Olympic Paris 2024

Dấu ấn Thể thao trong ngày đoàn tụ Bắc – Nam

Hòa trong không khí háo hức của sự kiện 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, người dân cả nước nói chung và miền Nam nói riêng như đang được sống lại những tháng ngày lịch sử đầy oai hùng của dân tộc.... Và trong tiến trình của lịch sử ấy, Thể thao luôn hiện diện như một "cầu nối" giúp hai miền Bắc – Nam xích lại gần nhau, hội tụ và đoàn kết.

Đưa thể thao miền Bắc đến với đồng bào miền Nam ruột thịt

Ngay từ những ngày đầu đất nước thống nhất, công tác TDTT đã được Đảng và Nhà nước sớm quan tâm, chú trọng đầu tư để thể thao phía Nam nhanh chóng hình thành, phát triển, hòa nhập vào dòng chảy thể thao quốc gia. Với nhiệm vụ đặc biệt “Tiếp quản thể thao miền Nam”, chỉ chưa đầy 2 tháng sau ngày 30/4/1975, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT Việt Nam) đã thành lập đoàn cán bộ gồm 42 người làm nhiệm vụ tiếp quản và gây dựng lại thể thao các tỉnh miền Nam.

Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đối với ngành TDTT ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất là đưa thể thao miền Bắc đến với đồng bào miền Nam ruột thịt. Theo đó, ngay trong tháng 6 và 7/1975, đoàn Thể dục dụng cụ thanh niên Hà Nội gồm các VĐV của Đoàn TDTT Quân đội; Sở TDTT Hà Nội; Trường Đại học TDTT trung ương (Từ Sơn, Bắc Ninh) do Phó giám đốc Sở TDTT Hà Nội Nguyễn Huy Khôi làm trưởng đoàn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ đã đi biểu diễn phục vụ nhân dân tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ... Sự kiện này thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu thể thao phía Nam đặc biệt là giới trẻ với Thể dục dụng cụ - môn thể thao đã phát triển mạnh ở miền Bắc.

Công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất, bồi dưỡng kỹ năng vận động dưới các dạng hoạt động, trò chơi vận động, TD cơ bản, đội hình đội ngũ đã được quan tâm từ thời kỳ xây dựng CNXH ở các tỉnh miền Bắc. Công tác này tiếp tục được phát triển trong cả nước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đối với các trường phổ thông từ Tiểu học đến hết bậc Phổ thông trung học, công tác giáo dục thể chất được coi là một mặt trong nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ. Trong tổng kết công tác TDTT trường học của ngành TDTT giai đoạn 1975-1985 đã đánh giá: "Cùng với chương trình thể dục nội khóa và nếp thể dục - vệ sinh được duy trì ở nhiều nơi, phong trào 4 môn Điền kinh phối hợp được mở rộng, đến nay đã có gần 50% số trường có phong trào rèn luyện môn này".

Cùng với nhiệm vụ phát triển TDTT trong trường học, các phong trào “Toàn chi đoàn biết bơi”, “Toàn đơn vị tập chạy” do Đoàn Thanh niên và ngành TDTT phối hợp tổ chức được duy trì từ sau năm 1975. Bên cạnh đó, từ năm 1978, ngành TDTT, Trung ương đoàn TNCSHCM đã phối hợp tổ chức bầu chọn VĐV tiêu biểu hàng năm và trao giải “Phong cách TDTT XHCN” cho các giải Bóng đá.

Đến năm 1979, ngành TDTT và Đoàn TNCSHCM đều duy trì việc tổ chức thường niên “Hội khỏe truyền thống hàng năm trong học sinh các trường phổ thông” và đỉnh cao của hoạt động TDTT dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng chính là Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần.

Theo thống kê, chỉ sau 5 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, trên cả nước có hơn 20 địa phương tổ chức “Mùa hè thể thao”, đến năm 1983 có trên 30 địa phương và đến năm 1990 có trên 40 địa phương. Cho đến nay, mô hình này đã phổ cập sâu rộng đến cấp quận, huyện và ở các cụm dân cư.

Cuộc tranh tài thể thao lớn đầu tiên mang tính chất toàn quốc cũng được tổ chức khá sớm là Cuộc đua vượt sông truyền thống Bạch Đằng lần thứ 5 được tổ chức trên sông Hương của thành phố Huế vào ngày 11/6/1976. Tham dự cuộc đua khi đó có 152 VĐV (64 nữ), đại diện cho 20 tỉnh, thành và 4 ngành tranh tài sôi nổi mà báo chí lúc bấy giờ đã gọi giải là "Bài ca thống nhất của các dòng sông". Đến năm 1978, giải vô địch quốc gia đầu tiên, đó là giải Bóng bàn toàn quốc cũng đã được tổ chức tại thành phố biển Quy Nhơn, quy tụ các tay vợt xuất sắc ở 2 miền Bắc – Nam.

Trận cầu ngày đoàn tụ

Trong những năm dài chia cắt, Bóng đá cả hai miền vẫn có được những bước phát triển mạnh mẽ. Bóng đá miền Bắc lúc đó cũng đã đạt đến tầm châu lục, giành thứ hạng cao tại các giải đấu thuộc khối XHCN, hay những chiến thắng ấn tượng trước tuyển trẻ Liên Xô, CHDC Đức (cũ) và thi đấu ngang ngửa với các đội tuyển Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên...  Khi ấy, Đường sắt cũng đang là CLB đứng thứ hai ở giải vô địch miền Bắc, chỉ sau Thể Công và trong đội hình có nhiều gương mặt trẻ xuất sắc như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính, Trường Sinh, Minh Điểm, Hoàng Gia...

Còn đội tuyển miền Nam sau chức vô địch SEAP Games lần thứ nhất (năm 1959 tại Thái Lan) đã có chỗ đứng trong tốp 4 châu lục cùng những thành tích như vô địch Merdeka Cup 1966, đánh bại cả Nhật Bản, Hàn Quốc... Cảng Sài Gòn lúc đó nổi tiếng với bề dày truyền thống ở miền Nam khi đó, quy tụ các hảo thủ từng chinh chiến các giải đấu quốc tế như Phạm Huỳnh Tam Lang, Lê Văn Tư, Lê Đình Thăng, Nguyễn Tấn Trung...

Và ngày 7/11/1976 đã đi vào lịch sử Bóng đá Việt Nam khi đội Tổng cục Đường sắt đại diện cho Bóng đá miền Bắc vào miền Nam đá giao hữu với đội Cảng Sài Gòn trên SVĐ Thống Nhất. Việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt lúc đó vào Nam đá càng có ý nghĩa khi tuyến đường sắt Bắc - Nam sắp khánh thành.

Ông Mai Đức Chung ngày ấy thuộc đội Tổng Cục Đường Sắt chia sẻ: 50 năm trôi qua nhưng cảm xúc trong tôi vẫn mới như ngày nào, bởi trận cầu này có nhiều kỷ niệm đối với tôi và đồng đội của tôi. Trận cầu của chúng tôi ngày ấy gắn liền với lịch sử đất nước. Đấy cũng là lần đầu tiên đội bóng của chúng tôi được đặt chân vào miền Nam và chúng tôi rất vinh dự khi được thay mặt cho nền Bóng đá ở miền Bắc vào thi đấu phục vụ bà con phía Nam.

Ngày thi đấu, mặc dù 17h00 bóng mới lăn, nhưng trước hàng tiếng đồng hồ, sân Thống Nhất đã chật cứng với con số khán giả kỷ lục hơn 30.000 người, đó là chưa kể đến hàng ngàn CĐV ngồi ngoài sân reo hò bên tiếng loa phóng thanh tường thuật trực tiếp từ radio. Trong tiếng vỗ tay và bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", cầu thủ hai đội tay trong tay ra sân với niềm hân hoan và cả giọt nước mắt vì hạnh phúc.

Khởi nguồn từ trận đấu ấy, đến năm 1977 là sự ra đời của giải đấu Hồng Hà (giải vô địch các đội phía Bắc), giải Trường Sơn (giải vô địch các đội miền Trung) và giải Cửu Long (giải vô địch các đội phía Nam). Đến năm 1980, giải Bóng đá vô địch quốc gia chính thức ra đời và Tổng cục Đường sắt đã đăng quang ngôi vô địch lần đầu tiên.

Đại hội TDTT toàn quốc lần đầu được tổ chức

Đại hội TDTT các cấp năm 1984-1985 hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I vào năm 1985 là sự kiện đánh dấu bước tiến rõ rệt của phong trào TDTT trên toàn quốc. Theo thống kê đã có hơn 10.000 cơ sở, 400 quận huyện, thị xã của 40 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, mặc dù ban đầu nội dung thi đấu có nơi chỉ có 1-2 môn.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất năm 1985 - Cuộc tổng duyệt đầu tiên của Thể thao Việt Nam sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất

Sau khi được tiến hành tại các cấp ở 52 tỉnh, thành và 2 ngành, Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên được tổ chức từ ngày 22 đến 29/9/1985 tại Hà Nội. Đại hội có 27 đoàn tham gia thi đấu 13 môn với 1.253 VĐV (338 nữ), 225 cán bộ, 190 HCV và 239 trọng tài. Đã có 19 kỷ lục quốc gia bị phá và xác lập mới. Xếp hạng chung cuộc, đoàn thể thao TP.HCM dẫn đầu với 43 HCV, 39 HCB, 20 HCĐ. Hà Nội đứng thứ Nhì (24 HCV, 24 HCB, 36 HCĐ) và thứ Ba là đoàn Quân đội (20 HCV, 21 HCB, 20 HCĐ)...

Đây cũng chính là cột mốc quan trọng đánh dấu bước khởi đầu của nền TDTT Việt Nam trong những năm đầu xây dựng đất nước theo con đường CNXH. Đại hội TDTT toàn quốc tiếp tục được tổ chức tới ngày nay và đây chính là cơ sở nền tảng giúp Thể thao Việt Nam phát triển, cũng như đăng cai, tổ chức nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn của khu vực, châu lục và thế giới.

KC, Ảnh: tư liệu

Ảnh trong bài
  • Dấu ấn Thể thao trong ngày đoàn tụ Bắc – Nam
  • Dấu ấn Thể thao trong ngày đoàn tụ Bắc – Nam
  • Dấu ấn Thể thao trong ngày đoàn tụ Bắc – Nam