Olympic Paris 2024

Bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian Lày cỏ tại Cao Bằng

Lớp tập huấn xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn Lày cỏ năm 2024 vừa được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 11 – 16/11 đã mang đến cho 70 học viên đến từ các huyện, thành phố trong toàn tỉnh những kiến thức cũng như trải nghiệm thú vị về trò chơi dân gian này. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Kế hoạch bảo tồn và phát triển thể thao dân tộc của tỉnh.

Về Cao Bằng chơi Lày cỏ...

“Lày cỏ” còn có tên gọi khác là “Sai mạ”, là trò chơi dân gian xuất hiện lâu đời trong đời sống của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng và một số địa phương lân cận. Sự thú vị của trò chơi này đã khiến nó ngày càng được phổ biến hơn, đến nay còn được đưa vào các cuộc thi tại lễ hội xuân, các cuộc giao lưu, môn thi đấu trong các hội thi thể thao. Lày cỏ có thể chơi mọi lúc, mọi nơi, thường được chơi nhiều nhất tại đám cưới, vào nhà mới, đầy tháng cho trẻ sơ sinh…Lày cỏ không cần luật quá khắt khe nhưng lại cần sự phán đoán nhanh nhạy của người chơi. Tạo hứng thú và hiệu ứng tương tác, sự lôi cuốn mang tính cộng đồng là nét đặc trưng thú vị của trò chơi dân gian này.

Lày cỏ là một điển hình của nét văn hóa truyền thống bà con dân tộc Tày, Nùng

Vốn tồn tại như một nét văn hóa thường ngày của bà con dân tộc nơi đây, nên từ bao đời nay, Lày cỏ đã “ăn sâu”, “bám rễ” vào tiềm thức của người Tày, Nùng. Mỗi khi có tiệc vui, Lày cỏ lại được nhiều người hưởng ứng và tham gia, làm tăng thêm không khí sôi động, vui vẻ, lưu giữ lâu hơn thời gian bên nhau, giúp tình cảm trong cộng đồng dân cư, gia đình càng thêm gắn kết. Thậm chí có người không phải là người Tày, Nùng mà chỉ biết nghe, biết cách chơi Lày cỏ cũng tham gia được. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, không quá khó để nhìn thấy trên mỗi vùng đất ở Cao Bằng có từng nhóm từ 3 – 4 người “quần tụ” lại với nhau để ...Lày cỏ. Họ vừa uống rượu, vừa chơi, cuộc vui có khi kéo dài từ chiều đến 3, 4 giờ sáng.

Lày cỏ không phân biệt tuổi tác, giới tính, trước đây thường chỉ có đàn ông tham gia chơi nhiều, hiện nay các chị em cũng tham gia chơi. Lày cỏ ít thì 2 người chơi, nhiều có thể lập đội mỗi bên từ 2 – 5 người tham gia thi đấu. Khi thi đấu nhóm, chơi theo vòng tròn, người thắng của đội này lần lượt đấu với các thành viên khác của đội đối phương. Vì vậy, người tham gia thi đấu phải là người nhanh mắt, nhanh tay, quan trọng là phải tư duy nhanh, mỗi cá nhân cần thể hiện bản lĩnh của mình trước đối thủ và đổi mới cách “xòe tay” không theo quy luật nào nhằm làm cho đối phương không đoán được. Điều đó lí giải vì sao mà hiện nay Lày cỏ đang được tỉnh định hướng trở thành một môn thể thao dân tộc mang tính trí tuệ.

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Thị Nhuận: Lày cỏ chính là nét văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng mà vẫn được gìn giữ trong đời sống xã hội hiện đại. Đặc biệt, các giải Lày cỏ ngày càng được tổ chức nhiều hơn, vừa tạo sự phấn khởi cho người dân, vừa là cách bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Tày, Nùng ở Cao Bằng.

Nâng tầm trò chơi dân gian thành môn thể thao thi đấu

Những năm qua, Cao Bằng luôn quan tâm, khuyến khích bộ môn Lày cỏ phát triển. Năm 2018, Lày cỏ được chính thức đưa vào giải thể thao cấp tỉnh. Hàng năm, tỉnh cũng tổ chức nhiều giải đấu tại các cấp, các VĐV được giao lưu, học hỏi, nâng cao kinh nghiệm thi đấu, qua đó, lan tỏa bộ môn thể thao dân gian thú vị này đến với nhiều người hơn.

Lớp tập huấn được tổ chức là một trong những nhiệm vụ nằm trong kế hoạch phát triển thể thao dân tộc, trò chơi dân gian của tỉnh Cao Bằng

Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng Ngọc Văn Chắn: năm 2024, Cao Bằng tăng cường tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động thể thao từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và toàn quốc. Tập trung phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian, nhất là ở các xã vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong đó, Lày cỏ - trò chơi dân gian tiếp tục góp mặt, như một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn, phát triển thể thao dân tộc tại tỉnh.

Việc tỉnh tổ chức lớp tập huấn cũng cho thấy mong muốn phát triển hơn nữa trò chơi dân gian này. Tại đó, các học viên đến từ các đơn vị, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được nghe giới thiệu về nguồn gốc, quá trình hình thành môn Lày cỏ và ý nghĩa của việc việc tập luyện trò chơi Lày cỏ; nắm được các văn bản, chính sách về phát triển TDTT và bảo tồn, phát huy các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian; hướng dẫn xây dựng và phát triển mô hình, nhóm thể thao, CLB môn Lày cỏ của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh.

Về chuyên môn, giúp các học viên ôn tập hệ đếm - khẩu ngữ, khẩu ngữ thường dùng, cách thức xòe tay (ra ngựa); hoàn thiện các kỹ thuật Lày cỏ; bài tập phòng, chống đau, mỏi toàn thân và nâng cao sức bền khi tập luyện; tổ chức tập luyện theo đội, nhóm; thực hành phương pháp sư phạm hướng dẫn tập luyện môn Lày cỏ...

Lớp tập huấn được tổ chức với mục đích xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển môn Lày cỏ nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát triển rộng khắp trò chơi dân gian thú vị này trong toàn tỉnh, trở thành “điểm nhấn” của sản phẩm du lịch phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa vùng đất Cao Bằng.

Lày cỏ được đưa vào các giải thể thao dân tộc của tỉnh

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhưng trò chơi dân gian Lày cỏ vẫn được duy trì, trở thành phương tiện giao lưu văn hóa đưa vào thi tài trong các ngày hội Xuân, hội Lồng Tồng. Và khi các nhà quản lý thể thao tỉnh quan tâm bảo tồn và tìm cách phát triển, nâng tầm trò chơi dân gian này thành một môn thể thao dân tộc để đưa vào các giải thi đấu thì Lày cỏ chắc chắn sẽ giúp thể thao Cao bằng có thêm một “kênh” mới trong lộ trình phát triển thể thao dân tộc tỉnh nhà...

Minh Phương, ảnh: CB

Ảnh trong bài
  • Bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian Lày cỏ tại Cao Bằng
  • Bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian Lày cỏ tại Cao Bằng
  • Bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian Lày cỏ tại Cao Bằng