Kady Dandeneau, một VĐV bóng rổ xe lăn người Canada đã chia sẻ với Agence France-Presse rằng: "Thật sự rất tiện lợi khi có thể sửa chữa mọi thứ ở đây".
Việc sử dụng máy tính để quét bộ phận chi giả giúp tiết kiệm thời gian và chính xác hơn (ảnh: insidethegames)
Các dịch vụ của xưởng được cung cấp miễn phí bởi công ty Ottobock của Đức, một công ty đã gắn bó với Thế vận hội dành cho người khuyết tật từ năm 1988.
Peter Franzel, Giám đốc trung tâm sửa chữa cho biết: "Chúng tôi sửa chữa thiết bị của mọi thương hiệu, từ chân tay giả để sử dụng hàng ngày đến xe lăn để đua". Ông Peter Franzel cũng cho biết sẽ có khoảng hơn 2.000 lần sửa chữa trong kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật lần này.
Kể từ khi Làng mở cửa, các yêu cầu đã liên tục được gửi đến vì "nhiều VĐV đến kiểm tra thiết bị của họ và cũng vì đôi khi chúng bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển bằng máy bay". Ba trăm lần sửa chữa đã được thực hiện trong ba ngày đầu tiên, ông Peter Franzel chia sẻ.
Điều chỉnh phanh trên chiếc xe lăn rồi thay lốp bị hỏng là những vấn đề thường gặp nhất. Các vấn đề về ghế, phanh hoặc bánh xe lăn, nhiều bộ phận cần được bảo dưỡng thường xuyên, một kỹ thuật viên người Đức, từng làm việc tại xưởng sửa chữa trong chín kỳ Thế vận hội Paralympic, cho biết.
Tổng cộng, có 160 nhân viên Ottobock từ khoảng 40 quốc gia có mặt để phục vụ công tác sửa chữa tại Làng và tại các địa điểm thi đấu. Để có thể đáp ứng mọi yêu cầu, xưởng đã lưu trữ 1.500 phụ tùng thay thế gồm: các bộ phận chân giả, bánh xe và săm xe đủ kích cỡ, dành cho nhiều kiểu xe lăn khác nhau.
Máy tính được sử dụng để quét bộ phận chi giả để có thể đúc một chi giả mới giống hệt. Sử dụng công nghệ này giúp "tiết kiệm thời gian và chính xác hơn", một chuyên gia chân giả người Pháp cho biết.
VĐV chèo thuyền người Pháp Alexis Sanchez bày tỏ sự yên tâm khi có sự tồn tại của xưởng tại Làng. "Chúng tôi biết rằng nếu có vấn đề nhỏ nhất, chúng tôi có thể sửa chữa thiết bị, điều này cho phép chúng tôi tập trung 100% vào cuộc thi.", Alexis Sanchez chia sẻ.
A.T biên dịch