quốc gia tham gia Hội thảo đã chia sẻ những nỗ lực của họ để thúc đẩy vai trò của các VĐV nữ đối với thể thao. Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ và thể thao của Ủy ban Paralympic quốc tế Rita van Driel đã có bài phát biểu quan trọng về chủ đề " lãnh đạo nữ trong thể thao".
Chủ tịch Van Driel đã đưa ra các số liệu từ Thế vận hội Paralympic Rio 2016, trong đó cho thấy sự cần thiết phải tăng số lượng VĐV nữ, đặc biệt là ở các quốc gia cử các đội nhỏ tham dự Thế vận hội. Chủ tịch Van Driel cũng chỉ ra những rào cản văn hóa đang ngăn cản phụ nữ tham gia vào thể thao và để giúp họ có thể vượt qua những rào cản này cần phải có sự hiểu biết nhất định. Cô cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hình mẫu để cung cấp nguồn cảm hứng và động lực cho phụ nữ trẻ.
Các Ủy ban Paralympic quốc gia Ả rập Saudi và Yemen cũng công bố những nghiên cứu điển hình và trình bày về các biện pháp đã được thực hiện để tăng số lượng VĐV và HLV nữ trong một số môn thể thao. Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ có đại diện nữ đầu tiên của mình tại Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020 ở môn điền kinh.
Quan chức Ủy ban Paralympic Yemen Amal Haza'a Ali Munassar, đã trình bày về một sáng kiến đã được thực hiện cùng Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế nhằm xây dựng một chương trình bóng rổ xe lăn dành cho nữ. Các đại biểu dự Hội thảo cũng được nghe cuộc chiến ở Yemen đã khiến phụ nữ khuyết tật trở nên tồi tệ hơn, gia tăng sự cô lập với xã hội và ảnh hưởng đến tinh thần của họ.
Quan chức Amal cũng đã đưa ra những ví dụ về những trở ngại mà phụ nữ đã phải vượt qua khi bị giam giữ ở nhà và xã hội không quan tâm. Từ đó cho thấy việc hai đội được thành lập đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Sau đó, số lượng này đã được nâng lên thành 05 đội với 30 người và mục đích là để tham gia một cuộc thi quốc tế
Các Ủy ban Paralympic Campuchia và Lào đã trình bày các bài thuyết trình nêu bật cách họ đã thành lập các ủy ban thể thao phụ nữ và đang tìm cách tăng số lượng VĐV và huấn luyện viên nữ.
Ủy ban Olympic Qatar nhắc lại cam kết tiếp tục đối thoại với Ủy ban Olympic quốc tế về Thế vận hội Olympic 2032
Ủy ban Olympic Qatar xác nhận sẽ tiếp tục đối thoại với Ủy ban Olympic quốc tế trong quá trình vận động đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032. Trước đó có nguồn tin rằng, Ủy ban Olympic quốc tế đã chấp thuận Brisbane là ứng cử viên ưu tiên cho vai trì chủ nhà của Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032. Brisbane trở thành thành phố ứng cử viên ưu tiên cho Thế vận hội Olympic mùa hè theo quy trình mới của Ủy ban Olympic quốc tế.
Quyết định này được xem là đã “giáng một đòn mạnh” vào các thành phố khác quan tâm đến việc đăng cai Thế vận hội, bao gồm cả Doha. Thủ đô Qatar đã đặt mục tiêu Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032 là sự kiện lớn tiếp theo mà nước này muốn tổ chức sau FIFA World Cup 2022 và Đại hội thể thao châu Á 2030. Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Đức và Hungary cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tổ chức Thế vận hội vào năm 2032.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Qatar Sheikh Joaan Bin Hamad Bin Khalifa Al-Thani cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban đăng cai các sự kiện mùa hè tương lai của Ủy ban Olympic quốc tế (được thành lập vào năm 2019) để xác định và đề xuất các địa điểm cho Thế vận hội cũng như tham gia đối thoại với các thành phố đại diện cho các quốc gia tiềm năng. Chủ tịch Sheikh Joaan khẳng định đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032 vẫn là tham vọng lớn nhất của Qatar.
Chủ tịch Sheikh Joaan cho biết, lắng nghe và học hỏi từ hai lần tham gia vận động đăng cai trước để tin tưởng rằng giờ đây Qatar có vị trí hoàn hảo để tổ chức một kỳ Thế vận hội. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với Chương trình nghị sự Olympic 2020 + 5. Qatar cũng mong muốn được tiếp tục đối thoại với Ban tổ chức chủ nhà tương lai.
Còn 11 năm diễn ra Thế vận hội, Qatar hy vọng sẽ có cơ hội thảo luận về kế hoạch của mình với Ủy ban đăng cai các sự kiện mùa hè tương lai trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra. Ủy ban Olympic Qatar tin tưởng rằng khi tiếp tục đối thoại với Ủy ban Olympic quốc tế, Qatar có thể chứng minh cách thức tổ chức Thế vận hội ở Qatar sẽ làm nên lịch sử, mang lại một di sản chưa từng có cho khu vực và Phong trào Olympic.
Ủy ban Olympic Qatar cũng đã trình hồ sơ vận động đăng cai Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032 lên Ủy ban đăng cai các sự kiện mùa hè tương lai. Theo đó, 80% địa điểm được sử dụng trong hồ sơ vận động đăng cai đã có sẵn và bao gồm cả những địa điểm được phục vụ tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2019 và FIFA World Cup 2022.
Ủy ban Olympic Qatar đã tuyên bố quan tâm đến việc tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic rất sớm, đó là vào tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên, tuyên bố này đã gây ra một số chỉ trích, khi các đối thủ cho rằng Qatar đã sử dụng các sự kiện thể thao lớn để “đánh bóng” hình ảnh của mình.
Ủy ban đăng cai các sự kiện mùa hè tương lai được thành lập khi hệ thống đấu thầu cũ đã tạo ra "quá nhiều bất cập". Các quốc gia tham gia vận động đăng cai đã phải chi hàng triệu đô la để quảng cáo cho chiến dịch của mình nhưng vẫn thất bại,
Ủy ban Olympic Philiipines sẽ tổ chức Hội thảo về vai trò của lãnh đạo nữ trong thể thao
Ủy ban Olympic Philippines và Ủy ban Phụ nữ và thể thao đang xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo về vai trò của lãnh đạo nữ trong thể thao tại nước này. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với tên gọi “cùng nhau tôn vinh các nhà lãnh đạo nữ trong chúng ta”. Hội thảo dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 20 – 23/7. Các Hiệp hội thể thao quốc gia sẽ là đối tượng mà Hội thảo quan tâm chủ yếu.
Ủy ban Phụ nữ trong thuộc Ủy ban Olympic Philippines khẳng định đây không phải là Hội thảo thông thường, nơi những đại biểu đôi lúc đóng vai trò thụ động. Tham gia Hội thảo này, mỗi đại biểu sẽ là một tác nhân tích cực cho sự thay đổi đối với tầm nhìn đối với bản thân, đối với môn thể thao và cộng đồng thể thao Philippines.
Hơn thế nữa, Hội thảo được tổ chức cũng nhằm mục đích để những đại biểu tham gia đề xuất các dự án nhằm giải quyết các thách thức đối với lãnh đạo phụ nữ trong thể thao. Hội thảo cũng có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia, những người sẽ đưa ra khung thiết kế dự án cho mỗi đại biểu tham dự.
A.T