Tất cả chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu được hậu quả sâu rộng của cuộc khủng hoảng do dịch Covid 19 gây ra trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều chắc chắn là đại dịch này đã ảnh hưởng và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của xã hội, bao gồm cả thế giới thể thao. Sự lây lan của vi rút trên toàn cầu đã khiến Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 phải hoãn lại đến năm 2021, một quyết định lịch sử được đưa ra để bảo vệ sức khỏe của các vận động viên và hàng trăm ngàn người tham gia Thế vận hội.
Quản lý khủng hoảng Covid 19
Việc hoãn tổ chức Thế vận hội Olympic là tình huống thể hiện sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm và linh hoạt. Tất cả chúng ta sẽ cần phải hy sinh và thỏa hiệp. Đối với Ủy ban Olympic quốc tế, tổ chức này sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về hoạt động và phần chi phí cho các sự kiện hoãn này, theo các điều khoản của thỏa thuận hiện có cho năm 2020 đối với Ban tổ chức Nhật Bản. Mặc dù còn quá sớm để đưa ra một con số chính xác, tuy nhiên Ủy ban Olympic quốc tế xác định phải gánh chịu hàng trăm triệu đô la chi phí từ quyết định này.
Liên quan đến việc hỗ trợ cộng đồng Olympic bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này, Ủy ban Olympic quốc tế cũng đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả với các vận động viên, Ủy ban Olympic quốc gia và Liên đoàn quốc tế, cũng như các đối tác thương mại và nhà tài trợ của mình. Trước mắt, chúng tôi đã mở rộng tất cả các khoản tài trợ Olympic cho các Ủy ban Olympic quốc gia để trang trải công tác chuẩn bị cho Thế vận hội. Điều này cũng áp dụng cho các khoản tài trợ cho 1.600 vận động viên giành học bổng Olympic trên toàn thế giới và đội tị nạn của Ủy ban Olympic quốc tế.
Lực lượng đặc nhiệm được thành lập với cái tên "chúng tôi ở đây", đã làm việc với tốc độ tối đa một cách chuyên nghiệp dựa trên các ưu tiên và chiến lược quản lý. Những ưu tiên này bao gồm trước hết là tạo ra một môi trường an toàn liên quan đến sức khỏe cho tất cả những người tham gia. Ủy ban Olympic quốc tế mong muốn biến lễ kỷ niệm Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại thành một lễ hội đoàn kết cho loài người và là biểu tượng cho sự kiên cường của con người để vượt qua cuộc khủng hoảng covid 19. Ngọn lửa Olympic có thể là ánh sáng ở cuối đường hầm tối tăm mà loài người tìm thấy.
Thế giới hậu Covid 19
Tại thời điểm này, không ai biết thực tế của thế giới hậu covid 19sẽ như thế nào. Tuy nhiên, điều rõ ràng là chúng ta sẽ cần xem xét kỹ phạm vi của một số hoạt động của mình và thực hiện các điều chỉnh cần thiết cho thực tế mới. Trong bối cảnh này, Ủy ban Olympic quốc tế đang xem xét các ưu tiên và ngân sách của mình. Đánh giá này sẽ sớm được trình lên Ban điều hành Ủy ban Olympic quốc tế để thảo luận và phê duyệt.
Phương châm phát động Chương trình nghị sự Olympic 2020 được viết trên tường Nhà Olympic là trong thời điểm khủng hoảng này nếu chúng ta rút ra những bài học phù hợp từ tình hình hiện tại, chúng ta có thể định hình tương lai của mình để tăng cường sự gắn kết của Phong trào Olympic trên thế giới. Do đó, chúng ta nên thúc đẩy hơn nữa các cải cách của Chương trình nghị sự Olympic 2020, đặc biệt là liên quan đến tính bền vững, để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Để thực hiện điều này, là một tổ chức có trách nhiệm, chúng ta nên thẳng thắn nhìn vào tương lai của thế giới sau cuộc khủng hoảng này. Đại dịch covid 19 có tác động sâu rộng đến xã hội nói chung. Do đó, chúng ta phải tưởng tượng thể thao thế giới hậu covid 19 thế nào. Mặc dù không ai có thể thực sự dự đoán được thế giới hậu covid 19 sẽ như thế nào nhưng nếu chúng ta muốn chuẩn bị, chúng ta cần cố gắng nhìn xa hơn. Có thể tưởng tượng ba kịch bản rộng lớn nhưng sẽ khác nhau tùy theo quốc gia, nền văn hóa khu vực.
Trong kịch bản đầu tiên, xã hội sẽ cố gắng tiếp tục giống như trước cuộc khủng hoảng. Với kịch bản này, cuộc khủng hoảng hiện nay rất có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế hiện có. Thế giới sẽ không thể vượt qua những điều này bằng các thuật toán máy tính dựa trên dữ liệu xuất phát từ quá khứ, giống như từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng này rất khác. Để vượt qua cuộc khủng hoảng này đòi hỏi sự xuất sắc, kinh nghiệm và sáng tạo của con người.
Kịch bản thứ hai là sự thúc đẩy nhiều hơn của chủ nghĩa vị kỷ và lợi ích cá nhân. Kịch bản này có thể dẫn đến các xã hội thậm chí chia rẽ nhiều hơn, bất bình đẳng hơn, với tất cả các rủi ro xã hội. Nó sẽ dẫn đến một sự xấu đi nghiêm trọng của quan hệ quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ và đối đầu chính trị trong tất cả các khía cạnh của đời sống con người: kinh tế, thể thao, văn hóa, viện trợ nhân đạo, mọi thứ sẽ trở thành một công cụ chính trị trong cuộc đối đầu chính trị này.
Kịch bản thứ ba là đoàn kết và hợp tác quốc tế hơn. Kịch bản này có nghĩa là chúng ta đã hiểu rằng chúng ta không thể dự đoán hoặc định hình trạng thái tương lai của thế giới bằng cách chỉ dựa vào công nghệ, và không một cá nhân, không chính phủ, quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại. Điều này sẽ dẫn đến những nỗ lực chia sẻ khó khăn của cuộc khủng hoảng một cách công bằng giữa người dân và các quốc gia, và để củng cố trật tự thế giới công bằng và hợp tác.
Bất kỳ yếu tố nào trong các kịch bản này chiếm ưu thế, đều sẽ có ảnh hưởng cơ bản đến thể thao và xã hội nói chung. Được đúc kết bởi các giá trị Olympic về hòa bình, đoàn kết, tôn trọng và thống nhất trong sự đa dạng, Ủy ban Olympic quốc tế có thể có đóng góp quan trọng cho thế giới hậu covid 19. Nhờ có nhiều cải cách của Chương trình nghị sự Olympic 2020, chúng tôi đang tận hưởng sự ổn định lâu dài. Điều này cho phép chúng tôi gánh vác không chỉ phần chia sẻ của chúng tôi về chi phí hoãn Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 mà đồng thời tiếp tục hỗ trợ các vận động viên và các bên liên quan đến Olympic. Tuy nhiên, không có lý do để tự mãn. Thế giới hậu covid 19 sẽ đối đầu với nhiều thách thức hơn, đặc biệt là những vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Do đó, chúng ta phải thúc đẩy Chương trình nghị sự Olympic 2020 và điều chỉnh nó.
ĐQC