![](/Portals/0/EasyGalleryImages/1/5417/0009946_Thanh Do.jpg.jpeg)
Thành Đô và Trùng Khánh dự kiến sẽ cùng nhau tham gia vận động đăng cai Thế vận hội Olympic 2032 (Ảnh:Insidethegames)
Theo China Daily, đề xuất của Thành Đô và Trùng Khánh cũng đã được đưa vào văn bản của Chính phủ để công bố. Trước đó, Thượng Hải đã nhắc tới như ứng cử viên tiềm năng cho Thế vận hội Olympic và Paralympic 2032, tuy nhiên, thành phố này đã bị lỡ hẹn và điều đó cũng đồng nghĩa với việc mở ra cánh cửa cho Thành Đô và Trùng Khánh.
Thành Đô là nơi sẽ tổ chức Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa hè vào năm tới và Đại hội thể thao thế giới vào năm 2025, còn Trùng Khánh đang hy vọng sẽ trở thành điểm đến của một kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè trong tương lai. Đây được coi như một "động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực".
Kế hoạch của Thành Đô và Trùng Khánh được đưa ra vào thời điểm mà các thành phố khác quan tâm đến việc tổ chức Thế vận hội Olympic 2032 (trong đó có thành phố tiên phong là Queensland) đang tạm dừng vì đại dịch Covid 19.
Là một phần của chiến lược quốc gia nhằm phát triển vòng tròn kinh tế, Thành Đô và Trùng Khánh sẽ cùng nhau đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic để cố gắng tổ chức một Thế vận hội mang đặc trưng văn hóa và đô thị mạnh mẽ, đồng thời cũng để nâng cao ảnh hưởng quốc tế của hai thành phố.
Thành Đô và Trùng Khánh, khu vực đô thị lớn nhất ở miền tây Trung Quốc, tham gia vào một cuộc vận động đăng cai Thế vận hội Olmpic năm 2032 với nhiều ứng cử viên tiềm năng như: Queensland, Jakarta ở Indonesia, Doha ở Qatar, Rhein-Ruhr ở Đức và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thổ Nhĩ Kỳ Hasan Arat cũng đã thúc giục Istanbul tham gia vận động đăng cai Thế vận hội Olympic vào năm 2032.
Ủy ban Olympic Quốc tế đã thay đổi cách lựa chọn quốc gia tổ chức đăng cai Thế vận hội như một phần của cuộc đại tu quy trình vận động được phê duyệt vào năm ngoái. Tổ chức này đã thành lập một Ủy ban đăng cai, xác định và đề xuất các địa điểm cho Thế vận hội Olympic Mùa hè, Mùa đông và tham gia "đối thoại liên tục" với các thành phố quan tâm. Quốc gia đăng cai năm 2032 lẽ ra sẽ được quyết định vào năm 2025 theo quy trình truyền thống, nhưng Ủy ban Olympic Quốc tế vẫn chưa xác nhận khi nào sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã tổ chức Thế vận hội Olympic Mùa hè năm 2008 và dự kiến đăng cai Thế vận hội Olympic Mùa đông vào năm 2022.
Khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ là những quy định áp dụng trong thời gian diễn ra Tokyo 2020
Những người tham gia vào Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020 sẽ được yêu cầu sử dụng khẩu trang mọi lúc cũng như thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Theo Kyodo News, các vận động viên và nhân viên sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang ở mọi thời điểm ngoại trừ khi thi đấu và trong các bữa ăn. Đây là một phần của kế hoạch để tránh những rủi ro được gọi là tắt là “3 C” đó là không gian hẹp trong nhà, nơi đông đúc và khi tiếp xúc gần.
Các địa điểm trong nhà sẽ được thông gió 30 phút một lần, trong khi những người trong Làng vận động viên sẽ chỉ có thể ở căng tin trong 30 phút cho bữa sáng và một giờ cho bữa trưa và bữa tối. Các thành viên tại Làng sẽ nhận được thực đơn trên điện thoại để tránh tắc nghẽn. Các biện pháp đối phó Covid 19 theo kế hoạch đã được Ban tổ chức Tokyo 2020 đệ trình Ủy ban Olympic Quốc tế và Ủy ban Paralympic Quốc tế. Chủ tịch Ủy ban Điều phối Ủy ban Olympic Quốc tế John Coates cũng đưa ra khuyến cáo các vận động viên sẽ hạn chế ở lại Làng vận động viên càng nhiều càng tốt. Các vận động viên cũng có khả năng được yêu cầu ở lại Làng trong thời gian họ ở thủ đô Nhật Bản và sẽ được khuyến khích không ra ngoài tham quan.
Giám đốc điều hành Tokyo 2020 Toshirō Mutō cho biết vẫn chưa có kết luận liên quan tới các biện pháp đối phó nào sẽ được sử dụng hay không. Ban tổ chức cũng chia sẻ thông tin về việc phát triển ba loại vắc xin tiềm năng. Một loại vắc-xin đang được phát triển bởi tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ Pfizer và BioNTech đã được phát hiện có hiệu quả 90% trong việc ngăn chặn người nhiễm Covid 19 sau các thử nghiệm toàn cầu, trong khi một công ty khác của Mỹ, Moderna, tiết lộ vắc-xin Covid 19 mà họ đang phát triển là gần 95% hiệu quả.
Trước đó, một loại vắc-xin Covid 19 do Đại học Oxford phát triển đã được phát hiện có hiệu quả 70%, mặc dù các nhà nghiên cứu đã tuyên bố rằng con số này có thể cao tới 90% bằng cách điều chỉnh liều lượng. Trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã chia sẻ thông tin về vắc-xin Covid 19 hiệu quả khiến ông tin tưởng rằng Tokyo 2020 có thể đón khán giả đến sân vận động vào năm tới với một môi trường an toàn. Chủ tịch Bach cũng tiết lộ các vận động viên sẽ được khuyến khích tiêm vắc-xin trước Thế vận hội Olympic, nhưng đó không phải là yêu cầu bắt buộc.
Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc ký kết Tuyên bố về Phụ nữ và Thể thao
Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc đã tiến hành ký kết Tuyên bố Brighton plus Helsinki 2014 về Phụ nữ và Thể thao. Thông qua việc ký kết Tuyên bố này, Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Tuyên bố Brighton đã được thông qua tại Hội nghị quốc tế đầu tiên về phụ nữ và thể thao ở Brighton vào năm 1994. Tuyên bố đã trở thành một lộ trình hỗ trợ sự phát triển không ngừng của một hệ thống thể thao và thể chất công bằng và bình đẳng hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mục đích của Tuyên bố là bổ sung vào các điều lệ, luật, quy tắc và quy định về thể thao tại địa phương, quốc gia và quốc tế liên quan đến sự công bằng trong hoạt động thể dục thể thao, cũng như đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn đối với nội dung có liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.
Nhóm Công tác Quốc tế về Phụ nữ và Thể thao đã cập nhật tuyên bố tại Hội nghị Thế giới ở Phần Lan vào năm 2014. Tại đó, Tuyên bố mới này đã mở rộng mục tiêu bình đẳng đối với phụ nữ trong xã hội, trường học. Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc đã trở thành một trong khoảng 600 tổ chức đã ký vào bản tuyên bố. Chủ tịch của Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc Hong-Dow Lin và Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao thuộc Bộ Giáo dục, Shao-Hsi Chang, đã ký thỏa thuận này tại Đài Bắc.
Đài Bắc Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ các nỗ lực của Nhóm Công tác Quốc tế về Phụ nữ và Thể thao nhằm theo đuổi sự bình đẳng đối với phụ nữ trong các vấn đề thể thao. Bằng việc ký kết tuyên bố này, Đài Bắc Trung Quốc mong muốn được hợp tác hơn nữa với Nhóm Công tác Quốc tế về Phụ nữ và Thể thao. Thông qua đó, Đài Bắc Trung Quốc cũng thể hiện quyết tâm tham gia và đóng góp vào các vấn đề thể thao quốc tế. Đài Bắc Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Cục quản lý thể thao của Bộ Giáo dục trong nhiều năm để tích cực thúc đẩy quyền và lợi ích của phụ nữ tham gia thể thao.
Năm 2011, Đài Bắc Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Quốc tế đầu tiên về Phụ nữ và Thể thao. Đến nay, Hội nghị này đã trở thành một diễn đàn quan trọng về chủ đề tham gia của phụ nữ vào hoạt động thể dục thể thao. Bằng việc chính thức ký kết 'Tuyên bố Brighton plus Helsinki 2014 về Phụ nữ và Thể thao', Đài Bắc Trung Quốc một lần nữa thể hiện rõ hơn quyết tâm của mình cùng với Nhóm Công tác Quốc tế tạo ra một môi trường thể thao bình đẳng hơn.
Ủy ban Olympic Đài Bắc Trung Quốc cho biết có tổng cộng 28 tổ chức thể thao tham dự và ký vào bản tuyên bố. Tổ chức này gọi việc ký kết tuyên bố là một “ngày lịch sử của phụ nữ và phong trào thể thao ở Đài Bắc Trung Quốc”.
A.T