Olympic Paris 2024

Chân chạy Phạm Tiến Sản: Vạch đích luôn ở phía trước!

Không chỉ là nhà vô địch quốc gia nhiều năm liền, Kiện tướng quốc gia Điền kinh quê Bắc Giang Phạm Tiến Sản còn được biết đến là người ghi dấu ấn lịch sử cho bộ môn Điền kinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế khi giành HCV ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp (31,32). Gần đây nhất, Tiến Sản tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình khi lọt top 100 Berlin Marathon – một trong 6 giải Major của chạy bộ thế giới.  Thành quả đó có được xuất phát từ đam mê, sự phấn đấu khổ luyện không ngừng nghỉ cùng với niềm khát khao chiến thắng... Hãy cùng trang tin TDTT Việt Nam trò chuyện cùng VĐV Phạm Tiến Sản để nghe những chia sẻ của anh khi bước vào con đường thể thao chuyên nghiệp.

Xin chào bạn! bạn có thể cho biết cơ duyên nào đưa mình đến với thể thao?

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn (xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), ngay từ nhỏ tôi đã rất thích chạy bộ. Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng, bố tôi đã gọi dậy đi chạy để nâng cao sức khỏe. Lúc đầu chỉ chạy quanh xóm, sau đó là chạy quanh làng. Việc chạy bộ luôn giúp tôi cảm thấy thư thái và khỏe hơn. Lúc đầu tôi chạy bằng dép, có khi chạy bằng chân đất. Đến năm 12 tuổi, tôi mới có đôi giầy chạy Thượng Đình đầu tiên cho mình. Có giầy chạy, tôi ham lắm, ngày nào cũng chạy, mùa đông cũng như mùa  hè, cứ sáng chạy, chiều chạy. Tôi không chỉ chạy quanh làng mà còn chạy qua cả các làng khác. Với mục đích ban đầu chỉ là để rèn luyện sức khỏe, nhưng đến năm 2023, trong một lần tình cờ xem chương trình thể thao trên ti vi, tôi đã ấp ủ ước mơ được trở thành VĐV chuyên nghiệp và được tham gia thi đấu SEA Games.

VĐV Phạm Tiến Sản luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trên đường chạy

Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực và quá trình tập luyện đều đặn nên tôi luôn được lựa chọn tham gia các giải thể thao của trường. Ngay lần đầu tiên tham dự giải Điền kinh học sinh  trường THCS Ngọc Thiện, tôi đã giành giải Nhất. Đến năm 2018, khi đang học lớp 11, tôi đã có tên trong danh sách tham dự giải HKPĐ tỉnh Bắc Giang và đã giành HCĐ. Ngay sau thành tích này, tôi đã được gọi vào đội tuyển tỉnh và tham gia tập luyện được hơn một tháng thì thi đấu giải HKPĐ toàn quốc. Mặc dù giải đấu đó không thể có thành tích, nhưng đã cho tôi rất nhiều bài học kinh nghiệp quý báu. Tiếp đó, thấy được tố chất của tôi, thầy Đào Xuân Hùng- Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Bắc Giang đã thuyết phục gia đình cho tôi ở lại để đào tạo và kể từ đó, tôi đã gắn bó với Điền kinh cho đến hôm nay.

Từ cậu bé mê chạy và sớm trở thành VĐV nổi tiếng được nhiều người biết đến, Tiến Sản hãy chia sẻ với độc giả về những thành tích của mình?

Trong suốt quá trình tập huấn tại Trung tâm HLTT tỉnh Bắc Giang, tôi luôn nỗ lực hết mình và thành quả đầu tiên tôi có được là tấm HCĐ nội dung 3000m chướng ngại vật tại giải Điền kinh Vô địch quốc gia năm 2008.

Đến năm 2012, tôi được gọi lên đội tuyển quốc gia và giành ngôi vô địch ở 5 mùa giải liên tiếp từ năm 2012 đến 2017. Những thành tích có được từ giải đấu trong nước đã tạo cho tôi động lực rất lớn để rồi đã có HCB ở 3 kỳ SEA Games 2013, 2015 và 2017.

Sau SEA Games 2017 tôi bị chấn thương nặng và nghĩ sẽ không thể tiếp tục sự nghiệp thi đấu nên rời đội tuyển quốc gia. Nhưng rồi, niềm khao khát có HCV ở SEA Games đã thôi thúc tôi trở lại tập luyện vào năm 2019.

Khi trở lại đội tuyển, tôi không tiếp tục tập 3000m vượt chướng ngại vật mà chuyển hướng sang tập luyện Duathalon- môn thể thao còn rất mới ở Việt Nam. Qua tìm hiểu, tôi được biết đây là môn thể thao chỉ dành cho các VĐV xuất sắc, nhưng tôi vẫn quyết tâm thử. Càng tập, tôi càng thấy thích và tập không biết mệt.

Sự cố gắng, nỗ lực cũng đã được đền đáp! Tấm HCV tại SEA Games 31 không chỉ giúp tôi hiện thực hóa ước mơ đổi màu huy chương, mà còn là tấm HCV ghi dấu ấn lịch sử của Điền kinh Việt Nam ở đấu trường khu vực. Đây cũng là tấm huy chương đáng nhớ nhất với tôi. Đến SEA Games 32, tôi tiếp tục bảo vệ thành công tấm HCV của mình ở môn thể thao mới này.

Với những thành tích có được, tôi cũng vinh dự được nhận các danh hiệu cao quý như: 10 năm liền nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và nhiều năm được nhận Bằng khen của Bộ VHTTDL; Giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2020; Người Việt Nam đầu tiên vào top 100 của một giải major; Top 100 VĐV marathon thế giới 2024; nam VĐV chuyên nghiệp xuất sắc của năm 2024...

Từ VĐV Điền kinh chuyên nghiệp, chuyển sang thi đấu Duathalon là một quyết định không dễ dàng. Vậy đâu là lý do và những khó khăn bạn gặp phải khi thi đấu ở môn thể thao mới này?

Ở thời điểm đó, bộ môn Duathlon mới được du nhập vào Việt Nam. Đây là môn thể thao mới mẻ thuộc hệ thống Olympic. Trong suy nghĩ của tôi khi đó, tập luyện môn thể thao này chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn, nhưng cũng chính vì thế sẽ ít VĐV thực hiện được và tính cạnh tranh cũng sẽ không như những môn thể thao khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc con đường đến bục vinh quang sẽ gần hơn nếu như dám dũng cảm dấn thân và sẵn sàng bước vào thử thách. Cân nhắc giữa các yếu tố, tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Tập Duathalon đòi hỏi VĐV phải thực hiện 2 nội dung là chạy 10km rồi đạp xe 40km. Ngoài việc phải có nền tảng thể lực tốt, đòi hỏi cơ thể VĐV phải thay đổi trạng thái liên tục. Hơn nữa, môi trường tập luyện tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (chạy, đạp xe ngoài đường) khiến tôi cũng có chút áp lực. Tuy vậy, do có sự chuẩn bị từ đầu và tinh thần nhất quán nên tôi đã sớm khắc phục được những rào cản tâm lý cũng như những khó khăn khi phải đối mặt. Và điều quan trọng nhất đó là tôi luôn tin rằng mình có thể làm được.

Càng khó khăn thì khát khao trở thành nhà vô địch ở sân chơi lớn nhất khu vực lại càng mãnh liệt trong tôi. Chưa giành được HCV SEA Games là tôi chưa mãn nguyện nên luôn tâm niệm mình phải cố gắng nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa. Và rồi tấm HCV Duathlon tại kỳ SEA Games 31 đã đến với tôi, là minh chứng cho lựa chọn đúng đắn, phần thưởng xứng đáng cho những gì tôi đã trải qua...

Sự thành công của chân chạy người Bắc Giang luôn có sự đồng hành của những người thân trong gia đình

Để có được thành công như hôm nay, Tiến Sản có thể chia sẻ thêm về quá trình rèn luyện của bản thân?

Đối với mỗi VĐV thể thao, việc tập luyện hàng ngày là hiển nhiên, nhưng tập sao cho hiệu quả cũng như đảm bảo về thể lực là điều vô cùng quan trọng. Hàng ngày tôi duy trì tập luyện khoảng 3-4 tiếng. Đây là kỷ luật bắt buộc đối với VĐV chạy, bởi nó là cả quá trình tích lũy lâu dài chứ ko phải ngày một, ngày hai là mong có thành tích.

Không chỉ bản thân tôi tự đặt ra kỷ luật cho mình mà vợ tôi cũng luôn đồng hành, giúp tôi trong luyện tập. Ngoài việc quán xuyến mọi việc trong gia đình, cô ấy còn chăm chút cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ để tôi có sức khỏe tốt nhất.

Do bản thân luôn chủ động chuẩn bị mọi thứ và có sự rèn luyện hàng ngày, nên khi vào đội tuyển tập trung, tôi rất nhanh chóng quen với điều kiện tập luyện.

Điền kinh là môn Olympic nhưng số giải thi đấu lớn trong nước và quốc tế hàng năm là không nhiều. Bởi vậy, để có được thành tích, các VĐV phải tập luyện quanh năm. Ngoài việc duy trì thể lực cũng như thuần thục các bài tập theo giáo án mà BHL đề ra, bản thân tôi luôn tự mình nghiên cứu, tìm tòi các bài tập từ VĐV nước ngoài và tự rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, giúp chuẩn bị cho mình có được hành trang kiến thức, kỹ năng tốt nhất và hiệu quả nhất.

Hiện thể thao Việt Nam nói chung, Điền kinh nói riêng đang dồn lực hướng tới SEA Games 33 sẽ diễn ra tại Thái Lan vào cuối năm nay. Vậy mục tiêu của anh ở kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực này là gì?

Tại SEA Games 33 năm nay, nước chủ nhà không đưa nội dung cá nhân môn Duathlon vào chương trình thi đấu, thay vào đó là nội dung tiếp sức 3 nam và tiếp sức 2 nam, 2 nữ. Không có nội dung  Duathalon cá nhân là điều rất tiếc cho bản thân tôi. Tuy nhiên, tôi sẽ cùng đồng đội thi đấu nội dung tiếp sức hỗn hợp.

Về phần mình, tôi sẽ nỗ lực để có sự chuẩn bị tốt nhất. Tôi cũng mong có được sự  phối hợp thật tốt của đồng đội, và mục tiêu mà chúng tôi hướng tới vẫn là tấm huy chương màu Vàng.

Để chuẩn bị cho giải đấu, hiện cá nhân tôi vẫn đang tự tập ở nhà với giáo án do mình thiết kế. Ngày nào tôi cũng tập 3-4 tiếng. Theo kế hoạch, tháng 6 tới tôi sẽ tập trung cùng toàn đội.

Được biết, ngoài thời gian tập luyện để thi đấu chuyên nghiệp, Tiến Sản còn rất tích cực tham gia các giải chạy phong trào?

Là một người đam mê chạy, tôi luôn kiên định sẽ gắn bó với đường chạy cho đến khi không thể tiếp tục được nữa thì mới dừng lại. Hiểu được lợi ích của việc chạy, muốn bản thân có thể đóng góp được một phần vào việc vận động cộng đồng tham gia rèn luyện sức khỏe nên trong thời gian qua tôi rất tích cực tham gia các giải chạy phong trào. Cùng với đó, tôi cũng duy trì và phát triển hoạt động của một CLB Chạy bộ đường dài. Dù CLB mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn lành mạnh, bổ ích, đoàn kết và hơn hết đã tập hợp được đông đảo các cá nhân, tập thể yêu thích hoạt động chạy bộ đường dài, rèn luyện sức khỏe tham gia.

Từ kinh nghiệm của bản thân, anh có lời nhắn nhủ gì cho các VĐV trẻ có cùng đam mê với môn thể thao này?

Không có thành công nào tự đến, đối với mỗi VĐV, khi bước vào thi đấu đỉnh cao đều phải trải qua quá trình khổ luyện vô cùng nghiêm ngặt. Ngoài sự nỗ lực tự thân, sự nghiêm túc trong tập luyện và thi đấu còn là ý chí, là niềm khát khao. Thế nhưng, vạch đích luôn luôn ở phía trước, nếu bạn cố gắng, nỗ lực hết mình sẽ giành được thành quả xứng đáng và được tôn vinh.

Hiện đã là người cha của hai con nhỏ và có cuộc sống gia đình hạnh phúc, Tiến Sản có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống của gia đình mình? 

Xây dựng gia đình từ năm 2019, đến nay, vợ chồng tôi đã có hai cháu (một trai, một gái). Có thể nói, tôi đang có một gia đình hạnh phúc khi có người vợ luôn thấu hiểu chồng cùng hai con chăm ngoan, khỏe mạnh.

Là VĐV chuyên nghiệp, thường xuyên phải đi tập huấn, thi đấu triền miên, có những đợt tập huấn kéo dài vài tháng nên thời gian ở nhà với vợ con rất ít, nhưng rất may là vợ tôi cũng là VĐV phong trào nên rất thấu hiểu đam mê của chồng, sẵn sàng ủng hộ tôi. Trong các chuyến tập huấn xa và kéo dài, nếu có điều kiện, vợ tôi luôn đi cùng, đồng hành cùng chồng. Điều đó, không chỉ giúp chúng tôi thêm yêu thương, trân trọng nhau mà còn giúp tôi có thêm động lực để tập luyện và thi đấu thăng hoa.

Cảm ơn bạn về cuộc chia sẻ này!

Việt Dũng

Ảnh trong bài
  • Chân chạy Phạm Tiến Sản: Vạch đích luôn ở phía trước!
  • Chân chạy Phạm Tiến Sản: Vạch đích luôn ở phía trước!
  • Chân chạy Phạm Tiến Sản: Vạch đích luôn ở phía trước!